Phình giáp là bệnh thường gặp trong nhóm bệnh nội tiết. Bệnh chiếm tỷ lệ 4-7% dân số, nữ nhiều hơn nam, 95% bệnh nhân là phình giáp lan tỏa, 5% là phình giáp nhân hoặc đa nhân.
- Lâm sàng
Phần lớn phình giáp không có triệu chứng. Có thể phát hiện tình cờ bệnh khi khám sức khỏe, hay than phiền cảm thấy nghẹn ở vùng cổ, nuốt vướng. Một số trường hợp đau tự nhiên do xuất huyết trong phình giáp nhân, nhân lớn nhanh, có thể ghi nhận các triệu chứng xâm lấn tại chỗ như: nuốt khó, khàn giọng, sờ có thể thấy hạch vùng cổ, tuyến giáp cứng khó di động.
Một số dấu hiệu gợi ý nghi ngờ ung thư giáp:
- Phái nam.
- Tuổi <20 hay > 40.
- Nhân lớn nhanh.
- Những triệu chứng xâm lấn tại chỗ, nuốt khó, đau thùy cổ, khàn giọng, thở hơi ngắn.
- Có tiền sử xạ vùng cổ.
- Có tiền sử gia đình ung thư giáp dạng nhú, ung thư giáp dạng tủy hay đa u tuyến nội tiết (MEN).
- Xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm sinh hóa: FT4 (T4), T3 (FT3) , TSH Thường ghi nhận chức năng tuyến giáp bình giáp trong hầu hết trường hợp.
- Siêu âm tuyến giáp Cần có để phân biệt phình giáp lan tỏa với phình giáp nhân. Siêu âm khả năng phát hiện nhân giáp cao, ngay cả những nhân có kích thuốc <10mm khó sờ thấy. Siêu âm giúp phân biệt phình giáp nhân với ung thư tuyến giáp nhờ các dấu hiệu gợi ý ác tính:
- Hình dạng nhân không đồng đều.
- Tính chất echo kém.
- Bờ nhân xác định không rõ.
- Dấu hiệu Halo dày không hoàn toàn.
- Sự hiện diện vi hạt calci hóa.
- Sự hiện diện phân phối của mạch máu trong nhân.
- Xạ hình tuyến giáp
Chỉ thực hiện trong trường hợp nghi ngờ phình giáp có nhân cường giáp hoặc nghi ác tính.
Nhân bắt xạ, còn gọi là nhân nóng, là nhân có chức năng tự động cao, nhân này được xác định rõ do vùng nhân bắt giữ chất phóng xạ hơn vùng mô chung quanh hay vùng mô xung quanh bị ức chế.
Nhân đẳng xạ, là nhân có chức năng bắt xạ bình thường như những vùng xung quanh.
Nhân không bắt xạ, còn gọi là nhân lạnh, là nhân giảm chức năng hay không có chức năng.
Xạ hình bằng technetium (Tc 99) thì nhanh chóng và dễ dàng cho hình ảnh rõ nét sau thời gian 20-30 phút.
I131 là chất đồng vị phóng xạ cho hình ảnh và chức năng. Hạn chế do tính kích thích tuyến giáp.
I121 và I123 được khuyến cáo sử dụng vì khắc phục được khuyết điểm của Technetium và của I131.
Độ nhạy của xạ hình trong ung thư giáp 89-93%, nhưng độ chuyên chỉ có 5% với giá trị tiên đoán dương chỉ 10%.
- Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ: Chỉ định trong trường hợp phình giáp nhân có nghi ngờ ác tính trên lâm sàng hoặc siêu âm. Dễ thực hiện có độ chính xác cao độ nhạy 83-95%, độ chuyên 92%-97%, âm giả 0,3-6%, dương giả 0-10%. 3. Điều trị a. Nội khoa Chỉ định:
- Phình giáp lan tỏa.
- Phình giáp đơn nhân hoặc đa nhân lành tính, kích thước nhân lớn nhất < 2 cm
Thuốc dùng: Levothyrox (Berlthyrox) 50- 200 µg/ngày.
Khởi đầu bằng liều nhỏ sau đó chỉnh liều tăng dần để duy trì ức chế TSH từ 0,1 – 0,5 µU/ml bằng xét nghiệm mỗi tháng trong 3 tháng đầu, mỗi 3 tháng trong những tháng tiếp theo. Chú ý ngưng thuốc nếu có tác dụng phụ như hồi hộp, mất ngủ.
Thời gian liên tục trung bình từ 6 tháng - 1 năm.
Theo dõi kích thước tuyến giáp hoặc nhân giáp bằng siêu âm tuyến giáp mỗi 3 tháng.
Phình giáp không đáp ứng với điều trị nội khoa khi dùng đúng liều và thời gian mà phình giáp không nhỏ lại hoặc phải ngưng thuốc do có tác dụng phụ.
- Ngoại khoa: Bệnh nhân sẽ được nhập viện để phẫu thuật trong các trường hợp:
- Phình giáp có nhân nghi ngờ ác tính trong chẩn đoán tế bào học.
- Phình giáp nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, nhân > 2cm.
- Phình giáp lan tỏa lớn độ III (theo OMS) không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa nhưng cũng không có chỉ định mổ sẽ được theo dõi định kỳ 6 tháng cho đến khi có chỉ định mổ (theo phác đồ bướu giáp nhân hoặc cường giáp).