MỤC TIÊU BÀI HỌC: +Xác định được các triệu chứng biểu hiện hen phế quản mức độ nặng và nguy kịch. +Trình bày được cách sử dụng các thuốc và một kỹ thuật cấp cứu hen phế quản mức độ nặng và nguy kịch. - MỞ ĐẦU
Theo GINA (2006) Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp. Đường thở viêm mạn tính bị gia tăng phản ứng; chúng trở nên tắc nghẽn và luồng khí bị giới hạn (do co thắt phế quản, nghẽn đàm, và gia tăng tình trạng viêm) khi đường thở gặp các yếu tố nguy cơ. Cơn hen phế quản (HPQ) nặng và nguy kịch thường xuất hiện trên người bệnh HPQ không được theo dõi và điều trị dự phòng đúng hướng dẫn, hoặc không được điều trị tốt khi xuất hiện cơn HPQ cấp. Những người bệnh dễ có nguy cơ bị cơn HPQ nặng và nguy kịch là những người: - Có tiền sử có cơn HPQ nặng đã từng phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
- Trong năm vừa qua đã phải vào nằm viện hoặc cấp cứu vì cơn HPQ.
- Thường dùng corticoid uống, nhất là những người bệnh mới ngừng uống corticoid.
- Không được dùng corticoid đường hít.
- Thời gian gần đây phải tăng liều dùng thuốc cường bêta-2 giao cảm đường hít.
- Có bệnh lý tâm thần hoặc có vấn đề về tâm lý - xã hội, kể cả dùng thuốc an thần.
- Không được theo dõi, điều trị bệnh đúng cách.
II.CHẨN ĐOÁN MỨC ĐỘ NẶNG CỦA CƠN HEN Cơn HPQ nặng có thể xuất hiện và nặng lên rất nhanh (trong vòng 2 - 6 giờ), cũng có thể lúc đầu chỉ là một cơn hen mức độ trung bình, kéo dài và nặng lên dần dần. Cơn hen điển hình với khó thở thì thở ra, co kéo cơ hô hấp, có tiếng khò khè. Nghe phổi có ran rít. Theo 'Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị hen phế quản' của bộ Y tế (2009). Triệu chứng cơn hen nặng và nguy kịch - Chỉ trích dẫn ngoại viện. Phân loại này dựa vào các thông số dưới đây, nhưng không nhất thiết phải có tất cả, cần có sự nhận định tổng quát để có quyết định thích hợp. | Cơn hen nặng | Cơn hen nguy kịch | Mức độ khó thở | Lúc nghỉ ngơi Phải ngồi ngả ra trước | Thở ngáp | Nói | Từng từ | Không nói được | Ý thức | Kích thích, vật vã | Lơ mơ hoặc lú lẫn | Nhịp thở | Thường > 30 lần/phút | Thở chậm hoặc rối loạn nhịp thở | Co kéo cơ hô hấp phụ | Thường xuyên | Hô hấp nghịch thường | Khò khè | Thường to | Không (phổi im lặng) | Nhịp tim | >120 lần/phút | Nhịp chậm | Mạch đảo | Thường có > 25 mmHg | Không có, chứng tỏ có mỏi cơ hô hấp |
III. XỬ TRÍ CẤP CỨU Nguyên tắc chung: - Cơn hen phế quản nặng: Xử trí thuốc trước, thủ thuật sau
- Cơn hen phế quản nguy kịch: Tiến hành thủ thuật trước, xử trí thuốc sau.
- Đánh giá khách quan tình trạng tắc nghẽn đường thở. Diễn biến xấu đi của một cơn hen một phần là do đánh giá ban đầu mức độ nặng của tình trạng tắc nghẽn không đúng mức. Tuy nhiên mức độ nặng của tình trạng tắc nghẽn lại không thể đánh giá một cách chính xác bằng biểu hiện lâm sàng và thông qua khám thực thể.
- Đánh giá: tình trạng nặng của bệnh và đáp ứng của tình trạng này với điều trị. Phân tích trên một số yếu tố.Tiền sử bệnh và Khám lâm sàng. Đánh giá khách quan tình trạng tắc nghẽn đường thở. Đo oxy ngón tay. Đáp ứng điều trị
Xử trí ngoài bệnh viện: Đo oxy ngón tay: Đo bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2) Mục tiêu của điều trị cấp cứu là duy trì được giá trị SpO2 từ 92% trở lên. Tuy nhiên giá trị SpO2 không giúp cho dự đoán được tiên lượng bệnh nhân có phải nhập viện hay không. Thở 0xy - Oxy liệu pháp và thiết lập đường thở tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Thở Oxy qua cannula 2- 6 lít/ phút trường hợp nhẹ, cung cấp qua mặt nạ 6-8 lít/phút trường hợp nặng, đặt nội khí quản nếu suy hô hấp nguy kịch đe dọa ngưng thở. Ventoline 2-4 nhát liên tiếp x 03 lần/ 15 phút Phun khí dung: sau 2 - 3 lần xịt không có kết quả. Salbutamol (ventoline) hoặc Terbutaline (Bricanyl) dung dịch khí dung 5mg: Khí dung qua mặt nạ 20 phút/lần, có thể khí dung đến 3 lần liên tiếp nếu sau khi khí dung 1 lần chưa có hiệu quả. Nếu tình trạng khó thở không giảm: Chuyển nhanh đến bệnh viện, trên đường vận chuyển dùng thêm: - Dùng salbutamol hoặc terbutaline xịt 8 - 12 phát liên tục vào buồng đệm cho bệnh nhân hít thở.
- Corticoid đường toàn thân:
- Hydrocortisone 100mg TTM hoặc Methylprednisolone 40mg TTM.
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch, giữ ven dự phòng biến cố trên đường vận chuyển.
Cơn hen phế quản nguy kịch, đe doạ tử vong. Bóp bóng qua mặt nạ với oxy 100%. Đặt nội khí quản nếu bệnh nhân lơ mơ hôn mê, dọa ngưng tim. Adrenaline 0,3 - 0,5mg tiêm dưới da, có thể nhắc lại 5 – 10 phút. Nếu ngưng tim sử dụng Adrenaline theo khuyến cáo hồi sinh tim phổi nâng cao. Gọi cấp cứu lưu động 115, hỗ trợ và chuyển viện an toàn
|