Mục tiêu của bài: Phân tích sự cần thiết của đội cấp cứu lưu động với hoạt động khám chữa bệnh tại Trạm y tế. Vai trò của Bác sĩ tại trạm y tế trong khám chữa bệnh tình huống bệnh nặng và trong tình huống thảm họa thương vong hàng loạt tại địa phương. Giới thiệu nội dung và mục tiêu chương trình đào tạo cấp cứu tại trạm y tế.
- MỞ ĐẦU
Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật ở độ tuổi lao động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có khoảng 300.000 trường hợp tai nạn thương tích, hàng ngàn trường hợp tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề. Đa số nạn nhân đã không được sơ cứu, hoặc chuyển viện không an toàn. Tại Việt Nam, trung bình hàng năm có khoảng 900.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích. Trong đó có trên 34.000 người tử vong, chiếm 11 – 12% tổng số tử vong toàn quốc. Đứng đầu là tử vong do tai nạn giao thông với trung bình trên 15.000 người tử vong/năm, tiếp sau là đuối nước với trung bình 6.000 người tử vong/năm, trong đó trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi chiếm trên 50%. Đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tai nạn thương tích khác như tai nạn lao động, tự tử, bỏng, ngộ độc, ngã, bạo lực … vẫn phổ biến trong cộng đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích.
- Một điều lưu ý là, tai nạn thương tích không chỉ xảy ra do tai nạn giao thông mà phần lớn là trong sinh hoạt, trong dân cư, tại nhà, tại nơi công sở… Nơi mà bệnh nhân/ nạn nhân đến đầu tiên và gần nhất có lẽ là các Trạm y tế, Phòng khám đa khoa, Phòng y tế cơ quan, mạng lưới này gần như phủ khắp toàn quốc.
- Nguyên nhân thường gặp trong tai nạn thương tích thường gặp:
- Tai nạn giao thông
- Té ngã
- Tai nạn lao động
- Bạo lực ( gia đình, xã hội )
- Bỏng
- Ngộ độc
- Tự tử
- Súc vật, động vật: cắn, đốt, húc
- Đuối nước
- Khác (Sét đánh, Hít sặc, Điện giật.. )
Ngoài ra các trường hợp bệnh tật, bệnh cấp tính đe doạ tính mạng dẫn đến ngưng tim ngưng thở đã không được sơ cứu, bệnh nhân được đưa đi tự túc hoặc được vận chuyển bởi xe cứu thương nhưng chưa đủ tính an toàn trong cấp cứu, nên khi vào bệnh viện bệnh nhân đã tử vong.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu được hồi sinh tim phổi ngay và khử rung tim trước 5 phút thì tỷ lệ sống của bệnh nhân tăng lên gấp 2 đến 3 lần, nếu nhóm cấp cứu được huấn luyện tốt, trang bị đủ, tổ chức hợp lý thì tỷ lệ cứu sống còn của bệnh nhân ngưng tim đột ngột tại hiện trường có thể lên đến 49 - 75% các trường hợp.
Khả năng sống còn của bệnh nhân thể hiện trong khâu chuỗi quy trình: Phát hiện sớm - Báo cáo nhanh đến đơn vị có máy sốc điện – Thực hiện thao tác hồi sinh tức thì tại chỗ – Đội cấp cứu chuyên nghiệp tiếp tục hồi sinh nâng cao và chuyển vào bệnh viện cho đơn vị hồi sức tích cực.
Hình trích từ AHA 2015
Mạng lưới Trạm y tế phủ khắp toàn quốc, ngoài chức năng khám chữa bệnh thông thường, bệnh mạn tính…tại đây còn gặp bệnh lý nặng, tai nạn thương tích, tai biến do trị liệu chẳng hạn như sốc phản vệ, đặc biệt là trường hợp ngưng tim ngưng thở. Bác sĩ sau khi sơ cấp cứu họ cần đến một đội ngũ cấp cứu chuyên nghiệp trang bị dụng cụ thiết bị và thuốc hồi sinh nâng cao để duy trì tính mạng bệnh nhân, và để vận chuyển bệnh nhân, nạn nhân một cách an toàn đến bệnh viện tuyến trên tiếp tục điều trị. Điều này được đáp ứng bởi đội cấp cứu lưu động – cấp cứu ngoại viện hay còn gọi đội cấp cứu 115. Ngoài ra, trong quản lý y tế tại địa phương khi có tình huống thảm họa thương vong hàng loạt, nhân viên Trạm y tế họ tham gia lọc bệnh và sơ cứu mà còn phải biết ứng phó kích hoạt hệ thống y tế và chính quyền. Để thực hành được chức năng này, Bác sĩ gia đình cần được trang bị kiến thức và kỹ năng sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp cấp cứu, xử lý cấp cứu ban đầu, gọi trợ giúp từ Trung tâm cấp cứu 115 hoặc vận chuyển an toàn người bệnh.
- QUY CHẾ TỔ CHỨC CẤP CỨU 115
Tại Việt Nam, theo quy chế cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc của Bộ Y tế. Quyết định của Bộ Y tế số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc
Tại tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện (Trung tâm Cấp cứu 115). Đối với các địa phương chưa có điều kiện thành lập trung tâm Cấp cứu 115, trước mắt thành lập tổ Cấp cứu 115 thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, phải thành lập tổ Cấp cứu ngoài bệnh viện (tổ cấp cứu 115).
- Chức năng, vai trò (Trích chức năng có liên quan đến cấp cứu và hỗ trợ vận chuyển bệnh cấp cứu.)
Tổ chức công tác cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện gần nhất, phù hợp với tình trạng của người bệnh để tiếp tục điều trị.
Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ thuật về cấp cứu ngoài bệnh viện, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực
Trung tâm Cấp cứu 115 phải có đầy đủ các điều kiện sau:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Có đủ trang thiết bị, thuốc, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển cấp cứu phục vụ công tác cấp cứu.
- Nhân lực: Có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn cấp cứu ngoài bệnh viện.
- Sổ, sách chuyên môn: Có sổ chuyên môn, hồ sơ bệnh án để ghi chép diễn biến của người bệnh trong quá trình cấp cứu và vận chuyển; Có tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và xử trí cấp cứu; Có bản đồ hành chính khu vực, bản đồ giao thông khu vực (hệ thống định vị toàn cầu GPS nếu có).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chuyên nghiệp về công tác cấp cứu trước viện. Năm 2016 đã triển khai mạng lưới phủ các Quận/ Huyện, đặc biệt là sự ra đời quy trình báo động đỏ liên viện đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nguy kịch.
6 Nhiệm vụ đáp ứng nhanh của đội cấp cứu lưu động Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM
|
|
– Phát hiện sớm
– Báo cáo nhanh
– Đáp ứng kịp thời
– Chăm sóc tại hiện trường
– Chăm sóc trên đường vận chuyển
– Chuyển nạn nhân đến bệnh viện
|
ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG CẤP CỨU 115 – HÀNG NGÀY- ĐƠN LẺ
QUI TRÌNH HOẠT ĐỘNG TÌNH HUỐNG THẢM HOẠ - THƯƠNG VONG HÀNG LOẠT.
SỰ HỔ TRỢ GIỮA TRẠM Y TẾ/ BÁC SĨ GIA ĐÌNH VÀ CẤP CỨU NGOẠI VIỆN -115
- KHI NÀO NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI TRẠM Y TẾ NÊN GỌI TRỢ GIÚP TỪ 115
Bạn nên gọi trợ giúp từ đội cấp cứu lưu động khi bệnh nhân - nạn nhân có các vấn đề sau :
- Mê man, bất tỉnh.
- Khó thở, nghẹt thở
- Đau ngực đột ngột và dữ dội
- Yếu liệt tay chân, đớ lưỡi nói khó
- Co giật
- Đau bụng đột ngột dữ dội không đi lại được
- Vết thương sâu chảy máu nhiều
- Chấn thương đầu sau đó có mê man, buồn ngủ, nôn ói, chảy máu từ tai mũi miệng hoặc có bất kỳ hành vi bất thường nào
- Chấn thương ngực, xương chậu, bụng hay cột sống
- Ngộ độc ví dụ hít phải khí độc hoặc dùng thuốc quá liều dẫn đến bất tỉnh và suy hô hấp
- Chấn thương gây tổn thương dập nát chi
- Dị ứng nghiêm trọng
- Điện giật
- Đuối nước
- Bỏng với bóng nước to, bỏng sâu lộ màu trắng hoặc cháy da diện tích rộng hơn kích thước của một bàn tay. Bất kỳ vết bỏng do điện giật hoặc sét đánh.
Khi bạn gọi hỗ trợ, bạn cung cấp cho tổng đài 115 những điều ngắn gọn, chính xác
- Bạn là ai
- Đang ở đâu
- Tình hình hiện tại của người bệnh (tuổi, giới, tỉnh hay mê, còn thở hay không …)
- Chú ý lắng nghe và làm đúng hướng dẫn của nhân viên y tế trong lúc chờ đợi xe cấp cứu tới
- Bạn có thể hội chẩn qua điện thoại nhiều lần, nếu cần thiết.,
- NỘI DUNG ĐÀO TẠO
- Biết cách nhận diện – sàng lọc (xác định vấn đề - hoặc chẩn đoán được) các tình huống cấp cứu thường gặp.
- Biết được cách vận hành nhóm làm việc chung tại Phòng khám để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bệnh cảnh có dấu hiệu cấp cứu.
- Sử dụng được một số trang thiết bị cận lâm sàng, dụng cụ xét nghiệm cơ bản để xác định chẩn đoán các tình huống cấp cứu thường gặp.
- Sử dụng được một số trang thiết bị, dụng cụ để cấp cứu các tình huống cấp cứu thường gặp.
- Biết cách sử dụng một số thuốc cấp cứu hô hấp, tim mạch…
- Thực hiện được cách sơ cứu tình huống tai nạn thương tích.
- Thực hiện được Ứng phó thảm họa - thương vong hàng loạt, tại hiện trường.
- Lý thuyết
- Video mô phỏng tình huống
- Thực hành kỹ năng mô phỏng tại Skillab
- Trắc nghiệm
- Tình huống lâm sàng
- Bệnh nhân ảo
Yêu cầu chung:
- Cập nhật kiến thức về sơ - cấp cứu tình huống thường gặp tại cộng đồng: Phát hiện kịp thời và xử trí hiệu quả cấp cứu thường gặp tại cộng đồng.
- Cập nhật kiến thức về xử trí cấp cứu các bệnh thường gặp tại trạm y tế: Phát hiện kịp thời và xử trí hiệu quả cấp cứu các bệnh thường gặp tại trạm y tế.
- Cập nhật kiến thức về xử trí thảm họa: Trình bày được các nguyên tắc trong xử trí thảm họa. Đánh giá phân loại tình trạng các nạn nhân trong xử trí thảm họa.
Các bài cơ bản
|
Cấp cứu ngoại chẩn
|
J01
|
Xử trí một số cấp cứu thường gặp tại cộng đồng
COPD, NMCT/ Đau thắt ngực, Đột quỵ, Điện giật, Đuối nước, Rắn cắn,
|
J02
|
Tiếp cận bệnh nhân mắc bệnh nặng (nội ngoại chung)
|
J03
|
Hồi sinh tim phổi
|
J04
|
Sử dụng thuốc vận mạch trong cấp cứu ngoại viện
|
J05
|
Chẩn đoán và xử trí cơn hen phế quản nặng ở người lớn
|
J06
|
Bàn luận các khái niệm trong hồi sức cấp cứu
|
J07
|
Đặt nội khí quản cấp cứu
|
J08
|
Thiết lập đường truyền thuốc trong cấp cứu ngoài bệnh viện
|
J09
|
Sốc phản vệ
|
J10
|
Tiếp cận bệnh nhân tai nạn thương tích trước viện
|
J11
|
Băng ép - Garo - Cầm máu
|
J12
|
Bất động gãy xương - Di chuyển trong chấn thương
|
|
Vận chuyển an toàn người bệnh.
|
- KẾT LUẬN
Bác sĩ gia đình trong khám chữa bệnh ngoại trú, việc sàng lọc cấp cứu ban đầu là kỹ năng cần thiết phải được trang bị, và cần có đội cấp cứu lưu động để vận chuyển an toàn bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực.
|