Run khi nghỉ được xác định khi bệnh nhân có run ở một bộ phân cơ thể đang ở tư thế nghỉ (không có kích thích tín hiệu thần kinh co cơ có chủ ý) và không có sự chú ý của bệnh nhân. Tình trạng run biến mất nhanh khi bệnh nhân tái lập cử động có ý thức ở vùng cơ thể bệnh.
Cơ chế của thể run này là do rối loạn ngoại tháp (liên quan đến việc xuất hiện các cử động ngoại ý). Nguyên nhân thường gặp nhất của thể run này là bệnh Parkinson nên thể run này còn được mang tên là run kiểu Parkinson.
Đặc tính thông thường của thể run này là có tần số run khoảng 4-6 nhịp/giây và biên độ khá rộng (tùy vào bộ phận của cơ thể). Đối với cùng bàn tay, nếu ngón tay cái run thì nó sẽ tạo thành hình ảnh giống như động tác “đếm tiền”. Đối với vùng cổ tay, nếu có run thì cả bàn tay sẽ lắc giống như hình ảnh “lắc chuông”, nếu run xuất hiện ở vùng đầu sẽ có động tác lắc đầu bất hợp tác; nếu run xuất hiện ở lưỡi sẽ có biểu hiện giống như người khó thở mãn tính với miệng mở rộng và lưỡi đưa ra đưa vào.
Thể run này ít gây khó chịu hơn các thể run khác vì nó biến mất nhanh và không ảnh hưởng đến các hoạt động có chủ ý. Khi bệnh diễn tiến ở thể nặng, tình trạng run tái lập nhanh ngay khi không chú ý và có tình trạng tăng trương lực cơ tương đối. Ở thời điểm này, bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày và công việc của người bệnh.
Để đánh giá tình trạng trên, chúng ta có thể gây sự chú ý đối với phần cơ thể đối diện. Ví dụ, để đánh giá tình trạng run của tay bên phải, chúng ta có thể yêu cầu BN giơ thẳng và giữ yên cánh tay “trái”. Khi BN đang tập trung trên cánh tay “trái”, chúng ta liếc nhìn kín đáo cánh tay “phải”. Nếu cánh tay – bàn tay “phải” run thì nghiệm pháp dương tính. Dấu hiệu run trên cánh tay “trái” không có giá trị trong đánh giá tình trạng run khi nghỉ. Ngoài ra chúng ta có thể sử dụng nghiệm pháp sấp ngữa bàn tay bên lành để quan sát bên bị bệnh. Về quan sát tư thế dáng đi, bệnh nhân có thể có dáng đi kiểu Parkinson khòm người ngã về phía trước với bước đi ngắn (xem thêm bài rối loạn dáng đi).
|