Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


TƯ VẤN CÁC BIỆN PHÁP KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

(Tham khảo chính: Tài liệu BM YHGĐ)

MỤC TIÊU

1.Tư vấn được các biện pháp kế hoạch hóa gia đình

2.Hướng dẫn khách hàng lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp

3.Hướng dẫn cách áp dụng cụ thể cho từng biện pháp tránh thai

 

NỘI DUNG

  1. TƯ VẤN ACC1 BIỆN PHÁP KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

1.1 Sáu bước cơ bản của công tác tư vấn sức khỏe sinh sản (SKSS)

1

Tiếp đón niềm nở

GẶP GỠ

2

Hỏi thăm tình hình khách hàng

GỢI HỎI

3

Ân cần hướng dẫn các biện pháp tránh thai

GIỚI THIỆU

4

Nhẫn nại giúp đỡ khách hàng lựa chọn biện pháp tránh thai thích hợp

GIÚP ĐỠ

5

An tâm sử dụng biện pháp tránh thai sau khi được

giải thích rõ

GIẢI THÍCH

6

   Ích lợi của việc thăm khám lại

GẶP LẠI

1.2 Mục đích và vai trò của việc tư vấn

1.2.1 Mục đích:

- Giúp khách hàng lựa chọn được một biện pháp tránh thai thích hợp.

- Đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, không phụ thuộc vào ý muốn của người tư vấn.

1.2.2 Vai trò của việc tư vấn:

- Giúp khách hàng lựa chọn được một biện pháp tránh thai thích hợp và áp dụng đúng.

- Giúp tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai.

- Góp phần tăng cường sức khỏe, giảm chi phí các chương trình kế hoạch hóa gia đình.

- Giảm nguy cơ thai ngoài ý muốn và dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu khách hàng hiểu rõ và thực hành đúng.

1.3 Các phẩm chất cần thiết của người tư vấn

- Tôn trọng khách hàng

- Thông cảm và thấu hiểu

- Thành thật

- Thông tin rõ ràng, có trọng tâm

  1. Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình

Gồm có:

- Các biện pháp tránh thai tạm thời

- Các biện pháp tránh thai tự nhiên

- Các biện pháp tránh thai vĩnh viễn

  • Các biện pháp tránh thai tạm thời

2.1 Dụng cụ tử cung (DCTC)

- DCTC là dị vật được đặt vào buồng tử cung với mục đích tránh thai, tác dụng tránh thai tạm thời khi hiện diện trong buồng tử cung.

- Hai loại DCTC phổ biến: vòng xương cá (Multiload) và vòng T (TCu380A)

Hình 1: Các loại dụng cụ tử cung có chứa đồng

 

 

 

2.1.1 Cơ chế tránh thai của DCTC:

2.1.1.1 DCTC chứa đồng:

-  Đồng phóng thích liên tục buồng tử cung sẽ làm tăng phản ứng viêm và có thể gây co cơ tử cung nên giúp ngăn chặn sự làm tổ của trứng

-  Ion đồng làm thay đổi sinh hoá của chất nhầy cổ tử cung (CTC) làm ảnh hưởng đến sự di động, hoạt hoá và khả năng sống sót của tinh trùng.

- Đồng làm thay đổi nội mạc tử cung, ngăn chặn sự làm tổ của trứng thụ tinh.

2.1.1.2.  DCTC có nội tiết (Progesterone):

- Progesterone ngăn chặn hoạt động chu kỳ của nội mạc tử cung do nồng độ  progesterone cao so với estrogen, tạo điều kiện không thuận lợi cho trứng thụ tinh không thể làm tổ.

- Ức chế rụng trứng.

2.1.2 Chỉ định - chống chỉ định:

  • Chỉ định:

- Lý tưởng áp dụng cho phụ nữ đã có con, tử cung bình thường, có nguyện vọng muốn tránh thai.

- Chắc chắn không có thai

- Tử cung có sẹo mổ lấy thai trước đó vẫn có thể đặt DCTC.

  • Chống chỉ định tuyệt đối:

- Có thai hoặc không xác định được có thai hay không

- Nhiễm khuẩn đường sinh dục

- Xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân

- Viêm nội mạc tử cung sau sanh hay nhiễm trùng sau phá thai trong 3 tháng gần đây

- Ung thư cơ quan sinh dục.

  • Chống chỉ định tương đối:

- Buồng tử cung bất thường (u xơ, dị dạng...)

- Rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông máu

- Lạc nội mạc tử cung

- Bệnh van tim

- Tiền sử nhiễm khuẩn s.dục trên, nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao

- Tiền sử thai ngoài tử cung, phẫu thuật tái tạo tai vòi

- Sa sinh dục độ II, III

- Tiền sử dị ứng đồng, bệnh Wilson, bất thường trong chuyển hóa và hấp thu đồng

- Chưa có con

- Rối loạn tâm thần không thể theo dõi sau đặt vòng...

2.1.3 Thời điểm đặt DCTC:

- Bất cứ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nếu chắc chắn không mang thai hoặc khi đang hành kinh.

- Những thời điểm thuận lợi:

+ Đang hành kinh ngày cuối / ngay sau sạch kinh: chắc chắn không có thai, cổ tử cung hé mở, dễ đặt, ít đau, sau đặt ra ít máu thì bệnh nhân cũng đỡ lo lắng.

+ Từ 6 tuần sau sanh

+ Ngay sau hút điều hòa kinh nguyệt, nạo thai (bảo đảm không nhiễm trùng).

- Sau khi đặt DCTC, để người được đặt nằm ở trên bàn 5 - 10 phút, theo dõi xem có phản ứng hoặc biến chứng gì không. Trong khi đó dặn dò cách giữ vệ sinh, phát hiện các triệu chứng có thể xảy ra như ra máu, đau, khí hư, rơi vòng …

2.1.4 Thuốc sử dụng khi đặt dụng cụ tử cung:

- Dùng kháng sinh Doxycycline để tránh nhiễm trùng nội mạc tử cung, phần phụ do Chlamydia trachomatis.

- Không dùng Doxycycline cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu đặt DCTC trong thời gian cho con bú, phải ngưng cho bú.

- Thời gian dùng kháng sinh Doxycycline ít nhất 7 ngày

- Sử dụng kháng sinh khác để thay thế Doxycycline không được khuyến cáo nếu có làm thủ thuật trên buồng tử cung.

+ Kháng sinh Doxycycline 100mg, 1 viên x 2 lần/ngày x 7 ngày

+ Giảm đau: Paracetamol 500mg, 1 viên x 2-3 lần/ngày x 2-3 ngày

+ Chống co thắt (nếu cần): Spasmaverine 40mg, 2 viên x 2 lần/ngày x 2-3 ngày

2.1.5 Tái khám và theo dõi sau khi đặt dụng cụ tử cung:

- Các nội dung cần theo dõi:

+ Theo dõi tác dụng phụ, biến chứng: đau bụng, kinh nhiều, kinh kéo dài

+ Tư vấn, thay đổi phương pháp ngừa thai khác nếu đã điều trị các tác dụng phụ nhưng không có kết quả

+ Rơi DCTC, DCTC lạc chỗ

- Phác đồ tái khám DCTC sau khi đặt:

+ Sau 1 tuần

+ Sau 1 tháng trong 3 tháng đầu

+ Sau 6 tháng

+ 1 lần trong 1 năm cho các năm sau

+ Tái khám ngay khi có bất thường (đau trằn bụng, ra máu ...)

2.1.6 Tác dụng phụ, biến chứng:

- Đau bụng: những ngày đầu sau đặt hay vào những ngày hành kinh có thể uống thuốc giảm đau, nếu đau nhiều: kiểm tra lại (nhiễm khuẩn, xuyên cơ...)

- Chảy máu: ngày đầu tiên sau đặt hoặc rối loạn kinh nguyệt trong 2 - 3 tháng đầu. Tháo DCTC nếu ra huyết lượng nhiều hay sau 3 tháng điều trị nội khoa tích cực mà vẫn còn ra huyết.

- Nhiễm khuẩn: kháng sinh toàn thân và tháo vòng.

- Có thai khi mang DCTC: nguy cơ sẩy thai cao.

- Thai ngoài tử cung: DCTC không cản trở sự thụ tinh, do đó đặt DCTC vẫn có thể có thai ngoài tử cung .

- Rơi vòng (do đặt không đúng, lòng tử cung dị dạng, hở eo tử cung).

- Không thấy dây: do cắt ngắn quá, hay DCTC thay đổi vị trí, rơi, xuyên cơ tử cung.

- Thủng tử cung: hiếm khi xảy ra, nếu có sẽ điều trị ngoại (chụp X-quang tìm vòng sau đó có thể nội soi gắp vòng, mở bụng hở tìm vòng ...).

 

Hình 2: Dụng cụ tử cung xuyên cơ

 

2.2 Bao cao su

      Bao cao su làm bằng latex, có dầu bôi trơn, có thể có thuốc diệt tinh trùng hoặc không, bao dương vật trước khi giao hợp cho tới khi xuất tinh. Bao cao su là phương pháp tránh thai duy nhất có thể phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

      Kết quả tránh thai thuộc loại cao. Tỷ lệ vỡ kế hoạch là 6 - 13 %.

                                        

D

 

 

C

 

 

B

 

 

A

 

 

Hình 3: Một số biện pháp tránh thai

  • Bao cao su nam; (B) Bao cao su nữ;

(C) Màng ngăn âm đạo và (D) mũ chụp cổ tử cung

 

2.2.1 Ưu điểm:

- Giá thành rẻ, nhiều tổ chức phát bao cao su miễn phí

- Mua dễ dàng và dễ mang theo

- Nhiều dạng bao với kích cỡ, màu sắc, mùi khác nhau

- Giảm nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục

- Thoải mái hơn vì giảm lo lắng nguy cơ có thai và bệnh lây truyền qua đường tình dục

- Không ảnh hưởng tới kinh nguyệt.

2.2.2 Nhược điểm:

- Gián đoạn giao hợp

- Giảm, mất cảm giác

- Có thể dị ứng với latex

- Vỡ kế hoạch do rách bao hoặc do sử dụng không đúng cách

2.3 Viên thuốc ngừa thai

2.3.1 Cơ chế tránh thai:

- Ức chế phóng noãn: thành phần Ethinyl Estradiol ức chế FSH gây ức chế sự tăng trưởng của một đoàn hệ noãn. Progestogen ức chế sự xuất hiện đỉnh LH giữa chu kỳ, do đó ngăn sự phóng noãn.

- Ngăn cản sự làm tổ của trứng: thuốc ảnh hưởng đến hình thái tổ chức điển hình ở niêm mạc tử cung.

- Thuốc làm tăng hoặc giảm nhu động của vòi trứng: trứng thụ tinh di chuyển đến buồng tử cung ở thời điểm không phù hợp cho sự làm tổ.

- Ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào tử cung: progestogen liều thấp và liên tục làm cho cổ tử cung không mở, niêm dịch cổ tử cung ít đi, độ dính giảm.

2.3.2 Viên thuốc ngừa thai phối hợp:

  • Chỉ định:

      Hầu hết những phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ trừ một số chống chỉ định. Đặc biệt nên dùng cho những phụ nữ có các hội chứng phụ khoa.

  • Chống chỉ định:

- Các trường hợp ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung

- Khối u lành tính ở vú và tử cung

- Các bệnh về máu, rối loạn đông máu

- Có tiền sử tắc nghẽn mạch, phồng tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch

- Các bệnh tim mạch

- Các bệnh nội tiết như Basedow, u tuyến thượng thận

- Các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cholesterol hay lipid tăng

- Các bệnh về gan, thận, mắt, đau khớp

- Những người còn quá trẻ, chưa con, kinh muộn hoặc kinh thưa

  • Một số tác dụng có ích:

- Kinh nguyệt:

+ Giảm lượng máu kinh, giảm tỷ lệ thiếu máu

+ Giảm đau bụng kinh

+ Dễ dự đoán ngày kinh

+ Loại bỏ được đau do rụng trứng

+ Giảm nguy cơ xuất huyết nội do rụng trứng

+ Điều hòa kinh nguyệt và cung cấp progestin cho những phụ nữ không rụng trứng / hội chứng buồng trứng đa nang, phụ nữ quanh tuổi mãn kinh

- Giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung; giảm nguy cơ ung thư buồng trứng

- Giảm 25% tất cả những bệnh lý lành tính tuyến vú

- Giảm mụn trứng cá, tình trạng rậm lông

- Tăng khả năng tình dục.

  • Một số rối loạn nhẹ:

- Kinh nguyệt:

+ Ra huyết rỉ rả, nhỏ giọt

+ Vô kinh

- Tăng nguy cơ khối u tế bào gan

- Không bảo vệ chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV

- Buồn nôn và nôn

- Căng và đau vú

- Nhức đầu

- Tăng giãn tĩnh mạch, nám da...

  • Biến chứng:

- Nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu

- Nhồi máu cơ tim và đột quỵ đối với những phụ nữ có nguy cơ cao:

+ Phụ nữ hút thuốc lá, trên 35 tuổi

+ Phụ nữ tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, béo phì

+ Phụ nữ bị nhức đầu migraine thường xuyên có thể gây đột quỵ

- U tân sinh: ung thư tuyến cổ tử cung và biểu mô tuyến của gan

- Sỏi mật / viêm túi mật

- Ảnh hưởng thị giác

  • Cách uống thuốc:

- Bắt đầu uống thuốc vào ngày thứ nhất của vòng kinh

- Mỗi ngày uống 1 viên, vào một giờ nhất định

- Uống liên tục 21 ngày hoặc 28 ngày nếu vỉ thuốc có 7 viên placebo

- Nếu quên uống 1 viên thì uống ngay viên quên lúc nhớ ra rồi sau đó vẫn uống tiếp viên của ngày hôm đó như thường lệ

- Quên 2 viên: uống ngay 2 viên khi nhớ ra, ngày hôm sau uống 2 viên, dùng biện pháp tránh thai (BPTT) hỗ trợ trong 7 ngày

- Quên từ 3 viên thuốc trở lên: bỏ vỉ thuốc (nếu 5 viên cuối có thể ngưng uống), bắt đầu dùng vỉ mới, dùng BPTT hỗ trợ trong 7 ngày

- Nếu bị nôn, tiêu chảy trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc, cần tiếp tục uống thuốc như thường lệ, áp dụng BPTT hỗ trợ 7 ngày sau khi ngừng nôn, tiêu chảy.

- Nếu bị chậm kinh cần khám xem có thai không

 

 

B

 

 

A

 

 

Hình 4: Thuốc ngừa thai phối hợp: vỉ 28 viên (A) và vỉ 21 viên (B)

2.3.3 Viên thuốc ngừa thai chỉ có progestin:

2.3.3.1 Liều thấp:

Thị trường hiện có viên Exluton (Levonorgestrel 0,5 mg/ngày)

  • Chỉ định:

- Phụ nữ cho con bú

- Phụ nữ có chống chỉ định của viên thuốc phối hợp hay bị tác dụng phụ của thuốc này

- Phụ nữ trên 35 tuổi và nghiện thuốc lá

- Béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp

- Tiền sử bị bệnh tim mạch, bệnh lý đông máu, tắc mạch

  • Chống chỉ định:

- Có thai hoặc nghi ngờ có thai

- Đã hoặc đang bị ung thư vú

- Ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân

- Đang bị viêm gan, xơ gan

- Đang điều trị thuốc chống co giật hoặc thuốc kháng sinh

- Bệnh tim mạch

  • Cách sử dụng:

- Viên thứ nhất uống vào ngày thứ nhất của chu kỳ

- Mỗi ngày uống 1 viên vào một giờ nhất định, đúng giờ

- Uống liên tục từ vỉ này sang vỉ khác không có thời gian nghỉ

2.3.3.2 Liều cao:

- Thường dùng tránh thai khẩn cấp sau khi giao hợp

- Uống 1 viên càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau giao hợp không có bảo vệ, uống viên thứ hai cách viên thứ nhất 12 giờ.

2.4 Thuốc nội tiết tránh thai không dùng đường uống

2.4.1 Thuốc tiêm tránh thai:

- Medroxy progesterone acetate (DMPA), ống 1ml (150mg/ml) 

- Tiêm 1 mũi DMPA có tác dụng tránh thai 3 tháng

- Khả năng tránh thai 99,6%

- Nên tư vấn các tác dụng phụ không mong muốn cho khách hàng trước khi dùng thuốc.

  • Cơ chế tránh thai của DMPA:

- Ức chế rụng trứng

- Làm đặc dịch nhầy cổ tử cung nên hạn chế tối đa tinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung

- Làm niêm mạc tử cung mỏng nên trứng thụ tinh khó làm tổ

  • Chỉ định - chống chỉ định

- Chỉ định:

+ Tránh thai (ngắn hoặc dài ngày)

+ Khi có triệu chứng bất thường khi có kinh hoặc bệnh lạc nội mạc tử cung

- Chống chỉ định:

+ Có thai

+ Ung thư vú hoặc ung thư sinh dục phụ thuộc nội tiết

+ Có tổn thương gan hoặc viêm gan đang hoạt động

+ Bệnh lý động mạch nặng

+ Porphyria (rối loạn máu do di truyền)

  • Thời điểm tiêm thuốc:

- Tránh thai ngắn ngày:

+ Tiêm bắp sâu 1 lọ DMPA trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh

+ Nếu không cho con bú: trong vòng 5 ngày đầu sau sinh

+ Nếu cho con bú, có thể tiêm ở thời điểm 6 tuần sau sinh

- Tránh thai dài ngày:

+ Liều và đường tiêm như phác đồ ngắn ngày

+ Lặp lại mỗi 3 tháng

- Lưu ý: nếu thời gian giữa các mũi tiêm dài hơn 3 tháng 14 ngày: cần đánh giá tình trạng mang thai trước khi tiêm mũi mới

  • Thận trọng khi dùng DMPA:

- Tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú

- Đau nửa đầu

- Bệnh gan

- Bệnh mạch vành hoặc huyết khối gây thuyên tắc

- Đái tháo đường

- Thai trứng, tăng huyết áp, bệnh thận

  • Tác dụng phụ không mong muốn:

- Vô kinh, kinh nguyệt nhỏ giọt, kinh không đều

- Chậm có thai trở lại sau khi ngưng thuốc

- Làm giảm mật độ xương

- Tăng cân, buồn nôn/nôn, trầm cảm...

2.4.2 Que cấy tránh thai

- Thuốc cấy trong da: Norplant, Implanon

- Khả năng có thai lại nhanh hơn so với thuốc chích DMPA

- Nên thực hiện tại cơ sở y tế với nhân viên y tế đã qua tập huấn

  • Cơ chế tránh thai của DMPA:

- Ức chế rụng trứng

- Làm đặc dịch nhầy cổ tử cung nên hạn chế tối đa tinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung

  • Chỉ định:

- Phụ nữ đang cho con bú, tốt nhất là 6 tuần sau sanh

- Phụ nữ > 40 tuổi

- Phụ nữ có nhân xơ tử cung

- Có thể sử dụng que cấy cho phụ nữ hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp

  • Ưu điểm:

- Que có tác dụng tránh thai 3 năm

- Không cần sự tuân thủ của khách hàng

- Không ảnh hưởng đến khả năng tình dục

- Giúp tránh tình trạng thiếu máu do thiếu sắt

  • Tác dụng phụ:

- Vô kinh, ra máu nhỏ giọt

- Có thể rong kinh trong vài tháng đầu

  • Thận trọng:

- Đang cho con bú < 6 tuần

- Huyết khối tĩnh mạch sâu (chi dưới hay ở phổi)

- Ra máu âm đạo bất thường và chưa tìm được nguyên nhân

- Ung thư vú hay có tiền sử ung thư vú

- Đang có bệnh lý gan nặng

- Đang sử dụng thuốc chống động kinh hay thuốc điều trị lao (Rifampicin)

2.4.3 Khách hàng dùng thuốc tiêm hay cấy cần khám ngay nếu thấy:

- Đau bụng dữ dội

- Ra máu âm đạo nhiều hơn bình thường

- Đau đầu nhiều

- Tăng cân quá nhanh hoặc quá nhiều

2.5 Thuốc diệt tinh trùng

2.5.1 Cơ chế tác dụng:

- Diệt tinh trùng hoặc làm cho tinh trùng không thể tới gặp trứng.

2.5.2 Chỉ định - chống chỉ định:

- Các cặp vợ chồng muốn tránh thai tạm thời và không có chống chỉ định

2.5.3 Chống chỉ định:

- Người dị ứng với thuốc

- Những người cần ngừa thai với hiệu quả cao

2.5.4 Thuận lợi và không thuận lợi:

  • Thuận lợi:

- Dễ sử dụng, hướng dẫn sử dụng nhanh, đơn giản

- Tránh thai hiệu quả và an toàn nếu dùng đúng cách

- Có thể áp dụng bất cứ lúc nào

- Không có tác dụng phụ như các biện pháp có chứa nội tiết

- Không ảnh hưởng đến sữa mẹ

- Có thể ngưng sử dụng bất cứ lúc nào

- Làm tăng tính nhờn đường âm đạo

- Hỗ trợ thêm cho BPTT khác như bao cao su, mũ chụp cổ tử cung

- Không cần phải khám sức khoẻ trước khi sử dụng.

  • Không thuận lợi:

- Thuốc diệt tinh trùng có thể kích thích và gây dị ứng cho người phụ nữ và bạn tình của mình, nhất là khi sử dụng nhiều lần trong ngày.

- Có thể làm nhiễm trùng đường tiểu

- Không phòng ngừa được bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

- Tính hiệu quả phụ thuộc vào việc sử dụng đúng các quy trình và phải dùng ngón tay đưa thuốc và âm đạo mà điều này không phải ai cũng chấp nhận.

Các biện pháp tránh thai tự nhiên

      Biện pháp tránh thai tự nhiên là những biện pháp không cần dùng dụng cụ, thuốc hay thủ thuật nào để ngăn cản thụ tinh. Đây là những biện pháp tránh thai tạm thời và hiệu quả không cao bao gồm:

- Biện pháp tính theo vòng kinh

- Biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo

- Biện pháp dựa theo thân nhiệt

- Biện pháp dựa vào chất nhầy cổ tử cung

Khách hàng có nhiễm HIV hay bạn tình có nhiễm HIV cần cân nhắc khi sử dụng biện pháp tránh thai truyền thống vì biện pháp tránh thai này không giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

❖        Chỉ định:

- Tất cả khách hàng chưa muốn sinh con đều có thể áp dụng.

❖        Chống chỉ định tương đối:

- Phụ nữ cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh. Cần chờ đợi cho đến khi khách hàng có ít nhất 3 chu kỳ kinh đều.

- Chu kỳ kinh không đều hoặc ra máu âm đạo bất thường.

- Thận trọng khi khách hàng đang sử dụng những loại thuốc có thể làm chậm phóng noãn, ví dụ như thuốc an thần (trừ benzodiazepin), thuốc chống trầm cảm, sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid kéo dài.

2.6 Phương pháp cho bú vô kinh

  • Chỉ định:

- Mọi phụ nữ sau khi sinh đều có thể nuôi con bằng sữa mẹ

- Để biết rõ điều này, sử dụng bảng kiểm để sàng lọc.

- Hỏi khách hàng hay để khách hàng tự hỏi 3 câu hỏi sau:

+ Bạn có kinh trở lại chưa?

+ Bạn có cho con bạn ăn thức ăn khác hay có khoảng thời gian không cho bú không?

+ Con bạn trên 6 tháng tuổi chưa?

- Nếu 'có' nguy cơ có thai sẽ tăng nguy cơ vỡ kế hoạch nên khuyên khách hàng áp dụng BPTT khác và vẫn tiếp tục cho con bú mẹ.

- Nếu tất cả các câu trả lời đều là 'không' thì bạn có thể áp dụng phương pháp cho bú vô kinh. Tỷ lệ thất bại 1 - 2%.

- Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng thêm BPTT khác bất cứ lúc nào, ngay khi cả 3 câu trả lời đều là không.

  • Chống chỉ định:

- Những phụ nữ không được cho con bú:

- Suy tim nặng nguy hiểm đến sức khoẻ của mẹ

- Lao phổi đang tiến triển nguy hiểm cho mẹ và con

- Mẹ bị nhiễm HIV/AIDS có thể lây sang con.

  • Hiệu quả:

 Có thể đạt tới 98% và hơn nữa nếu áp dụng đúng.

Biện pháp vĩnh viễn

  • Ưu điểm:

- Có tác dụng ngừa thai cao và vĩnh viễn

- An toàn và không ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người phụ nữ

- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng

- Thoải mái hơn trong quan hệ tình dục vì không lo lắng mang thai.

  • Nhược điểm:

- Đòi hỏi một cuộc phẫu thuật (triệt sản nữ thường gây mê toàn thân, đắt tiền)

- Nếu thất bại nguy cơ cao thai ngoài tử cung (10 - 65%)

- Có thể có biến chứng

- Không dễ dàng hồi phục, tỷ lệ có thai sau khi nối lại rất thấp <10%

- Không phòng ngừa được các bệnh lây qua đường tình dục

  • ĐÁP ỨNG Y TẾ TRONG THẢM HỌA THƯƠNG VONG HÀNG LOẠT
  • MÔ HÌNH Y HỌC GIA ĐÌNH TẠI CÁC NƯỚC
  • CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY TIM MẠN
  • KHÁM PHỤ KHOA THỰC HIỆN TẦM SOÁT TẾ BÀO CỔ TỬ CUNG
  • QUẢN LÝ NGOẠI TRÚ BỆNH THẬN MẠN Ở TRẺ EM
  • SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG VITAMIN K
  • KỸ THUẬT CỐ ĐỊNH GÃY XƯƠNG TẠM THỜI
  • BIẾNG ĂN Ở TRẺ EM
  • SUY GIÁP Ở TRẺ EM
  • ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ THAI KỲ
  • DINH DƯỠNG CHO TRẺ EM
  • HỘI CHỨNG MẠCH VÀNH CẤP (Acute coronary syndrome: ACS)
  • SỬ DỤNG THUỐC EPINEPHRINE TRONG CẤP CỨU TẠI TRẠM Y TẾ
  • Ợ HƠI, CHƯỚNG BỤNG VÀ TRUNG TIỆN_xoa
  • HỘI CHỨNG THIẾU MÁU Ở TRẺ EM
  • KỸ THUẬT CẦM MÁU VẾT THƯƠNG
  • TIẾP CẬN VẤN ĐỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 TRONG Y HỌC GIA ĐÌNH
  • THIẾU MÁU VÀ THAI KỲ
  • THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở TRẺ NHŨ NHI
  • VẬN HÀNH EKIP HỒI SINH TIM PHỔI
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Tham khảo

    Trần Thị Mộng Hiệp.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Đau cách hồi bệnh tĩnh mạch chi dưới

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tổng hợp

    3312/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    bài làm 5
    Trầm cảm
    Mục tiêu
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space