1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng do nấm Candida gây ra, thường là Candida albicans. Candida có thể gây bệnh ở niêm mạc, da và máu.
1.2. Dịch tễ
Nấm Candida có thể gây bệnh ở các lứa tuổi khác nhau và ở cả hai giới. Bệnh thường xuất hiện ở những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, chứng khô miệng, băng bịt, tăng tiết mồ hôi, sử dụng corticosteroid, kháng sinh phổ rộng và suy giảm miễn dịch, bao gồm nhiễm HIV/AIDS.
1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
Chủ yếu do Candida albicans. Candida bao gồm hơn 100 chủng khác, hầu hết không phát triển và gây bệnh trên người.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Nhiễm Candida da: vị trí hay gặp là kẽ ngón tay, ngón chân, nếp lằn dưới vú, mông, nách, khoeo. Các yếu tố thuận lợi mắc bệnh là ngâm nước nhiều, nóng, ẩm và béo phì. Nhiễm Candida da biểu hiện dát đỏ rõ rệt, đôi khi trợt thường đi kèm với mụn mủ vệ tinh. Candida có thể phát triển trên tổn thương vùng kẽ do viêm da dầu hoặc vảy nến.
- Nhiễm Candida da/niêm mạc mạn tính và u hạt: gặp ở người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nội tiết, tự miễn dịch, u ác tính. Tổn thương là mảng đỏ, dày sừng, dày da, niêm mạc và có thể tổn thương cả móng. Vị trí hay gặp là ở mặt, da đầu, tay, thân mình. Bệnh tiến triển mạn tính.
- Nhiễm Candida niêm mạc:
+ Viêm lưỡi giả mạc (tưa miệng): biểu hiện có thể cấp hoặc mạn tính. Cấp tính hay gặp ở trẻ em, phụ nữ cho con bú và người già với biểu hiện đốm giả mạc màu hơi trắng, trên nền niêm mạc đỏ, phù nề ở lưỡi, vòm miệng, má, vùng hầu. Triệu chứng cơ năng là rát và bỏng nhẹ. Ở thể mạn tính, tổn thương ít đỏ và phù nề hơn nhưng lan rộng, có thể xuống thực quản. Giả mạc có thể dễ lấy bỏ để lại nền niêm mạc đỏ hoặc trợt.
+ Viêm teo: thượng bì miệng mỏng, cảm giác dát bỏng, phù. Có thể teo, đỏ và loét ở niêm mạc lưỡi, hay gặp ở người sử dụng răng giả.
+ Viêm góc miệng: vết nứt ở da góc miệng, vảy da trắng, cảm giác đau khi nhai và tổn thương có thể lan ra xung quanh miệng.
+ Viêm âm hộ/âm đạo: tham khảo bài viêm âm hộ/âm đạo do Candida.
+ Viêm quy đầu: tổn thương là sẩn đỏ, mụn mủ, vảy tiết, cảm giác kích ứng, đau ở quy đầu và bao da quy đầu. Bệnh hay tái phát.
- Nhiễm Candida quanh móng và móng: (tham khảo bài Nấm móng).
2.2. Cận lâm sàng
- Soi tươi trong dung dịch KOH, nước muối sinh lý hay trong tiêu bản nhuộm Gram, Giêm-sa thấy hình ảnh bào tử nấm men kèm giả sợi.
- Nuôi cấy trong môi trường Sabouraud mọc khuẩn lạc màu trắng hoặc vàng kem, bề mặt bóng, mịn.
- Xét nghiệm PCR: giúp phân loại các loài Candida.
- Sinh thiết được sử dụng trong chẩn đoán nhiễm Candida da/niêm mạc mạn tính. Biểu hiện chủ yếu là viêm dạng u hạt mạn tính.
- Kỹ thuật Maldi - Tof xác định tính chất sinh vật hóa học giúp định danh nấm Candida.
- Kháng nấm đồ.
2.3. Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
- Cận lâm sàng: soi tươi trực tiếp, nuôi cấy, phân lập nấm Candida
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Nhiễm Candida da: viêm kẽ do nguyên nhân khác.
- Nhiễm Candida niêm mạc
+ Viêm miệng: viêm niêm mạc do nguyên nhân khác, viêm lưỡi do nhiễm khuẩn.
+ Viêm âm hộ/âm đạo: viêm âm đạo do nguyên nhân khác.
+ Viêm quy đầu: viêm quy đầu do nhiễm khuẩn, do Herpes, vảy nến, hồng sản Queyrat.
+ Nhiễm Candida quanh móng và móng: viêm quanh móng do vi khuẩn, bệnh trắng móng, sang chấn móng, vảy nến, chàm đầu chi.
- Nhiễm Candida da/niêm mạc mạn tính và u hạt: vảy nến, dày sừng nang lông, bệnh lý đỏ da toàn thân.
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc chung
- Vệ sinh cá nhân
- Điều trị thuốc kháng nấm tại chỗ
- Điều trị thuốc kháng nấm đường toàn thân
- Điều trị dự phòng, loại trừ các yếu tố nguy cơ
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị nhiễm Candida da
- Lựa chọn thứ nhất: sử dụng thuốc bôi kháng nấm gồm: imidazol (clotrimazol, isoconazol, ketoconazol, miconazol…), allylamine (terbinafin), ciclopirox olamine bôi 2 lần/ngày trong 4 tuần
Một số trường hợp có thể phối hợp corticosteroid bôi ngắn ngày để giảm viêm.
- Lựa chọn thứ 2: sử dụng thuốc toàn thân nếu tổn thương kéo dài, không đáp ứng với thuốc bôi, sử dụng một trong các thuốc dưới đây:
Thuốc
|
Liều lượng, cách dùng
|
Fluconazol
|
Uống 150 mg/tuần x 4 tuần
|
Itraconazol
|
Uống 200 mg x 2 lần/ngày, trong 4 tuần
|
Posaconazol
|
Uống 800 mg/ngày x 3 tuần
|
Voriconazol
|
Tiêm tĩnh mạch 4mg/kg/12 giờ hoặc uống 100-200mg/12 giờ
|
Echinocandin
(caspofungin, micafungin)
|
Sử dụng cho các trường hợp Candida kháng thuốc
|
3.2.2. Điều trị nhiễm Candida niêm mạc
- Điều trị viêm lưỡi giả mạc (tưa miệng):
+ Điều trị tại chỗ: lựa chọn đầu tiên cho trẻ em có tổn thương niêm mạc miệng <50% và không có tổn thương sâu, loét; người lớn.
Thuốc
|
Liều lượng, cách dùng
|
Nystatin dạng hỗn dịch
|
Bôi 400.000-600.000 đơn vị 4 lần/ngày x 7-14 ngày
|
Nystatin dạng viên
|
Bôi 200.000-400.000 đơn vị (1-2 viên) 4 lần/ngày x 7-14 ngày
|
Clotrimazol dạng viên
|
Bôi 10mg 5 - 6 lần/ngày x 7 - 14 ngày
|
+ Điều trị toàn thân:
● Với người lớn: sử dụng khi không đáp ứng với thuốc tại chỗ hoặc những trường hợp nặng. Liều dùng tương tự như nhiễm Candida da.
● Với trẻ em: sử dụng khi không đáp ứng với thuốc tại chỗ hoặc với các trường hợp nặng trẻ có tổn thương niêm mạc miệng >50% và có tổn thương sâu, loét hoặc trẻ suy giảm miễn dịch, đau hầu họng nhiều (làm ảnh hưởng đến ăn uống)
Thuốc
|
Liều lượng, cách dùng
|
Tổn thương niêm mạc miệng >50% và có tổn thương sâu, loét
|
Trẻ suy giảm miễn dịch, đau hầu họng nhiều (ảnh hưởng đến ăn uống)
|
Fluconazol
|
6mg/kg uống 1 lần vào ngày đầu tiên (liều tối đa 200mg đối với trẻ không nhiễm HIV và 400mg cho trẻ nhiễm HIV). Ngày tiếp theo 3mg/kg mỗi ngày (liều tối đa 100mg cho trẻ không nhiễm HIV, 200mg cho trẻ nhiễm HIV và dương tính) trong vòng 7-14 ngày
|
Truyền tĩnh mạch 6mg/kg/ngày trong ngày đầu, ngày tiếp theo 3mg/kg/ngày trong 14 ngày
|
Amphotericin hoặc echinocandin
|
Sử dụng nếu kháng thuốc fluconazol
|
Sử dụng nếu kháng thuốc fluconazol
|
- Điều trị viêm âm hộ/âm đạo: tham khảo bài viêm âm hộ/âm đạo do Candida
4. PHÒNG BỆNH
- Vệ sinh da, niêm mạc thường xuyên.
- Giữ khô các nếp gấp, có thể sử dụng các bột talc làm khô.
- Quần, áo, tất, giầy cần làm khô, phơi nắng, là trước khi sử dụng
- Hạn chế dùng các thuốc kháng sinh kéo dài.
|