MỤC TIÊU 1.Liệt kê các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nêu tác nhân gây bệnh 2.Nêu được nguyên tắc chẩn đoán chung bệnh lây truyền qua đường tình dục 3.Trình bày được triệu chứng và chẩn đoán một số bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp 4.Nêu hướng dự phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục 5.Hướng dẫn thai phụ tự chăm sóc khi mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục NỘI DUNG Tình huống minh họa Chị M. 28 tuổi, PARA 1031 (1 lần sanh thường 2.900 gram cách nay 3 năm; 2 lần hút thai, 1 lần thai lưu) nội trợ, đang mang thai 10 tuần tính theo ngày kinh cuối. Nay chị đến y tế địa phương khám thai. Qua thăm khám ghi nhận các thông tin: - Sinh hiệu trong giới hạn bình thường - Cao 1m61, cân nặng 52 kg, dáng đi cân đối - Da niêm hồng - Tim đều, phổi trong - Khám sản khoa: + Âm đạo ít huyết trắng + Cổ tử cung tái tạo + Âm hộ có 2 san thương mồng gà Câu hỏi đặt ra: Giả sử anh chị là nhân viên y tế phụ trách chuyên môn sản phụ khoa, anh chị cần làm gì khi theo dõi thai kỳ này? Anh chị cần hỏi thêm những thông tin gì và giải thích gì cho thai phụ này? Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là các vấn đề phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong tuổi hoạt động sinh dục. STDs có thể lây truyền qua quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo hay hậu môn. Bệnh có thể gây ra tình trạng vô sinh, ung thư, thậm chí tử vong. STDs đặc biệt quan trọng trong thai kỳ vì có thể gây sanh non, nhiễm trùng thai nhi, dị tật bẩm sinh thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Khá nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến phụ nữ, gồm có: - Bệnh giang mai và thai kỳ - Bệnh lậu và thai kỳ - Nhiễm Chlamydia trachomatis và thai kỳ - Bệnh Herpes sinh dục và thai kỳ - Bệnh mồng gà và thai kỳ - Nhiễm HIV và thai kỳ - Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác... - Các nguyên tắc chẩn đoán chung
2.1 Khai thác bệnh sử - Khai thác thông tin người bệnh / khách hàng - Khai thác tiền căn về bệnh phụ khoa và các bệnh STDs đã mắc trước đó (bệnh gì, điều trị như thế nào...) - Phương pháp tránh thai đã từng áp dụng - Hỏi về tiền sử tình dục, bạn tình - Nghề nghiệp bản thân và nghề nghiệp của chồng / bạn tình - Lối sống và hoàn cảnh kinh tế xã hội: hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mức sống thấp, môi trường sống chật chội, ô nhiễm có thể là yếu tố nguy cơ - Các thói quen có thể làm bệnh tái phát đặc biệt là viêm sinh dục: thói quen giữ vệ sinh không đúng cách, hút thuốc lá, uống rượu 2.2 Khám lâm sàng - Khám lâm sàng thật cẩn thận để chẩn đoán bệnh, vì nhiều bệnh STD không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. - Khoảng 20 - 50% bệnh nhân mắc một bệnh STD và có nhiễm trùng khác tồn tại đồng thời. Nên khi phát hiện một tình trạng nhiễm trùng cần nghi ngờ các nhiễm trùng khác. - Các triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể đặc trưng bởi loét sinh dục, viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo hoặc tất cả các biểu hiện.2.2.1 Nhìn: - Khám vùng bẹn cần lưu ý: + Các mẩn đỏ + Các sang thương: mồng gà, mụn rộp thành từng chùm (herpes), san thương có mủ hay không. Mô tả tính chất của các san thương. + Quan sát các vết loét, áp-xe âm hộ, quanh hậu môn... + Các chỗ sưng, da đổi màu... + Dịch tiết ngoài âm hộ... - Khám mỏ vịt cần lưu ý: + Quan sát dịch tiết âm đạo: màu sắc, mùi, tính chất (lợn cợn, bột, có bọt...) + Mô tả hình dáng, đặc điểm và các sang thương cổ tử cung. + Mô tả niêm mạc âm đạo (hồng, hay viêm đỏ giống hình ảnh quả dâu tây...) - Khám tiền đình - tầng sinh môn: + Nên đánh giá các tuyến Bartholin, các ống Skene và niệu đạo bởi vì đây là các vị trí thường gặp trong nhiễm lậu cầu. + Những bệnh nhân có triệu chứng đường niệu, niệu đạo có biểu hiện tiết dịch màu trắng sữa. + Nên tìm các vị trí nhiễm trùng có thể có, nếu bệnh nhân có quan hệ tình dục đường hậu môn, trực tràng. 2.2.2 Sờ: - Hạch bẹn: đau hay không - Đánh giá đau khi lắc cổ tử cung và mô tả các tính chất đau + Khám âm đạo bằng tay kết hợp nắn bụng (khách hàng có gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục) + Khám trực tràng bằng tay phối hợp nắn bụng (khách hàng độc thân) 2.2.3 Khám họng: - Đặc biệt là khi có viêm họng do lậu cầu 2.2.4 Khám các cơ quan khác: - Nên đánh giá toàn trạng và các bệnh lý liên quan khác. - Nếu quá khả năng điều trị thì phối hợp với các chuyên khoa khác. - Ảnh hưởng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ
- Mọi thai phụ có khả năng mắc bệnh STDs trong thai kỳ nếu có quan hệ tình dục không bảo vệ với người đang nhiễm bệnh. - Nếu nhiễm bệnh STDs khi mang thai cần được theo dõi và điều trị thích hợp. Tùy theo bệnh cảnh sẽ có hướng điều trị bằng cách phối hợp chuyên khoa. - Thai phụ có thể lây truyền các bệnh STDs cho thai nhi trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ sanh và sau sanh vì STDs có thể không có triệu chứng. - Thai phụ mắc bệnh giang mai có thể lây truyền qua bào thai trong thi kỳ, sản phụ mắc bệnh lậu, C.trachomatis, viêm gan siêu vi B, Herpes sinh dục có thể lây cho trẻ cho sinh trong lúc chuyển dạ sanh. Trẻ có thể nhiễm HIV từ trong tử cung do HIV có khả năng qua nhau thai, HIV lây truyền cho trẻ trong khi sanh và có thể lây truyền khi cho con bú. - Thai phụ mắc các bệnh STDs có chuyển dạ sanh non, ối vỡ non, nhiễm trùng tử cung sau sanh. - Trẻ sơ sinh của những bà mẹ mắc bệnh STDs thường nhẹ cân lúc sanh so với trẻ khỏe mạnh bình thường. - Có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho thai như thai lưu, viêm kết mạc, viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh, tổn thương thần kinh, điếc, viêm gan cấp, viêm màng não, bệnh gan mạn tính, xơ gan. - Triệu chứng và chẩn đoán một số bệnh lây truyền qua đường tình dục
4.1 Bệnh giang mai 4.1.1 Tác nhân gây bệnh: - Do xoắn trùng Treponema pallidum, có khả năng gây tử vong ở người. Xâm nhập vào cơ thể rất nhanh qua niêm mạc ẩm ướt. - Ở phụ nữ, vị trí xâm nhập của xoắn trùng thường ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Có khả năng xâm nhập qua bánh nhau trong thời gian mang thai gây ra bệnh giang mai bẩm sinh. 4.1.2 Các giai đoạn của bệnh giang mai: Bệnh giang mai có thể kéo dài qua nhiều giai đoạn 4.1.2.1 Giang mai kỳ I: - Chancre xuất hiện tại các vị trí xoắn trùng xâm nhập, có hạch. - Chancre xuất hiện khoảng 10 - 60 ngày sau khi nhiễm bệnh, là những san thương tròn, nhỏ, bờ rõ, đáy sạch, không đau, lành tự nhiên sau 3 - 6 tuần. - Tính chất của chancre: + Vết loét tròn hay hình bầu dục, đường kính 0,5 - 2cm + Giới hạn rõ, đều + Đáy sạch, bóng láng, đỏ như thịt tươi, không đau + Nền cứng chắc - Hạch bẹn kèm theo. - Nhìn chung, huyết thanh chẩn đoán giang mai kỳ I thường âm tính. Hình 1: Chancre giang mai kỳ 1: chancre ở lưỡi (A) và âm hộ (B) 4.1.2.2 Giang mai kỳ II: - Khoảng 4 - 8 tuần sau khi xuất hiện chancre, sẽ có biểu hiện của giang mai kỳ II. - Triệu chứng gồm: tổn thương đa dạng (ban đào, ban sẩn, ban không đặc hiệu). Ban đỏ trên da với đặc tính là các tổn thương thô màu đỏ hay nâu ở lòng bàn tay, bàn chân. Các triệu chứng khác gồm xuất hiện hạch, sốt, nhức đầu, sụt cân, mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc. Xuất hiện những sẩn ướt (Condyloma lata) - Rất lây. - Đặc điểm tổn thương: đối xứng, không ngứa, không đau, hạch 1/3 trường hợp, phản ứng huyết thanh(+): 100%. - Ở những bệnh nhân không được điều trị, bệnh sẽ tự lành trong khoảng 2 - 6 tuần. Nhưng bệnh sẽ chuyển thành giang mai tiềm ẩn. 4.1.2.3 Giang mai tiềm ẩn: - Không giải quyết triệt để giang mai kỳ II do không biết hoặc điều trị không đúng. - Trong giai đoạn sớm dưới 1 năm sau giang mai kỳ II, bệnh nhân không có dấu chứng hay triệu chứng nào của bệnh giang mai. Giai đoạn muộn trên 1 năm sau giang mai kỳ II, giai đoạn muộn này ít lây hơn trong giai đoạn sớm. - Huyết thanh dương tính. - Chia làm 2 giai đoạn: + Sớm: có thể điều trị khỏi + Muộn: huyết thanh khó trở về (-) sau điều trị. - Có thể xuất hiện các triệu chứng tái phát. 4.1.2.4 Giang mai kỳ III: - Khoảng 1/3 trường hợp giang mai không điều trị có thể diễn tiến thành giang mai kỳ III. Giang mai kỳ III ít lây. - Có những tổn thương nặng ở hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, kèm theo các bất thường thị giác và thính giác. - Gôm giang mai (phá hủy, hoại tử, các tổn thương hạt) xuất hiện từ 1 - 10 năm sau nhiễm bệnh. 4.1.2.5 Giang mai bẩm sinh: - Xoắn trùng giang mai có thể qua bánh nhau từ tuần thứ 20 - Trong quá trình khám thai, thường sàng lọc cho thai phụ ở tam cá nguyệt I - Nếu thai phụ (+) với test sàng lọc: + Tư vấn khám chuyên khoa da liễu cho cả 2 vợ chồng + Thực hiện xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán TPHA + Bác sĩ da liễu sẽ quyết định điều trị cho thai phụ - Nếu phát hiện muộn sau 20 tuần tuổi thai: + Tư vấn nguy cơ cho mẹ và thai (đặc biệt là các dị tật bẩm sinh ở tim, não ... của thai) + Hướng dẫn khám thai định kỳ + Hướng dẫn tư vấn và điều trị chuyên khoa da liễu cho cả 2 vợ chồng - Chẩn đoán giang mai bẩm sinh: IgM xuất hiện 6 tuần sau sinh Hình 2: Giang mai bẩm sinh 4.1.3 Chẩn đoán bệnh: dựa vào đặc điểm loét và cận lâm sàng Xét nghiệm cận lâm sàng gồm: - Tìm xoắn khuẩn giang mai tại chancre với kính hiển vi nền đen. - Huyết thanh chẩn đoán: + Phản ứng cố định bổ thể = tiêu huyết: BW (Bordet - Wasserman) + Phản ứng kết cụm (Flocculation) - VDRL: Venereal Disease Research Laboratories
- RPR: Rapid Plasma Reagin
+ Phản ứng đặc hiệu (kháng nguyên là xoắn khuẩn) + Phản ứng bất động xoắn khuẩn TPI (Treponema Pallidum Immobilization) = Nelson’s test. + Phản ứng miễn dịch huỳnh quang FTA (Fluorescent Treponema Antibody - phản ứng miễn dịch huỳnh quang) trực tiếp từ hạch sinh thiết được của giang mai kỳ I và II. + Phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination Assay) - Tầm soát bệnh giang mai trong cộng đồng: xét nghiệm RPR. - Huyết thanh chẩn đoán nếu có nghi ngờ trên lâm sàng: + Nếu chance xuất hiện < 5 ngày: FTA + Nếu chance xuất hiện < 7 ngày: FTA, TPHA + Nếu chance xuất hiện > 14 ngày: VDRL - Việc dùng một xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán là không đủ, xét nghiệm giang mai không đặc hiệu đôi khi cho kết quả dương giả liên quan đến những bệnh nội khoa mà không liên quan đến giang mai. - Cần chọc dò tủy sống khi nghi ngờ giang mai thần kinh và làm xét nghiệm VDRL với dịch não tủy. 4.1.4 Điều trị: - Thuốc đặc hiệu trong điều trị giang mai là Benzathine Penicillin G. Nếu không điều trị săng có thể tự mất, bệnh chuyển sang giang mai kỳ II hoặc kỳ III 4.1.4.1 Phác đồ giang mai kỳ I: - Benzathin penicillin G: 2.400.000 UI tiêm bắp sâu liều duy nhất, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 UI, hoặc - Penicillin procain G: Tổng liều 15.000.000 UI. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 UI, chia 2 lần, sáng 500.000 UI, chiều 500.000 UI, hoặc - Benzyl penicillin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000 UI. Ngày tiêm 1.000.000 UI, chia nhiều lần, mỗi lần 100.000 - 150.000/ mỗi 2 - 3h. 4.1.4.2 Phác đồ giang mai kỳ II, giang mai tiềm ẩn giai đoạn sớm:
- Benzathin penicilin G: tổng liều 4.800.000 UI tiêm bắp sâu, trong 2 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 UI, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 UI, hoặc - Penicillin Procain G: tổng liều 15.000.000 UI. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 UI (sáng 500.000 UI, chiều 500.000 UI), hoặc - Benzyl penicillin G hòa tan trong nước, tổng liều 30.000.000 UI. Ngày tiêm 1.000.000 UI, chia nhiều lần, mỗi lần 100.000 - 150.000/ mỗi 2 - 3h. + Nếu dị ứng với Penicillin thì thay thế bằng: Tetracyclin 2 gram/ngày x 15 ngày hoặc Erythromycin 2gram/ngày x 15 ngày 4.1.4.3 Phác đồ giang mai kỳ II tái phát, giang mai kỳ III, giang mai tiềm ẩn giai đoạn muộn, thai phụ, giang mai bẩm sinh muộn ở người lớn: - Benzathin penicillin G: Tổng liều 9.600.000 UI, tiêm bắp sâu trong 4 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 UI, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 UI, hoặc - Penicillin Procain G: tổng liều 30.000.000 UI. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 UI, chia 2 lần (sáng 500.000 UI, chiều 500.000 UI), hoặc - Benzyl penicillin G hòa tan trong nước: tổng liều 30.000.000 UI. Ngày tiêm 1.000.000 UI, chia nhiều lần, mỗi lần 100.000 - 150.000/ mỗi 2 - 3h. + Nếu người bệnh dị ứng với Penicillin có thể thay thế bằng Tetracyclin 2 - 3 gram/ngày trong 15 - 20 ngày. Phụ nữ có thai dùng Erythromycin 2 - 3 gram/ngày trong 15 - 20 ngày. 4.1.4.4 Phác đồ giang mai bẩm sinh: - Đối với giang mai bẩm sinh sớm (trẻ ≤ 2 tuổi) + Nếu dịch não tủy bình thường: Benzathin penicillin G 50.000 UI/kg cân nặng, tiêm bắp liều duy nhất. + Nếu dịch não tủy bất thường: Benzyl penicillin G 50.000 UI/kg cân nặng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 2 lần/ngày trong 10 ngày hoặc procain penicillin G 50.000 UI/kg cân nặng tiêm bắp trong 10 ngày. - Đối với giang mai muộn (trẻ > 2 tuổi): Benzyl penicillin G 20.000 - 30.000 UI/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia 2 lần, trong 14 ngày. + Nếu người bệnh dị ứng với Penicillin: Erythromycin 7,5 - 12,5mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 30 ngày. - Nên theo dõi hiệu giá RPR, tái khám vào thời điểm 3, 6 và 12 tháng sau. - Nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi các tổn thương lành hẳn. 4.2 Bệnh lậu 4.2.1 Tác nhân gây bệnh: - Bệnh lậu do song cầu gram âm nội bào Neisseria gonorrhoeae gây ra. - Sự xuất hiện những chủng kháng thuốc làm tăng nhiễm lậu cầu không triệu chứng và sự thay đổi hành vi tình dục đều góp phần làm gia tăng xuất độ bệnh. - Xuất độ nhiễm lậu cầu cao nhất ở thanh niên và người trường thành trẻ tuổi. - Viêm lậu cầu thường đồng nhiễm với Chlamydia, có thể dẫn đến bệnh lý viêm vùng chậu dẫn đến hậu quả vô sinh do gây dính, tổn thương ống dẫn trứng, ứ dịch ống dẫn trứng. - Nhiễm lậu cầu tạo điều kiện lây truyền HIV. - Nhiễm lậu cầu liên quan đến đường sinh dục, trực tràng và hầu họng. - Cần kiểm tra và điều trị cho người nhiễm bệnh và bạn tình. 4.2.2 Chẩn đoán: - Dấu chứng và triệu chứng xuất hiện trong vòng 3 - 5 ngày sau khi nhiễm bệnh. - Nhiễm lậu không triệu chứng thường gặp ở cả nam và nữ. - Ở nam, nhiễm lậu cầu đặc trưng bởi tình trạng viêm niệu đạo, dịch tiết nhầy mủ hay mủ từ niệu đạo. Ở phụ nữ, các dấu chứng và triệu chứng thường nhẹ nên thường dễ bỏ sót và có thể bao gồm tiết mủ từ niệu đạo, ống Skene, cổ tử cung, âm đạo, hậu môn (do quan hệ tình dục đường hậu môn). - Tiết dịch xanh hay vàng từ cổ tử cung cho thấy tình trạng viêm cổ tử cung, có khả năng là do nhiễm lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis. - Nhiễm trùng tuyến Bartholin có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, áp-xe, hình thành nang. Cần trích rạch và dẫn lưu thích hợp khi tuyến sưng, đau. - Bệnh phẩm dùng để chẩn đoán lấy từ cổ trong cổ tử cung, âm đạo, nước tiểu. Bệnh phẩm được lấy từ hầu họng, trực tràng thường được cấy, nếu không có các xét nghiệm chẩn đoán khác. Mẫu dịch tiết niệu đạo của bạn tình nam được nhuộm Gram nếu có triệu chứng nhưng không khuyến cáo áp dụng cho bạn tình nam không triệu chứng và phụ nữ. - Cần kiểm tra các bệnh STDs khác, bao gồm C.trachomatis, HIV, giang mai. 4.2.3 Điều trị: - Nên điều trị tấn công cho người bệnh nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm lậu cầu nhằm ngăn ngừa các di chứng do không điều trị. - Xuất hiện những chủng lậu cầu kháng Quinolone, nên những kháng sinh này không còn dùng để điều trị lậu cầu nữa. 4.2.3.1 Lậu cấp: - Sử dụng kháng sinh: + Cefixim uống 400mg liều duy nhất, hoặc + Ceftriaxone 250mg tiêm liều duy nhất, hoặc + Spectinomycin 2g tiêm bắp liều duy nhất. - Điều trị đồng thời Chlamydia với các kháng sinh: + Azithromycin 1g liều duy nhất,hoặc + Doxycyclin 100mg x 2 lần/ngày x 7 ngày, hoặc + Tetracyclin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc + Erythromycin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc + Clarithromycin 250mg x 2 lần/ngày x 7 ngày. - Không dùng doxycyclin và tetracyclin cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ dưới 7 tuổi. - Điều trị bạn tình giống như điều trị cho người bệnh 4.2.3.2 Lậu mạn: - Có biến chứng sinh dục tiết niệu: + Ceftriaxone 1gram/ngày x 5 - 7 ngày. + Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên. - Có biến chứng nhiễm lậu toàn thân, viêm màng não cần cho người bệnh nằm điều trị nội trú. + Ceftriaxone 1 - 2 gram/ngày (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch) x 10 - 14 ngày. + Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên. - Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: + Ceftriaxone 50mg/kg tiêm bắp liều duy nhất, tối đa không quá 125mg. + Rửa mắt bằng nước muối sinh lý. + Điều trị lậu cho bố mẹ. + Phòng ngừa lậu mắt ở trẻ sơ sinh: rửa sạch mắt trẻ ngay sau khi sinh, nhỏ mắt bằng dung dịch nitrat bạc 1%. 4.3 Chlamydia trachomatis 4.3.1 Tác nhân gây bệnh: - Chlamydia trachomatis là vi khuẩn Gram âm ký sinh nội bào bắt buộc, làm thiếu khả năng tạo ra ATP và thường lây nhiễm vào các tế bào biểu mô trụ. - Nếu không điều trị, có đến 40% phụ nữ nhiễm C.trachomatis bị viêm vùng chậu, gây ra những biến chứng nghiêm trọng bao gồm thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mạn tính và vô sinh. - Có thể gây viêm niệu đạo không do lậu cầu và viêm kết mạc. - Vì có nhiều biến chứng nghiêm trọng, nên nên tầm soát bệnh hàng năm cho phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục (25 tuổi hay trẻ hơn) và phụ nữ có các nguy cơ (có nhiều bạn tình hay có bạn tình mới). 4.3.2 Chẩn đoán: - Nhiễm C.trachomatis có thể không có triệu chứng hoặc các triệu chứng kín đáo và không đặc hiệu. - Triệu chứng có thể gồm dịch tiết và xuất huyết âm đạo bất thường. - Viêm cổ tử cung đặc trưng bởi sự tiết dịch nhầy mủ từ cổ tử cung, chảy máu cổ tử cung từng đợt. - Nhiễm trùng hướng lên gây ra viêm vòi trứng (nhiễm trùng vòi Fallope) với triệu chứng kín đáo. - Khi có chẩn đoán viêm vòi trứng, bệnh còn diễn tiến vài tháng nữa làm tăng nguy cơ tổn thương ống dẫn trứng. - Thường kèm theo với nhiễm lậu cầu, nên đánh giá tình trạng nhiễm C.trachomatis cho bất kỳ bệnh nhân nào có chẩn đoán hay nghi ngờ bệnh lậu. - Nên cấy bệnh phẩm để tìm C.trachomatis. - Ngoài ra còn các phương pháp khác như làm xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch men, kỹ thuật lai acid nucleic, khuếch đại acid nucleic (NAATs) các mẫu bệnh phẩm từ cổ trong cổ tử cung. - NAATs là xét nghiệm rất đặc hiệu đối với bệnh phẩm từ lỗ trong cổ tử cung. - Có thể làm xét nghiệm tầm soát nước tiểu cho những bệnh nhân không muốn khám vùng chậu. 4.3.3 Điều trị: - Thuốc điều trị đặc hiệu là Azithromycin hay Doxycycline. - Lưu ý với bệnh nhân về tác dụng phụ đường tiêu hóa khi dùng Erythromycin. - Những bệnh nhân vẫn còn triệu chứng nghi ngờ tái nhiễm hoặc không tuân thủ điều trị cần làm lại xét nghiệm sau 3 - 4 tuần sau khi khởi đầu điều trị. - Nên làm lại xét nghiệm 3 tháng sau khi điều trị vì nguy cơ tái nhiễm. - Hướng dẫn cho người bệnh tránh quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi hẳn và điều trị cho cả bạn tình. 4.4 Herpes sinh dục 4.4.1 Tác nhân gây bệnh: - Herpes sinh dục do Herpes Simplex Virus týp 2 (HSV-2: DNA virus). - HSV-2 là nguyên nhân thường gặp nhất của nhiễm trùng sinh dục, mặc dù gia tăng tỷ lệ nhiễm Herpes sinh dục mới ở phụ nữ có thể do HSV-1. Phụ nữ nhiễm HSV-1 vẫn có nguy cơ nhiễm HSV-2 mắc phải. - Các tổn thương có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần dù không điều trị. 4.4.2 Chẩn đoán: - Khoảng 75% người nhiễm bệnh lần đầu. - Nhiễm bệnh giai đoạn đầu là nặng nhất, giai đoạn tái phát thường nhẹ hơn. - Triệu chứng nhiễm bệnh ban đầu bao gồm hội chứng giống cúm và thường có biểu hiện thần kinh, xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi nhiễm bệnh. - Các mụn nước đau xuất hiện từ 3 - 7 ngày sau khi nhiễm bệnh, chủ yếu ở vùng âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, vùng da quanh hậu môn thường lan rộng ra 2 mông. - Rất nhạy đau, có thể tự lành trong 1 tuần. - Tiểu khó có thể do tổn thương âm hộ hoặc do niệu đạo, bàng quang. - Cần nhập viện điều trị đau và các biến chứng đường niệu cho những bệnh nhân có những tổn thương Herpes nguyên phát. - Viêm màng não vô trùng kèm sốt, nhức đầu, phản ứng màng não sau 5 - 7 ngày sau khi có tổn thương sinh dục. - Tổn thương tái phát thường ít đau hơn các tổn thương nguyên phát và tồn tại khoảng 2 - 5 ngày. Có thể xảy ra ở những phụ nữ đã có kháng thể với cùng týp huyết thanh đó, thường xuất hiện một bên. - Nhiễm HSV-1 ít có khả năng tái phát so với nhiễm HSV-2. - Virus có thể lây lan khi các tổn thương xuất hiện trên 3 tuần. - Có thể chẩn đoán bệnh qua nuôi cấy virus và kỹ thuật PCR. Kết quả cấy thường rất đặc hiệu nhưng không nhạy, tỷ lệ âm tính giả khoảng 25% (sơ nhiễm) và tăng đến 50% (nhiễm tái phát). PCR là kỹ thuật mắc tiền, độ nhạy cao và là xét nghiệm cho chẩn đoán xác định nhiễm HSV. - Ngoài ra, có thể tìm kháng thể đặc hiệu của týp HSV-1 và HSV-2. Xét nghiệm có thể âm tính giả nếu thực hiện trong giai đoạn sớm của bệnh. Trung bình nên thực hiện xét nghiệm vào khoảng sau ngày thứ 22 vì từ lúc nhiễm bệnh đến lúc có chuyển đổi huyết thanh. Tuy nhiên, xét nghiệm huyết thanh vẫn âm tính sau 3 tháng nếu đã điều trị thuốc kháng virus, gặp trong khoảng 20% trường hợp. - Xét nghiệm huyết thanh thường dùng khi (1) nhiễm HSV tái phát, hoặc các triệu chứng không điển hình và kết quả cấy âm tính, (2) chẩn đoán lâm sàng Herpes sinh dục mà không có chẩn đoán cận lâm sàng và (3) bạn tình có Herpes sinh dục. 4.4.3 Điều trị: 4.4.3.1 Điều trị nhiễm Herpes lần đầu: bằng thuốc kháng virus: - Thuốc điều trị nhiễm HSV giai đoạn đầu bao gồm Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir. - Thời gian điều trị từ 7 - 10 ngày, có thể điều trị lâu hơn nếu các tổn thương vẫn còn tồn tại. - Điều trị thuốc đường uống làm giảm thời gian lây bệnh và làm ngắn các triệu chứng khởi đầu của bệnh. - Vẫn chưa có thuốc để loại trừ các virus tiềm ẩn trong rễ sau thần kinh hạch. - Điều trị này không làm giảm khả năng tái phát của bệnh. - Cần giữ khô và sạch các tổn thương, dùng giảm đau (Acetaminophen hay Ibuprofen) khi cần. - Tắm bằng nước ấm có thể làm giảm triệu chứng trong những ngày đầu. - Nhập viện điều trị trong trường hợp bệnh nhân phải dùng thuốc kháng virus và giảm đau đường tĩnh mạch. 4.4.3.2 Điều trị nhiễm Herpes tái phát: - Thời gian điều trị ngắn hơn khoảng 3 - 5 ngày. - Khuyến cáo điều trị từng đợt cho người bệnh có triệu chứng tái phát không thường xuyên. - Nên điều trị thuốc ức chế virus hàng ngày cho người bệnh tái phát thường xuyên, ngăn ngừa được 80% tái phát và giảm 48% lây truyền virus giữa các bạn tình. - Khuyên người bệnh dùng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. - Nên tầm soát cẩn thận trong thời gian tiền sản cho thai phụ có tiền sử nhiễm Herpes sinh dục. - Chỉ định mổ lấy thai nhằm ngăn chặn lây truyền bệnh cho thai nhi ở những sản phụ có các tổn thương Herpes hoạt động hay những sản phụ có tiền triệu nhiễm Herpes điển hình. 4.5 Mồng gà sinh dục 4.5.1 Tác nhân gây bệnh: - Bệnh mồng gà do một số týp lành tính của Papilloma Virus (HPV) đặc biệt là týp 6, 11 gây ra khoảng 90% mồng gà sinh dục. - Khoảng 80% phụ nữ trong độ tuổi hoạt động sinh dục nhiễm virus này. - Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với da vùng sinh dục nhiễm bệnh, các màng nhầy hoặc dịch tiết từ những bạn tình nhiễm HPV rõ ràng hay tiềm ẩn. - Nhiễm HPV thường không có triệu chứng và xác định bệnh nếu làm xét nghiệm DNA khi tầm soát Pap smear. - Các chồi thịt có thể xuất phát từ âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, lỗ tiểu, tầng sinh môn và hậu môn. Cũng có thể tìm thấy các chồi thịt ở lưỡi và khoang miệng. - Mồng gà sinh dục thường đi kèm với những bệnh STDs khác. 4.5.2 Chẩn đoán: - Dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhưng chẩn đoán xác định dựa trên sinh thiết các mụn thịt. - Khám vùng sinh dục ngoài và hậu môn sinh dục trong quá trình khám phụ khoa thường qui, đặc biệt ở bệnh nhân đã biết có tổn thương cổ tử cung và âm đạo. - Các bác sĩ lâm sàng cần phân biệt sẩn ướt của bệnh mồng gà với bệnh giang mai. 4.5.3 Điều trị: - Điều trị bằng phương pháp hóa chất, đốt điện, hay miễn dịch. - Chế phẩm Podofilox và Imiquimod không nên dùng trong thời gian mang thai. - Có thể áp dụng điều trị bằng Trichloroacetic acid, Podophyllin resin, phẫu thuật lạnh, phẫu thuật cắt bỏ chồi thịt, phẫu thuật bằng laser hoặc tiêm Interferon trực tiếp vào các tổn thương. - Chồi thịt lớn hơn 2cm đáp ứng tốt với điều trị lạnh, đốt điện hoặc điều trị laser. - Các tổn thương kháng trị gặp ở những thai phụ, người bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá, ức chế miễn dịch. - Thỉnh thoảng vẫn khuyến cáo mổ bắt con khi sản phụ có các chồi thịt lan rộng trong âm đạo, âm hộ. - Mổ bắt con làm giảm nhẹ nguy cơ lây bệnh cho thai nhi vì có nguy cơ phát triển thành u nhú ở thanh quản sau sanh. - Tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Nên tầm soát bệnh STDs cho phụ nữ trước khi mang thai, hay cho phụ nữ dựa trên độ tuổi và đánh giá yếu tố nguy cơ. - Nếu có viêm cổ tử cung, cần tầm soát viêm vùng chậu, nhiễm Chlamydia, lậu cầu, viêm âm đạo do vi trùng, nhiễm trichomonas và điều trị nếu cần. - Nếu bệnh nhân được chẩn đoán viêm vùng chậu, nên đánh giá tình trạng nhiễm Chlamydia, lậu cầu và HIV. - Nên tầm soát các bệnh STDs lần đầu tiên khi biết mình có thai. - Vẫn nên làm lại các xét nghiệm tầm soát các bệnh STDs, dù đã từng làm các xét nghiệm này trước đó. - Có thể làm lại một số xét nghiệm khi gần đến ngày sanh. 5.1 Tầm soát thường qui - Nên tầm soát thường qui tình trạng nhiễm Chlamydia và lậu cầu cho phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục (25 tuổi và trẻ hơn). - Nên tầm soát bệnh STDs cho người bệnh chậm phát triển tâm thần - Khuyến cáo tầm soát nhiễm HIV cho tất cả những phụ nữ đang hoặc đã từng hoạt động tình dục. 5.2 Tầm soát dựa trên yếu tố nguy cơ - Nên tầm soát STDs thường xuyên cho những sản phụ với tiền sử có nhiều bạn tình, hay quan hệ tình dục qua nhiều đường, xác định mắc bệnh STDs do quan hệ tình dục qua cấy bệnh phẩm. - Nên tầm soát thường qui bệnh STDs cho phụ nữ từ 26 tuổi trở lên có nguy cơ cao nhiễm Chlamydia và lậu cầu. - Dự phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Giáo dục người bệnh trì hoãn quan hệ tình dục, hạn chế số bạn tình, và việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. - Tiêm chủng để tạo miễn dịch để ngăn ngừa lây bệnh ví dụ như bệnh viêm gan B, hay nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) - Thông báo cho bệnh nhân là một phần quan trọng trong phòng ngừa bệnh. - Khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh STDs, nên khám cho cả bạn tình của họ. - Điều trị cho bạn tình nam để dự phòng tái nhiễm cho bệnh nhân. - Khi người bệnh được điều trị, bạn tình của họ cũng được uống thuốc điều trị STDs nhưng không cần phải thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm. - Mục đích chính trong việc điều trị luôn cho cả bạn tình nhằm ngăn chặn tái nhiễm lậu cầu và C.trachomatis cho những bạn tình không thể hoặc hoặc không muốn đến bệnh viện. - Nên động viên mọi bạn tình đến khám và tầm soát tại các cơ sở y tế. - Nếu có thể, nhà cung cấp dịch vụ y tế nên có qui định về việc khám và tầm soát cho cả bạn tình nhằm hạn chế nhiễm tái phát STDs. - Hướng dẫn tự chăm sóc khi mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho phụ nữ chuẩn bị mang thai, thai phụ những nguy cơ của bệnh STDs có thể có cho thai nhi. - Cách tốt nhất để tránh các bệnh STDs là hướng dẫn thai phụ tránh quan hệ tình dục, chung thủy một vợ - một chồng, hoặc có mối quan hệ lâu dài với một bạn tình và chồng hay bạn tình được khám và chẩn đoán là không mắc bệnh. - Hướng dẫn các thai phụ dùng bao cao su đúng cách và liên tục để làm giảm nguy cơ nhiễm HIV. Ngoài ra, còn tránh được bệnh lậu, C.trachomatis và Trichomonas, Herpes sinh dục, giang mai, hạ cam mềm, nhiễm HPV ... - Nhân viên y tế cần hướng dẫn cho thai phụ một số dấu hiệu cần đến cơ sở y tế khám ngay, vì các bệnh STDs có thể không có triệu chứng. - Khi đã mắc bệnh, cần hướng dẫn cách dùng thuốc đúng phác đồ, đủ liều, đủ ngày, báo ngay bác sĩ điều trị nếu có tác dụng phụ của thuốc, tái khám theo hẹn. - Hướng dẫn khám thai thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như các triệu chứng nặng hơn hay biến chứng của bệnh. - Hướng dẫn vệ sinh thân thể, chăm sóc các tổn thương. - Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng thích hợp cho thai phụ. - Hướng dẫn không quan hệ tình dục cho đến khi bệnh được điều trị khỏi hẳn. - Hướng dẫn sản phụ khuyến khích điều trị cho cả bạn tình nhằm hạn chế tái phát cho thai phụ.
|