Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY TIM MẠN

(Tham khảo chính: Tài liệu BM YHGĐ)

MỤC TIÊU

  1. Trình bày được các bước chẩn đoán suy tim mạn
  2. Đánh giá được độ nặng (giai đoạn) của suy tim
  3. Định nghĩa được suy tim tâm thu và suy tim với phân xuất tống máu bảo tồn
  4. Trình bày được các yếu tố thúc đẩy suy tim mất bù
  5. Phân tích được chiến lược điều trị suy tim theo từng giai đoạn
  6. Trình bày được kế hoạch theo dõi điều trị suy tim mạn

MỞ ĐẦU

Suy tim là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi sự bất thường hình thái học và chức năng cơ tim, hậu quả là suy giảm chức năng đổ đầy thất và/hoặc tống máu. Những yếu tố chính trong cơ chế bệnh sinh của suy tim bao gồm tăng khối lượng tuần hoàn, thiếu máu cơ tim, tái cấu trúc tâm thất, tăng kích thích điều hòa thần kinh – thể dịch, bất thường chu trình chuyển hóa canxi tại tế bào cơ tim, tăng quá mức dịch ngoại bào làm thúc đẩy nhanh sự chết tế bào và đột biến gen.

  1. CHẨN ĐOÁN SUY TIM

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, trong đó chức năng tim không còn đảm bảo cung cấp đủ lưu lượng máu cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể.

1.1 Dấu hiệu lâm sàng

  • Triệu chứng cơ năng gợi ý: khó thở khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi, khó thở phải ngồi, ho nhiều về đêm, mệt mỏi, khó khăn khi thực hiện những hoạt động thường ngày;

Hoặc

Triệu chứng không đặc hiệu ở người lớn tuổi: kiệt sức, lẫn trí, rối loạn hành vi, mất khả năng định hướng, rối loạn giấc ngủ, hay té ngã, mất khả năng tự chăm sóc, tăng cân nhanh.

  • Triệu chứng thực thể: nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, tiếng tim T3, ran phổi, tĩnh mạch cổ nổi, phù ngoại vi, gan to.

Việc tìm kiếm những dấu hiệu suy tim trên lâm sàng cần được thực hiện thường xuyên và một cách có hệ thống trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đã được chẩn đoán, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim và mỗi khi xuất hiện những tác nhân thúc đẩy suy tim mất bù.

 

 

1.2   Dấu hiệu cận lâm sàng

  • X quang ngực: bóng tim to, tái phân bố tuần hoàn phổi, phù mô kẽ, tràn dịch màng phổi hai bên.
  • Điện tâm đồ: những rối loạn nhịp (thường là rung nhĩ), bất thường tái cực thất (đoạn ST và sóng T), bằng chứng nhồi máu cơ tim cũ (sóng Q bệnh lý, blốc nhánh trái mới xuất hiện), dấu dày thất trái.
  • Định lượng peptid natri niệu: BNP (brain natriuretic peptide) hoặc NT-proBNP (The N-terminal of the prohormone brain natriuretic peptide).

Giá trị của peptid natri niệu phụ thuộc vào tuổi và tình trạng những bệnh lý đi kèm.

Khi suy tim mất bù, nồng độ peptid natri niệu có thể tăng rất cao BNP > 400ng/L hoặc NT-proBNP  > 450 – 1800 ng/L.

Trong chẩn đoán suy tim mạn, định lượng peptid natri niệu không là xét nghiệm thường quy, được chỉ định khi chứng cứ lâm sàng và kết quả điện tâm đồ không rõ ràng.

 
  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1: Chẩn đoán suy tim (Nguồn: ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure 2016).  

 

1.3 Xác định chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim được xác định bởi những dấu hiệu khách quan của rối loạn thực thể chức năng tim lúc nghỉ, được đánh giá nhờ vào siêu âm tim. Đặc biệt, siêu âm doppler cho phép tính toán được phân xuất tống máu thất trái, đo đạt kích thước các buồng tim cũng như độ dày thành và đánh giá chất lượng tống máu và đổ đầy thất. Siêu âm tim còn giúp đánh giá tình trạng hệ thống van và đo áp lực động mạch phổi.  

2.NHỮNG ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU 

Trong những lần khám đầu, tình trạng lâm sàng, độ nặng của suy tim và những yếu tố đi kèm sẽ được đánh giá theo từng bước cụ thể như sau. 

2.1 Lâm sàng

2.1.1 Hỏi bệnh

Tiền căn bệnh lý và những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy tim mất bù cần được khai thác (bao gồm cả triệu chứng và những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống).

2.1.2 Khám

. Kiểm tra những dấu hiệu mất bù cần có chỉ định nhập viện (Mục 3.2)

. Đo huyết áp và cân nặng

. Tầm soát những bệnh lý đi kèm và những rối loạn lo âu – trầm cảm.

2.2 Độ nặng (giai đoạn)

Phân độ suy tim theo New York Heart Association (NYHA):

  • Giai đoạn I: không triệu chứng, không giới hạn hoạt động thường ngày;
  • Giai đoạn II: giới hạn nhẹ hoạt động thường ngày:

+ Không triệu chứng lúc nghỉ ngơi

+ Hoạt động thường ngày có thể gây mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở;

  • Giai đoạn III: giảm đáng kể hoạt động thể chất:

+ Không triệu chứng lúc nghỉ ngơi

+ Mức độ hoạt động thấp hơn bình thường có thể gây những triệu chứng của suy tim

  • Giai đoạn IV: giới hạn nặng hoạt động mức tối thiểu, triệu chứng xuất hiện cả khi nghỉ ngơi.

Độ nặng của những triệu chứng chủ quan không luôn tương quan với mức độ suy giảm chức năng thất trái nhưng giúp ích cho việc đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, sự giới hạn những hoạt động thường ngày còn gắn liền với những vấn đề thần kinh và cơ – xương – khớp (đặc biệt ở người lớn tuổi), khiến việc xếp giai đoạn càng trở nên khó khăn.

2.3 Tiên lượng

Những yếu tố tiên lượng nặng trên một bệnh nhân suy tim:

  • Lớn tuổi, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, ngưng tim được cứu sống;
  • Huyết áp thấp, giai đoạn NYHA III – IV;
  • Phức bộ QRS dãn rộng, loạn nhịp thất phức tạp;
  • Natri máu thấp (Na < 135 mmol/L);
  • Suy thận giai đoạn 4 (độ lọc cầu thận < 30 ml/min/1,73m2);
  • Phân xuất tống máu giảm nặng (PXTM < 30%).

2.4        Cận lâm sàng

2.4.1 Kiểm tra các giá trị sinh hóa máu

. Công thức máu, ion đồ (đặc biệt là natri và kali máu)

. Creatinine và độ lọc cầu thận

. Albumin và urê

. Bilan lipid máu

. Men gan

. Đường huyết và chức năng tuyến giáp

2.4.2 X quang ngực

  • Giúp đánh giá hiệu quả điều trị (sự cải thiện triệu chứng sung huyết phổi và/hoặc tràn dịch màng phổi)
  • Giúp phát hiện một bệnh lý phổi có thể đồng thời là nguyên nhân của khó thở trong bệnh cảnh suy tim hoặc là nguyên nhân thúc đẩy suy tim cấp.

 

2.5 Xác định suy tim tâm thu hoặc suy tim với phân suất tống máu bảo tồn

Siêu âm tim doppler là phương tiện đơn giản có thể phân biệt được suy tim tâm thu và suy tim với PXTM bảo tồn. Những tiêu chí chẩn đoán trên siêu âm tim doppler góp phần làm nên định nghĩa của các dạng suy chức năng tim.

Việc phân biệt hai dạng suy tim này là quan trọng nhằm tiên lượng hiệu quả điều trị:

  • Đối với suy tim tâm thu: điều trị giúp giảm rõ tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong trong hầu hết các trường hợp;
  • Đối với suy tim với phân suất tống máu bảo tồn: điều trị chỉ khả quan khi nguyên nhân suy tim có thể được giải quyết.

Phân loại suy tim

PXTM giảm

PXTM trung gian

PXTM bảo tồn

Tiêu chuẩn

1

Triệu chứng (+)

Triệu chứng (+)

Triệu chứng (+)

2

PXTM < 40%

PXTM 40 - 49%

PXTM ≥ 50%

3

 

1. Tăng peptid natri niệu

2. Có thêm ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn:

   a. Bệnh lý bất thường cấu trúc tim

   b. Rối loạn chức năng tâm trương

Bảng 1: Định nghĩa suy tim với PXTM giảm, trung gian và bảo tồn (Nguồn: ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure 2016).

2.6 Những bệnh lý và yếu tố nguy cơ cần được tầm soát

Những nguyên nhân có thể can thiệp được cần được tìm kiếm nhằm có kế hoạch điều trị hoặc phòng ngừa. Việc này giúp cải thiện hiệu quả điều trị suy tim (giảm triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài diễn tiến dẫn đến suy tim giai đoạn kháng trị) cũng như giúp phòng tránh những đợt suy tim mất bù.

2.6.1 Bệnh lý cần có phương thức điều trị đặc hiệu

  • Tim mạch: bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh van tim, tim bẩm sinh, tăng huyết áp và bất thường tạo nhịp cũng như dẫn truyền.
  • Độc tim: nghiện rượu nặng, tiền căn hóa trị liệu (anthracycline), xạ trị vùng ngực, hội chứng nhiễm trùng.
  • Bệnh lý toàn thân ảnh hưởng tim: pheochromocytoma, cường giáp, to đầu chi, những bệnh hệ thống.

2.6.2 Yếu tố thúc đẩy suy tim mất bù

  • Ăn mặn và không tuân thủ điều trị
  • Rối loạn nhịp: rung nhĩ, rối loạn nhịp thất
  • Thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp không được kiểm soát, thuyên tắc phổi
  • Bệnh van tim, bệnh cơ tim tiến triển
  • Thêm thuốc điều trị: kháng viêm không steroid, corticoid, ức chế canxi (verapamil, diltiazem), chống loạn nhịp nhóm I, thiazolidinediones, trastuzumab, monoxidine, thuốc ức chế tyrosine kinase.
  • Nhiễm độc digitalis, rượu
  • Thiếu máu
  • Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Suy chức năng thận, tăng natri máu
  • Cường giáp hoặc suy giáp

2.6.3 Những nguy cơ đi kèm

  • Yếu tố nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc lá, thừa cân – béo phì, rối loạn lipid máu
  • Suy dinh dưỡng, thiếu máu mạn
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

2.7        Đánh giá nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân

 Bao gồm:

  • Ảnh hưởng của suy tim lên hoạt động thường ngày
  • Vấn đề sức khỏe gây ra bởi những bệnh lý đi kèm
  • Những mong đợi của bệnh nhân khi bắt đầu và xuyên suốt quá trình điều trị
  • Khả năng tự điều chỉnh lối sống
  • Những khó khăn và trở ngại có thể gặp khi cần được can thiệp điều trị (yếu tố tâm lý và xã hội).
  • Bilan lão khoa đối với người lớn tuổi (chức năng nhận thức, khả năng tự chăm sóc, hoàn cảnh sống và tình trạng dinh dưỡng).

3.Điều trị suy tim tâm thu

  • Điều trị suy tim giai đoạn ổn định

3.1.1 Mục tiêu điều trị

  • Nâng cao chất lượng cuộc sống:
  • Giảm triệu chứng: khó thở, mệt, phù…
  • Đảm bảo các hoạt động thường ngày.
  • Phòng ngừa những đợt mất bù và giảm số lần cũng như thời gian nằm viện.
  • Làm chậm tiến triển suy tim và giảm tử vong.

Quá trình điều trị suy tim bắt đầu với thay đổi lối sống (thói quen ăn uống, hoạt động thể chất) và sử dụng thuốc (giảm triệu chứng và cải thiện tiên lượng sống còn).

Vào những giai đoạn nặng hơn, khi triệu chứng không thuyên giảm với điều trị thuốc tối ưu, bệnh nhân cần phải được can thiệp bởi những dụng cụ hỗ trợ (máy dẫn nhịp, máy phá rung) và sau đó là ghép tim nếu chức năng tim vẫn không được cải thiện.

Khi suy tim tiến triển đến giai đoạn kháng trị (NYHA IV), kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ sẽ được đặt ra.

Song song với những can thiệp được đặt ra từ thầy thuốc, bệnh nhân cần được hướng dẫn cụ thể để cùng phối hợp điều trị. Điều này sẽ giúp người bệnh đạt được và duy trì khả năng hoạt động như mong muốn một cách hiệu quả hơn.

  • Hướng dẫn người bệnh phối hợp điều trị

3.1.2.1 Nâng cao ý thức về căn bệnh

  • Giúp bệnh nhân hiểu thế nào là suy tim và mô tả những triệu chứng
  • Giải thích những phương thức điều trị được chỉ định và những tác dụng phụ của thuốc
  • Thông báo kế hoạch theo dõi bệnh (thời điểm cần làm xét nghiệm thường quy và xét nghiệm tầm soát biến chứng), giải thích kết quả của những xét nghiệm đã có
  • Cảnh báo những thuốc cần tránh trong điều trị suy tim (bổ sung vitamin K, kháng viêm không steroid, ức chế canxi)
  • Hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi và ghi nhận cân nặng, mạch, huyết áp 1 – 2 lần/tuần đối với suy tim giai đoạn nhẹ, 2 – 3 lần/tuần đối với NYHA III – IV.
  • Hướng dẫn bệnh nhân tự phát hiện những dấu hiệu nặng cần được can thiệp.
 
 

Khi cân nặng tăng 2-3 kg trong vài ngày, bệnh nhân cần liên hệ nhanh chóng bác sĩ gia đình nhằm có kế hoạch bắt đầu hoặc tăng liều điều trị với thuốc lợi tiểu.

 

 

 

 

 

 

  • Quản lý chặt chẽ lối sống
  • Chế độ ăn uống:

. Nhạt (lượng muối NaCl < 6g/ngày); tránh thức ăn chế biến sẵn, thức ăn công nghiệp

. Không uống quá nhiều nước (1-2L/ngày)

. Ngưng mọi thức uống chứa cồn

  • Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch: ngưng hút thuốc lá, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn ít chất đường bột, giảm thức ăn chế biến với nhiều dầu mỡ, kiểm soát huyết áp.
  • Duy trì hoạt động thể chất đều đặn và phù hợp với tình trạng lâm sàng (bệnh nhân ổn định nên thực hiện tối thiểu 3 giờ tập luyện mỗi tuần – trung bình 30 phút mỗi ngày).

 

  • Thông tin về những đội ngũ hỗ trợ

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân luôn được sự quan tâm, chăm sóc và can thiệp khi cần thiết của nhiều lực lượng y tế có liên quan.

Bao gồm:    . Bác sĩ gia đình

                     . Bác sĩ tim mạch

                     . Điều dưỡng gia đình

                     . Kỹ thuật viên vật lý trị liệu

                     . Bác sĩ dinh dưỡng

                     . Bác sĩ tâm lý

                     . Các bác sĩ chuyên khoa tương ứng với bệnh lý kèm theo.

  • Điều trị thuốc trong suy tim
    • Khi có triệu chứng sung huyết
  • Lợi tiểu quai là thuốc điều trị đầu tiên được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân có triệu chứng suy tim sung huyết. Thuốc được chỉ định với liều phù hợp bệnh cảnh, sau đó giảm đến liều tối thiểu ngay sau khi những dấu hiệu sung huyết thuyên giảm. Quá trình điều trị đòi hỏi sự theo dõi kali, natri và creatinine máu.
  • Có thể kết hợp lợi tiểu thiazide và lợi tiểu quai khi triệu chứng sung huyết không kiểm soát được với lợi tiểu quai đơn thuần. Việc theo dõi những giá trị sinh hóa máu cần được thực hiện sát sao hơn vì bệnh nhân có nhiều nguy cơ mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, hạ natri và/hoặc hạ kali máu.
  • Cần tránh lợi tiểu tiết kiệm kali (ngoại trừ nhóm kháng aldosterone với những chỉ định cụ thể).
    • Điều trị nền được khuyến cáo đối với mọi bệnh nhân có PXTM giảm

Điều trị suy tim tâm thu với PXTM ≤ 40% luôn gồm một thuốc ức chế men chuyển và một thuốc chẹn bêta (ngoại trừ có chống chỉ định).

Khi PXTM nằm giữa 40 - 50%, tùy vào tình huống lâm sàng, nguyên nhân suy tim và lợi ích đối với người bệnh mà điều trị có thể bao gồm một hoặc hai thuốc trên, được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Khi khởi đầu với đơn trị liệu, cần bắt đầu với ức chế men chuyển. Sau đó, chẹn bêta có thể được thêm vào khi điều trị phối hợp thuốc là cần thiết.

  • Ức chế men chuyển: thuốc hàng đầu được khuyến cáo trong điều trị suy tim
  • Bắt đầu với liều thấp và theo dõi huyết áp
  • Mỗi đợt tăng liều cách nhau từ 1 – 2 tuần; được thực hiện với sự kiểm soát huyết áp (triệu chứng hạ huyết áp tư thế, huyết áp tâm thu không < 90mmHg ở tư thế đứng), đảm bảo chức năng thận (GFR không                 < 30ml/phút/m2) và kali máu (không > 5mmol/L); tăng dần đến liều tối đa bệnh nhân có thể dung nạp được.
  • Khi không dung nạp được với ức chế men chuyển (ho, phù mạch), nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II sẽ là chỉ định thay thế.
  • Chẹn bêta: là thuốc được khuyến cáo điều trị suy tim ổn định
  • Bắt đầu với liều thấp, theo dõi huyết áp và tần số tim
  • Tăng dần đến liều tối đa dung nạp được, mỗi đợt tăng liều cách nhau 1 – 2 tuần, kiểm tra những dấu hiệu nặng.
  • Cần thận trọng khi sử dụng chẹn bêta trong những trường hợp nhịp tim chậm và có rối loạn dẫn truyền (đặc biệt là blốc nhĩ thất).
  • Theo dõi kali và creatinine máu sau mỗi đợt chỉnh liều.
  • Chống chỉ định khi suy tim mất bù.

Triệu chứng mệt, nhịp tim chậm hay hạ huyết áp thoáng qua có thể xuất hiện trong giai đoạn chuẩn hóa liều. Đây không phải là lý do ngưng thuốc và cần được giải thích với bệnh nhân. Những triệu chứng trên thường sẽ được cải thiện từ tháng thứ 3 của quá trình điều trị.

  • Điều trị bổ sung được khuyến cáo khi triệu chứng không cải thiện với điều trị nền
  • Đối kháng với thụ thể của aldosterone (Spironolactone, Eplerenone): được chỉ định khi phân xuất tống máu < 35%, bệnh nhân vẫn còn triệu chứng suy tim và chức năng thận còn đảm bảo (creatinine < 20mg/L và kali < 5mmol/L).

Việc bắt đầu điều trị với thuốc nhóm này cần ý kiến chuyên khoa tim mạch.

  • Đối kháng với thụ thể của Angiotensine II: được chỉ định khi bệnh nhân vẫn còn triệu chứng suy tim và không đang được điều trị với thuốc đối kháng thụ thể aldosterone, chức năng thận và kali máu cần được theo dõi thận trọng.

Sự kết hợp hai nhóm thuốc ức chế men chuyểnđối kháng với thụ thể của Angiotensine II cần ý kiến chuyên khoa tim mạch.

  • Digoxin: cũng là một lựa chọn điều trị bổ sung khi triệu chứng suy tim còn dai dẳng với điều trị tối ưu (bao gồm: ức chế men chuyển, chẹn bêta, lợi tiểu ± đối kháng với thụ thể của Angiotensine II), đặc biệt trong trường hợp rung nhĩ với đáp ứng thất nhanh (> 90 nhịp/phút) không kèm rối loạn dẫn truyền nhĩ thất hay rối loạn nhịp thất.

Theo dõi: kali máu và nồng độ digoxin máu (đặc biệt chú ý ở bệnh nhân lớn tuổi, suy giảm chức năng thận với nguy cơ cao ngộ độc digitalic).

  • Điều trị rung nhĩ ở bệnh nhân suy tim
  • Kháng đông:
  • Kháng vitamin K với INR mục tiêu thông thường 2 – 3
  • Nhóm thuốc kháng đông uống mới: không cần theo dõi INR, chống chỉ định đối với rung nhĩ do van tim (tự nhiên) hoặc trên bệnh nhân mang van tim cơ học.
  • Aspirin là điều trị thay thế khi có chống chỉ định với kháng vitamin K hoặc nhóm thuốc kháng đông uống mới.
  • Ổn định tần số nhịp thất: chẹn bêta là lựa chọn đầu tiên và có thể kết hợp với digoxin.
  • Chống loạn nhịp:
  • Amiodarone là thuốc chống loạn nhịp duy nhất được sử dụng khi bệnh nhân bị suy tim. Thuốc vừa giúp giảm tần số thất vừa có tác dụng chống loạn nhịp và duy trì nhịp xoang.
  • Chống chỉ định các thuốc chống loạn nhịp nhóm I trên bệnh nhân suy tim (cibenzoline, disopyramide, flecainide, hydroquinidine, propafenone).
    • Điều trị hỗ trợ
  • Điều trị thiếu máu: bổ sung sắt, Erythropoetin (khi suy giảm chức năng thận)
  • Giảm tần số tim < 70 lần/phút giúp cải thiện tiên lượng sống còn: Ivabradine
  • Kháng đông: trong trường hợp huyết khối buồng tim, loạn động thất nặng hoặc giảm chức năng thất trái nặng.
  • Chủng ngừa:
  • Vắc xin phòng cúm hàng năm (đặc biệt với người lớn tuổi)
  • Vắc xin phòng phế cầu mỗi 5 năm.
    • Tim mạch can thiệp (vai trò của bác sĩ chuyên khoa tim mạch)
      • Dụng cụ hỗ trợ
    • Tái đồng bộ hai thất: được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng không thuyên giảm với điều trị nội tối ưu, có phức bộ QRS > 120 ms và PXTM < 35% (hoặc bệnh nhân không có triệu chứng với QRS > 150ms, nhịp xoang và PXTM < 35%).

Cần thông tin và chuyển chuyên khoa tim mạch giúp bệnh nhân được can thiệp.

  • Máy phá rung (cấy dưới da) được kết hợp với máy tái đồng bộ thất được khuyến cáo giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim giai đoạn NYHA III – IV.
    • Điều trị bệnh tim nền
  • Tái tưới máu (stent nội mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu) đối với bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ với hẹp mạch vành có ý nghĩa.
  • Phẫu thuật sửa van hoặc thay van đối với bệnh van tim tiến triển.
  • Chỉ định ghép tim hoặc đặt thiết bị hỗ trợ thất trái có thể được đặt ra khi suy tim đến giai đoạn kháng trị.
    • Chỉ định nhập viện – Suy tim mất bù
  • Dấu hiệu lâm sàng nặng:
  • Triệu chứng tăng nhanh so với tình trạng cơ bản (khó thở, ran phổi, phù chi dưới, thậm chí tím tái, khó thở phải ngồi).
  • Huyết động không ổn định (Huyết áp tâm thu ≤ 90mmHg hoặc ≥ 170mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg, nhịp tim ≤ 50 lần/phút hoặc ≥ 130 lần/phút, nhịp thở ≥ 25 lần/phút, SaO2 ≤ 90%)
  • Suy tuần hoàn ngoại vi (huyết áp thấp, chi lạnh, da nổi bông, lơ mơ)
  • Rung nhĩ hoặc blốc nhĩ thất cao độ
  • Bệnh cảnh hội chứng mạch vành cấp.
  • Dấu hiệu cận lâm sàng nặng:
  • Hạ natri hoặc tăng kali máu nặng
  • Suy chức năng thận tiến triển
  • Đặc biệt lên chương trình nhập viện đối với bệnh nhân lớn tuổi, neo đơn, điều kiện chăm sóc tại nhà khó khăn.
  • Theo dõi điều trị suy tim mạn

Kế hoạch theo dõi được trình bày chi tiết trong bảng 3.

  • Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn

Điều trị suy tim với PXTM bảo tồn cần đảm bảo:

  • Quản lý chặt chẽ chế độ ăn nhạt và hoạt động thể chất đều đặn
  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch: huyết áp, đường huyết, ngưng rượu – thuốc lá
  • Điều trị triệu chứng sung huyết với thuốc lợi tiểu (quai, thiazide)
  • Điều trị nguyên nhân: tăng huyết áp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim (phì đại, dãn nở, hạn chế), đái tháo đường…
  • Theo dõi chức năng thận và phòng ngừa những yếu tố thúc đẩy mất bù.

Kế hoạch theo dõi được thực hiện tương tự suy tim tâm thu.

 

 

 

 

 

 

 

 

NYHA I

NYHA II

NYHA III

NYHA IV

Đặc điểm

Không triệu chứng

Triệu chứng khi gắng sức nhiều(đi bộ nhanh, lên ≥ 2 tầng lầu)

Triệu chứng khi gắng sức ít (lên 1 tầng lầu)

Triệu chứng khi nghỉ hoàn toàn

Điều trị tổng quát

Yêu cầu bệnh nhân tham gia và tuân thủ điều trị:

●       Nhận biết những dấu hiệu chuyển nặng: tăng 2-3kg trong vài ngày, khó thở tăng, nhịp tim nhanh hoặc không đều

●       Ghi nhận trọng lượng cơ thể thường xuyên, tránh điều trị thuốc tự ý

●       Chế độ ăn nhạt, hoạt động thể chất điều độ với mức độ phù hợp với lâm sàng và tuổi.

 

 

UCMC (hoặc đối kháng thụ thể Angiotensin II) + β (-) : bắt đầu từ liều thấp → tăng dần đến liều dung nạp tối đa ( phối hợp chặt chẽ với ý kiến chuyên khoa tim mạch)

 

 

Vắcxin phòng cúm hàng năm và phòng phế cầu

Điều trị theo triệu chứng

 

 

Lợi tiểu ( quai, thiazide) khi có triệu chứng sung huyết

 

 

 

Đối kháng Aldosterone  khi triệu chứng cơ năng dai dẳng           (phối hợp với ý kiến chuyên khoa tim)

 

 

Điều trị rung nhĩ ( kháng đông uống, digoxin, amiodarone) (phối hợp với ý kiến chuyên khoa tim)

Không sử dụng chống loạn nhịp nhóm I

 

 

Chỉ định nhập viện: khi có dấu hiệu nặng

 

 

 

Tập luyện thích ứng lại cơ tim

 

 

 

Tái đồng bộ thất ± máy phá rung

(Nhập viện)

 

 

 

Thiết bị hỗ trợ thất trái

Ghép tim (nhập viện)

UCMC : Ức chế men chuyển, β(-) : chẹn bêta

Bảng 2: Tóm tắt phác đồ điều trị suy tim tâm thu theo từng giai đoạn NYHA. Nguồn “Haute autorité de Santé (2014). Guide du parcours de soins de l’Insuffisance cardiaque »

 

NYHA I

NYHA II

NYHA III

Lịch khám định kỳ

 

 

●       BSGĐ: ít nhất 1 lần/năm

●       BSTM: 1 lần/năm

●       BSGĐ: ít nhất 2 lần/năm

●       BSTM: 2 lần/năm

●       BSGĐ: ít nhất 3 lần/năm

●       BSTM: 3 lần/năm

Đánh giá lâm sàng

●       Mức độ hoạt động thường ngày

●       Triệu chứng khó thở, mệt, trống ngực

●       Đo tần số tim, huyết áp, ghi nhận dấu hiệu ứ dịch ( phổi, ngoại biên), theo dõi cân nặng

●       Kiểm soát chặt chẽ thuốc điều trị

●       Tầm soát biến chứng

 

 

 

●       Xác định lối sống phù hợp

●       Hoạt động thể chất

Tuân thủ chế độ ăn: nhạt (<6 gram muối/ngày), tránh thức ăn công nghiệp, nên ăn nhiều rau quả tươi

Hoạt động thể chất

 

 

●       Theo dõi tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát lo âu – trầm cảm

 

 

 

Đánh giá chỉ định tái đồng bộ, kiểm tra các thiết bị được cấy

(chuyên khoa tim mạch)

Xét nghiệm sinh hóa

Phù hợp với diễn tiến lâm sàng

●       Phù hợp với lâm sàng, khi thay đổi thuốc điều trị, trong đợt say nắng hay mất nước

●       Ít nhất 2 lần/năm và mỗi khi thay đổi thuốc: natri, kali, creatinine và urê máu

●       Nếu điều trị với kháng vitamin K: INR tối thiểu 1lần/tháng

●       Đo BNP hoặc NT-pro BNP nếu nghi mất bù

Xét nghiệm bổ sung

●       ECG mỗi lần khám

●       Siêu âm tim nếu có triệu chứng

●       ECG mỗi lần khám

●       Siêu âm tim mỗi 1-2 năm

●       ECG mỗi lần khám

●       Siêu âm tim mỗi khi trở nặng

Sau nhập viện vì mất bù

●       Đến khám BSGĐ 1 tuần sau xuất viện

●       Khám chuyên khoa tim mạch 1 tuần – 2 tháng sau xuất viện

●       Nếu không đạt mục tiêu điều trị: bổ sung thăm khám tùy theo diễn tiến lâm sàng 

BSGĐ: bác sĩ gia đình, BSTM: bác sĩ tim mạch, ECG: electrocardiogramme (điện tâm đồ)

Bảng 3: Kế hoạch theo dõi điều trị suy tim mạn. Nguồn “Haute autorité de Santé (2014). Guide du parcours de soins de l’Insuffisance cardiaque »

Nhóm

Tên thuốc

Liều khởi đầu – liều tối đa (mg)

Lần dùng trong ngày

Tác dụng phụ

Lợi tiểu quai

Bumetanide

Furosemide

Torsemide

0.5 – 10

40 – 600

10 – 200

1-2

1-2

1-2

Hạ kali máu, hạ natri máu, mất nước,   hạ huyết áp tư thế

 

Lợi tiểu Thiazide

 

 

Chlorothiazide

Hydrochlorothiazide

Metclazone

 

250 – 1000

12.5 – 100

2.5 – 20

 

1-2

1

1

 

Như lợi tiểu quai

Tăng azot, urê, acid uric máu

 

Ức chế       men chuyển

 

 

Captopril

Enalapril

Lisinopril

Perindopril

Ramipril

6.25 – 150

2.5 – 40

2.5 – 40

2 – 16

1.25 – 10

3

2

1

1

1

Phù mạch, làm nặng suy thận, ho khan, tăng kali máu, chóng mặt

 

Ức chế thụ thể Angiotensin II

 

Candesartan

Losartan

Valsartan

4 – 32

25 – 100

20 – 320

1

1

2

Như ức chế men chuyển ngoại trừ       ho khan

 

Chẹn Bêta

 

 

 

Carvedilol

Bisoprolol

Metoprolol Tartrate

Metoprolol Succinate

3.125 – 50

1.25 – 10

12.5 – 200

12.5 – 200

2

1

2

1

Chậm nhịp tim, chóng mặt, hạ huyết áp, làm nặng suy tim không ổn định,         rối loạn dẫn truyền

Đối kháng Aldosterone

Spironolactone

Eplerenone

12.5 – 50

25 – 50

1-2

1

Tăng kali máu, làm nặng suy thận, chứng vú to ở nam

Digitalis

Digoxin

0.125 – 0.250

1

Rối loạn nhịp, chán ăn, rối loạn thị giác, buồn nôn, nôn

Dãn mạch

 

Hydralazine/ISDN

37.5/20 – 75/40

2-3

Nhức đầu, chóng mặt, hạ huyết áp

ISDN: Isosorbide Dinitrate

Bảng 4: Thuốc được sử dụng trong điều trị suy tim. Nguồn “Haute autorité de Santé (2014). Guide du parcours de soins de l’Insuffisance car

 

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, chiến lược điều trị suy tim mạn đã dần mở ra nhiều lựa chọn trên nhiều phương diện giúp người bệnh có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu điều trị và tăng tiên lượng sống còn. Quan trọng không kém việc sử dụng thuốc hàng ngày là duy trì lối sống phù hợp, kiểm soát những yếu tố nguy cơ và bệnh lý đi kèm, giảm tần số tim nếu nhịp > 70 lần/phút.

Vai trò của người bác sĩ gia đình, bên cạnh việc phối hợp với bác sĩ chuyên khoa tim mạch thực hiện phác đồ điều trị suy tim mạn trong ngoại trú, còn bao gồm: đưa những khuyến cáo đến với bệnh nhân và thân nhân để cùng phối hợp điều trị; lựa chọn phương thức theo dõi phù hợp với tình trạng tâm lý xã hội của từng người bệnh và cung cấp thông tin diễn tiến bệnh cho các đồng nghiệp trong các chuyên khoa có liên quan.

  • ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ THAI KỲ
  • VẬN HÀNH EKIP HỒI SINH TIM PHỔI
  • CHĂM SÓC TRẺ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
  • TIẾP CẬN NGUYÊN NHÂN TIỂU ĐẠM Ở TRẺ EM
  • TIẾP CẬN CÁC BỆNH MẠN TÍNH KHÔNG LÂY TRONG Y HỌC GIA ĐÌNH
  • KỸ THUẬT CẦM MÁU VẾT THƯƠNG
  • BIẾNG ĂN Ở TRẺ EM
  • NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIẾT NIỆU Ở TRẺ EM
  • THIẾT LẬP ĐƯỜNG TRUYỀN THUỐC TRONG CẤP CỨU NGOÀI BỆNH VIỆN
  • CHĂM SÓC PHỤ NỮ KHI MANG THAI Ở CỘNG ĐỒNG
  • ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN CẤP CỨU
  • TĂNG HUYẾT ÁP
  • TIẾP CẬN NGOẠI TRÚ HỘI CHỨNG THẬN HƯ VÔ CĂN Ở TRẺ EM
  • TIẾP CẬN BỆNH NHÂN MẮC BỆNH NẶNG TRONG HÀNH NGHỀ Y HỌC GIA ĐÌNH
  • SUY HÔ HẤP NẶNG DO ĐỢT MẤT BÙ CẤP CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD: chronic obstructive pulmonary disease)
  • TIẾP CẬN NẠN NHÂN TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TẠI HIỆN TRƯỜNG
  • HỘI CHỨNG MẠCH VÀNH CẤP (Acute coronary syndrome: ACS)
  • CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN NẶNG VÀ NGUY KỊCH Ở NGƯỜI LỚN
  • TƯ VẤN CHO PHỤ NỮ MANG THAI PHÁT HIỆN, DỰ PHÒNG, TỰ CHĂM SÓC KHI MẮC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC
  • TIỂU DẦM BAN ĐÊM ĐƠN ĐỘC NGUYÊN PHÁT Ở TRẺ EM
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng.

    5481/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tiêu chuẩn khỏi bệnh

    1385/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Công tác y tế trong phòng chống thảm họa

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    CÁC LOẠI INSULIN
    Viêm túi lệ
    F02 - tiếp cận triệu chứng mắt đỏ
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space