MỤC TIÊU - Định nghĩa được tiểu dầm ban đêm ở trẻ em
- Liệt kê được các nguyên nhân
- Trình bày được các chỉ định và phương pháp điều trị
- Trình bày được các biện pháp dự phòng
NỘI DUNG BÀI GIẢNG - MỞ ĐẦU
Tiểu dầm đơn độc ban đêm là hiện tượng nước tiểu thoát ra ngoài khi ngủ, một cách không ý thức ở trẻ trên 5 tuổi, ≥ 2 lần/tuần kéo dài trên 6 tháng và không có nguyên nhân thực thể. Tiểu dầm ban đêm nguyên phát: khi không lúc nào trẻ sạch ban đêm Tiểu dầm ban đêm thứ phát: xuất hiện sau một thời gian trẻ sạch được ít nhất 6 tháng. Tiểu dầm ban đêm đơn độc: khi không có triệu chứng nào đi kèm, đặc biệt là không tiểu dầm ban ngày (như: viêm bàng quang tái phát, bàng quang không ổn định...), không có nguyên nhân thực thể. Bệnh lành tính nhưng vẫn có nguy cơ: rối loạn tâm lý (căng thẳng, hoang mang, lo sợ…) cho bản thân trẻ, và cả cho thân nhân. Tỷ lệ tự khỏi cao và bệnh gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Tần suất: Ở các nước phát triển, bệnh chiếm khoảng 10% (trẻ > 7 tuổi). Tại Tp.Hồ Chí Minh, tỉ lệ là 7% dân số từ 5-10 tuổi. Bệnh tồn tại ở người lớn: 0,5 -3% và tần suất giảm 15% mỗi năm. - SINH BỆNH HỌC
Cơ chế được ghi nhận là do: - Giảm tiết vasopressin, antidiuretic hormone (ADH) khi ngủ.
- Giảm khả năng giữ nước tiểu trong bàng quang (BQ) khi ngủ, tăng co bóp cơ vòng BQ, BQ không kiểm soát được nước tiểu khi ngủ.
- Hệ thống thần kinh không có khả năng đánh thức trẻ dậy khi BQ đầy.
- NGUYÊN NHÂN
Hiện nay, nguyên nhân chưa được sáng tỏ hoàn toàn. 3.1. Bệnh mang tính chất di truyền 15% trẻ mắc nếu cha mẹ không có tiểu dầm 44% trẻ mắc nếu có 1 trong 2 cha mẹ bị tiểu dầm 77% trẻ mắc nếu cả 2 cùng bị tiểu dầm 3.2. Nguyên nhân tâm lý: Rất thường gặp - Trẻ bị căng thẳng về tâm lý như bị cô giáo la mắng
- Bị bạn bè tách khỏi nhóm,
- Bị ám ảnh lo sợ
- Hay phải thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ,
- Cha mẹ ly dị, hoặc mẹ cho ra đời thêm một đứa em...
- Ngoài ra, có thể do tình trạng giảm tiết ADH ban đêm, gây tăng lượng nước tiểu ban đêm, hoặc do thói quen ăn uống: trà, cà phê, coca và sô-cô-la.
Một cuộc điều tra tại Pháp (1997) cho thấy trong 400.000 trẻ từ 5 - 10 tuổi bị tiểu dầm, có: - 42% trẻ từ chối ngủ chung với bạn
- 37% từ chối tham dự lớp học dã ngoại
- 38% từ chối tham dự trại hè
- 12% từ chối đi chơi với gia đình
- 2/3 số trẻ xấu hổ vì bệnh
- 36% than phiền thiếu tập trung ở lớp
- 30% mệt mỏi buổi sáng
- 77% muốn cho mẹ biết, 59% với bác sĩ
- ĐIỀU TRỊ
Cần điều trị tiểu dầm ban đêm khi: - Trẻ trên 5 tuổi
- Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý trẻ, thiếu tự tin vào bản thân.
- Là lý do làm trẻ từ chối tham gia các hoạt động ngoại khoá, cắm trại, du lịch…
- Gia đình quá lo lắng.
4.1. Các phương pháp hỗ trợ tổng quát: - Uống đủ nước ban ngày: buổi sáng và buổi trưa.
- Hạn chế uống nước và sữa (thức ăn lỏng) 3 - 4 giờ trước khi đi ngủ (sau bữa ăn tối)
- Ăn thức ăn dễ tiêu, tránh táo bón.
- Khuyến khích trẻ vận động.
- Đi tiểu trước khi đi ngủ.
- Tạo niềm tin cho trẻ là có thể tự kiểm soát được tiểu dầm.
- Khen thưởng khi không đái dầm, tuyệt đối không phạt trẻ khi trẻ đái dầm.
4.2. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc Có thể sử dụng loại đồng hồ báo thức (hình 1) Đồng hồ báo thức có khả năng phát hiện sớm các giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức trẻ dậy, cách thức này hứa hẹn 70 đến 80% thành công. Thất bại điều trị được đánh giá sau ít nhất 2 - 3 tháng. Phương pháp này cần sự hỗ trợ từ người thân nhằm hỗ trợ trẻ đi vào nhà vệ sinh mỗi khi được đánh thức dậy. Hình 1: Đồng hồ báo thức Nên ghi lại những lần bé tiểu dầm vào một quyển sổ hoặc lịch để theo dõi. Khi trẻ thành công một lần, đừng tiếc lời khen ngợi và hãy động viên khen thưởng bé. Thay, giặt đồ cho bé cẩn thận trước khi đến lớp để gạt bỏ mặc cảm tự ti trước thầy cô, bạn bè. Tránh cho trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn. Nên quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý: quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột... Huấn luyện tăng cường: Sau khi thành công 14 ngày liên tiếp với phương pháp “Chuông báo thức”: Cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước trước khi ngủ nhằm tăng cường khả năng chịu đựng của cơ vòng bàng quang. Được xem là thành công nếu tiếp tục không bị tiểu dầm trong 14 ngày tiếp theo. 4.3. Các phương pháp điều trị có dùng thuốc 4.3.1 Desmopressin (Minirin 0,1mg): Cơ chế: chống lợi tiểu. Chỉ định: Là thuốc đầu tay điều trị tiểu dầm. Khi đi du lịch, cắm trại... Không đáp ứng phương pháp “chuông báo thức” Liều: uống 0,2 - 0,4mg (tối đa 0,6mg) hoặc xịt mũi 20 - 40 mcg trước khi ngủ. Hiệu quả: Đánh giá đáp ứng sau 1 tháng. Nếu có đáp ứng: Tiếp tục điều trị ít nhất 3 tháng. Ngắt quãng 1 - 2 tuần mỗi 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị. Tác dụng phụ: ngộ độc nước, hạ Natri máu do pha loãng. Phòng ngừa: hạn chế uống nước 2 giờ trước khi ngủ. 4.3.2. Anticholinergic: Oxybutynin (Driptane 5mg) Chỉ định: - Là thuốc được chọn lựa bước 2
- Bàng quang tăng động, tiểu dầm nhiều lần trong một đêm
- Sử dụng 1 loại thuốc không hiệu quả: phối hợp với desmopressin.
Liều: 0,1 - 0,2mg/kg/liều trước khi ngủ Tác dụng phụ: Khô miệng, táo bón, nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, nóng đỏ mặt… 4.3.3. Imipramine (Tricyclic anti-depressant) Hiệu quả : 20 - 50%. Là thuốc bước 3, khi các liệu pháp khác thất bại. Liều: 25 – 50 mg/liều, uống trước khi ngủ 2 giờ. Tác dụng phụ: Rối loạn tiêu hoá, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…hoặc co giật, ngưng tim do độc trên tim khi quá liều. 4.3.4. Châm cứu: cũng được báo cáo là có hiệu quả. - DIỄN TIẾN
Bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất bình thường của trẻ. Nhưng nếu tiểu dầm vẫn tiếp tục tiếp diễn ở trẻ lớn, đặc biệt trên 10 tuổi, sẽ gây cho các bé nhiều vấn đề tâm lý phức tạp. Bệnh nhi sẽ là tâm điểm chú ý của bạn bè, bị chê cười, mất tự tin, căng thẳng, buồn rầu và mặc cảm. Lâu ngày, tâm tính các bé sẽ trở nên bất thường, khó chịu và khó hòa nhập. - CÁC BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG
Tập cho trẻ đi tiểu chủ động trước 18 tháng, khi trẻ ngủ dậy mà chưa đi tiểu: - Sử dụng bô hoặc ghế bô ngồi để hỗ trợ đùi và chân trẻ. - Cho trẻ đi tiểu khi thấy trẻ có biểu hiện muốn đi tiểu, nhưng không ép trẻ ngồi bô cho đến khi trẻ tiểu và cũng không quá quan trọng nếu thất bại thời gian đầu. - Kiên nhẫn tập luyện, thường thành công không quá sau 3 tháng. Không nên thay đổi cách thức liên tục. - CÁC ĐIỀU KIỆN GÂY TIỂU DẦM THỨ PHÁT
Các điều kiện gây tiểu dầm thứ phát bao gồm: - Nhiễm trùng tiểu
- Bón
- Dị dạng đường niệu
- Bàng quang thần kinh
- Tiểu đường
- Đái tháo nhạt
- Suy thận
- Co giật - động kinh
- Sau khi dùng thuốc (acid valproic, clozapine)
KẾT LUẬN Tiểu dầm ban đêm đơn độc cần được quan tâm lưu ý khi trẻ trên 5 tuổi, tiểu trên 2 lần/tuần và kéo dài trên 6 tháng. Nguyên nhân tâm lý chiếm đa số, điều trị ban đầu chủ yếu dựa vào các biện pháp hỗ trợ tổng quát và không dùng thuốc.
|