MỤC TIÊU- Liệt kê được 3 hiện tượng của quá trình phát triển.
- Mô tả được 5 thời kỳ phát triển của trẻ.
- Liệt kê các đặc điểm về phát triển vận động và tâm thần của từng thời kỳ.
MỞ ĐẦU Trong suốt quá trình phát triển cuộc sống, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều những thay đổi, không chỉ về mặt cơ thể vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý và bệnh lý. Nhằm hiểu rõ các giai đoạn phát triển từ thời kỳ sơ sinh đến thời kỳ thiếu niên, giáo trình này sẽ phân chia nội dung theo từng nhóm tuổi trong độ tuổi từ 0 đến 16 tuổi. ĐẠI CƯƠNGCác hiện tượng của quá trình phát triểnCó thể khái quát quá trình phát triển ở trẻ em qua 3 hiện tượng: 1/ Hiện tượng thích nghi: chủ yếu ở thời kì sơ sinh. Đây là hiện tượng thay đổi hoạt động chức năng của cơ thể để trẻ có thể chuyển từ môi trường sống trong tử cung sang môi trường độc lập bên ngoài cơ thể mẹ. Chúng ta có thể liệt kê một số đáp ứng thích nghi như khả năng trao đổi oxy qua phổi, thay đổi hệ tuần hoàn với sự đóng lại của vách liên nhĩ cho phép hình thành 2 hệ tuần hoàn độc lập, phản xạ bú, phản xạ cầm nắm.... 2/ Hiện tượng tăng trưởng: các cơ quan, bộ phận phát triển về kích thước và chức năng. Chú ý có một số cơ quan cơ thể mà các đơn vị cấu tạo chính không còn tăng thêm sau sinh như thận, não nhưng tế bào vẫn phát triển về chất. Tăng trưởng là hiện tượng đặc thù của cơ thể trẻ em. Chúng ta có thể thấy các ví dụ như sự tăng trưởng của hệ cơ xương khớp với sự dài ra của các xương, tăng trưởng kích thước gan, lách, ruột và các tạng cơ thể. 3/ Hiện tượng trưởng thành: là sự hoàn thiện tới mức cao nhất về mặt chức năng, xảy ra đồng thời với quá trình tăng trưởng. Hiện tượng này rõ nhất là vào thời kì dậy thì. Điển hình nhất là sự khởi động của hoạt động nội tiết tố, dẫn đến làm các tế bào sinh dục biến đổi cấu trúc và chức năng, các cơ quan cũng tăng trưởng để trưởng thành. Như đã mô tả, việc phân biệt tăng trưởng và trưởng thành không phải lúc nào cũng rõ ràng. Lý do là cả hai hiện tượng này có tính chất tương quan chặt với nhau, lồng ghép xuyên suốt trong quá trình trưởng thành của hệ cơ quan, của trẻ. Một cách cụ thể, tăng trưởng là sự thay đổi về thể chất như tầm vóc theo thời gian. Trưởng thành là quá trình tiến triển hoàn thiện của năng khiếu và chức năng, thể hiện bằng khả năng thực hiện được phần việc tương ứng với lứa tuổi. Để hiểu được khái niệm này, chúng ta cần chú ý đến các khía cạnh sau: Sự phát triển bình thường của thể chất, các hình thái thể hiện ra ngoài qua vận động, cảm xúc, nhận thức giúp xác định đặc điểm sinh lý bình thường tương ứng với từng thời kỳ. Trên cơ sở này, chúng ta có thể phát hiện những đặc điểm bất thường, bệnh lý, chậm trễ cũng như lệch lạc trong quá trình phát triển của trẻ. Sự tương tác của yếu tố môi trường, sinh học, bối cảnh, xã hội... lên quá trình phát triển của bé. Từ đó, chúng ta có thể xác định các yếu tố nguy cơ, góp phần hạn chế tác hại của các tác nhân này lên sự phát triển bình thường của bé. Tính chuyên biệt của quá trình tăng trưởng và phát triển của từng bé. Điều này tương đồng với nghĩa là mỗi trẻ em là một cá thể riêng biệt. Do vậy, việc so sánh giữa 2 trẻ em là một sự khập khiễng nếu chúng ta không tính đến các đặc trưng của từng bé. Trong điều kiện lý tưởng cho phép, việc theo dõi liên tục trẻ trong bối cảnh gia đình chính là phương pháp tốt nhất để đánh giá. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thể chất:- Di truyền
- Chủng tộc
- Nội tiết
- Tâm lý tình cảm
Đặc điểm của sự phát triển:Sự phát triển các cơ quan bộ máy không cùng tốc độ: Não: năm đầu tiên phát triển rất nhiều và gần như hoàn chỉnh lúc tròn 6 tuổi Cột sống: phát triển mạnh lúc dậy thì Tuyến sinh dục và cơ quan sinh dục: phát triển chủ yếu ở thời kỳ dậy thì CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺCăn cứ vào những đặc điểm về sự phát triển, chia ra làm 5 thời kỳ như sau: Bào thai (= trong tử cung). Phôi: tam cá nguyệt 1; thai: tam cá nguyệt 2 và 3 Sơ sinh (ngày 0 – ngày 28): . Sơ sinh sớm: ngày 0 – ngày 7; sơ sinh muộn: ngày 7 –ngày 28; . Chu sinh: tuần thai thứ 28 - ngày 7 Nhũ nhi (29 ngày – 2 tuổi) Trẻ nhỏ (2 -12 tuổi. Tiền học đường: 2 - 6 tuổi; học đường: 6 - 12 tuổi ) Dậy thì - Thiếu niên (trẻ trai: 13 – 16 tuổi; trẻ gái: 11 – 13 tuổi) Thời kỳ bào thaiThời kỳ phát triển của thai nhi bên trong túi tử cung của cơ thể người mẹ. Giai đoạn này được tính từ khi bắt đầu được thụ thai đến khi đứa trẻ ra đời. Thời gian trung bình là 270 – 280 ngày (39 - 40 tuần). Đặc điểm sinh lýThời kỳ hình thành và phát triển thai nhi, phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Thông thường được chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn tương ứng với 3 tháng của thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt): 3 tháng đầu: giai đoạn hình thành thai nhi. Các tế bào mầm của phôi phát triển biệt hóa dần thành các tế bào mầm của cơ quan. Tuy nhiên, sự biệt hóa chỉ ghi nhận ở khía cạnh tế bào, các cơ quan hoặc còn rất sơ khai, hoặc còn chưa có hình thù rõ ràng. Và tất nhiên, phần lớn các cơ quan chưa có chức năng. 3 tháng giữa: các tế bào mầm cơ quan phát triển nhanh về kích thước, cho phép tạo hình dáng ban đầu cho các cơ quan, cho phép hình thành hình dáng con người. Các tạng cơ quan biệt hóa rõ dần và bắt đầu có chức năng tuy chưa thật sự hoàn chỉnh. Một số cơ quan bắt đầu hoạt động như tim, ruột non, thận tiết niệu. 6 tháng cuối: là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh về kích thước, gia tăng thể trọng. Các hệ cơ quan bắt đầu hoạt động. Các giác quan được phát triển như: vị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác cho phép thai có thể tương tác với thế giới bên ngoài. Đặc điểm bệnh lýRối loạn sinh lý xuất hiện ở giai đoạn này gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề lên sự hình thành và phát triển của các cơ quan, của thai nhi. Có thể phân các nguyên nhân thành 3 nhóm: Nhóm nguyên nhân của bản thân phôi thai: khiếm khuyết di truyền (tính trạng trội, tính trạng lặn,...), khiếm khuyết do sự phân chia nhiễm sắc thể (bệnh Down do tam bội NST 21, dị bội NST giới tính XXX, bệnh đơn NST giới tính XO, YO,..), khiếm khuyết hình thành các cơ quan (do nhiễm trùng, do thiếu acid folic, thiếu sắt, ...) Nhóm nguyên nhân do cơ thể người mẹ: tuổi mẹ, số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh, dinh dưỡng người mẹ khi mang thai, điều kiện lao động, bệnh và việc dùng thuốc của người mẹ, tử cung có vách ngăn, viêm teo nội mạc tử cung... Nhóm nguyên nhân do bánh nhau - dây rốn: thai ngoài tử cung, nhau tiền đạo, xuất huyết dưới nhau, dây rốn quấn cổ... Những yếu tố không thuận lợi nếu ảnh hưởng đến 3 tháng đầu của thai kỳ thì có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh trên trẻ. Nếu yếu tố không thuận lợi xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba thì chủ yếu ảnh hưởng đến sự trưởng thành và tăng trưởng của cơ quan. Hậu quả là thai có thể bị sinh non, sẩy thai, suy dinh dưỡng bào thai, thai chết lưu,… Do thai nhi nhận dinh dưỡng từ người mẹ, việc chăm sóc sức khỏe sản phụ là thiết thực, gián tiếp chăm sóc sức khỏe của bé. Có thể nói, việc chăm sóc tiền sản giữ vai trò rất quan trọng đảm bảo cho trẻ một cơ thể khỏe mạnh cho cuộc sống ngoài tử cung. Thời kỳ sơ sinhĐược giới hạn từ lúc rốn bị cắt cho đến thời điểm 4 tuần lễ tuổi đầu tiên. Đặc điểm sinh lý Đánh dấu cho thời kỳ này là việc trẻ chuyển từ môi trường sống trong tử cung sang môi trường bên ngoài. Sự khác biệt giữa 2 môi trường sống đặt cơ thể trẻ trước nhu cầu thích nghi cao. Trong đó, một số hệ cơ quan bắt đầu hoạt động thực thụ đảm bảo chức năng sinh tồn như hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh... Một số thay đổi có tính chất quyết định như: Phổi thực hiện chức năng hô hấp bao gồm động tác hít thở và trao đổi khí qua màng phế nang. Oxy được hấp thu qua phổi, thay thế hoàn toàn nguồn oxy đến từ máu nhau thai. Hệ tuần hoàn phổi được thiết lập, phối hợp với hệ tuần hoàn cơ thể, hình thành chu trình tuần hoàn khép kín của cơ thể. Áp lực trong nhĩ trái cao cho phép đóng lỗ thông liên nhĩ, tách hoàn toàn 2 hệ tuần hoàn. Hệ tiêu hóa được kích hoạt và hấp thu chất dinh dưỡng đến từ sữa mẹ, trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Sữa non của mẹ là thức ăn đầu tiên và lý tưởng nhất. Bé bắt đầu có các động tác giao tiếp với thế giới xung quanh như khóc, thở, đòi bú, bú, nắm... có các phản xạ nguyên phát, các động tác thì lộn xộn, không kiểm soát được trừ động tác bú, quay đầu nhìn theo. Các cơ quan khác như da, trung tâm điều nhiệt, hệ tiêu hóa cũng có biến đổi thích nghi. Trẻ đẻ càng non càng khó thích nghi. Trẻ sơ sinh mất cân sinh lý 10% trong tuần đầu, rồi mỗi ngày lên cân lại 25 tới 30 gram. Trẻ ngủ 20 –trên 24 giờ. Trương lực cơ tăng ở chi và giảm ở thân. Tâm lýTrẻ cần không những sữa mẹ mà còn cả tình thương yêu chăm sóc của cha mẹ. Sự gắn bó giữa mẹ và con là mối quan hệ thể xác và tâm lý giúp trẻ phát triển bình thường. Đây cũng là cơ sở lý luận của kỹ thuật Kangaroo dùng trong chăm sóc trẻ non tháng nhẹ cân. Khả năng nhận thức - phát triển tình cảm tùy mỗi trẻ, tùy môi trường và tùy vào sự chăm sóc vỗ về âu yếm của mẹ. Trẻ bắt đầu giao tiếp với mẹ thông qua việc đòi bú, khóc và bú. Đặc điểm bệnh lýDo cơ thể trẻ còn non yếu, yêu cầu thích nghi cao với môi trường sống mới, bất cứ một bệnh lý cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì lý do đó, nếu bị bệnh vào giai đoạn này, tình trạng sức khỏe của bé thường rất nặng, tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao. Các bệnh lý của giai đoạn này có thể phân làm 2 nhóm lớn: Bệnh liên quan đến quá trình phát triển trước đó khi còn thai nhi: dị tật bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch, không hậu môn, teo ruột, tắc ruột phân xu, tim bẩm sinh…), bệnh di truyền (khiếm khuyết nhiễm sắc thể), suy dinh dưỡng bào thai. Bệnh liên quan đến giai đoạn chu sinh (xung quanh thời điểm chuyển dạ và sanh): Nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da diễn biến nặng lan rộng làm nhiễm khuẩn huyết toàn thân. Các chấn thương khi sinh: sinh ngạt, gãy xương, sanh khó do ngôi thay, sanh dùng dụng cụ hỗ trợ… Vấn đề chăm sóc hô hấp, nhiệt độ cơ thể, dinh dưỡng, da, rốn, vệ sinh, vô khuẩn… Do khiếm khuyết chức năng của cơ quan: vàng da chu sinh, tán huyết, hạ đường huyết, suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành (thiếu chất surfactant). Phòng ngừaThực hiện tốt chăm sóc tiền sản. Theo dõi, phát hiện sớm và chuẩn bị tốt cho sự ra đời của trẻ nếu như có yếu tố nguy cơ. Việc sinh nở nên thực hiện ở các cơ sở y tế có trang thiết bị phù hợp, có chuyên môn phù hợp. Đối với chuyển dạ nguy cơ cao, cần chuyển tuyến đến đơn vị y tế chuyên sâu. Khuyến khích và tạo điều kiện cho bú sữa non càng sớm càng tốt (tốt nhất là ngay sau khi sinh). Theo dõi sức khoẻ trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế và hướng dẫn bà mẹ trẻ cách nuôi con bằng sữa mẹ. Phải tạo mối quan hệ gắn bó mẹ con ngay từ lúc sinh tránh cho trẻ nguy cơ chậm phát triển và bị lệch lạc về sinh lý cũng như tâm lý. Những rối loạn tâm lý về sau và ở lúc trưởng thành có nguồn gốc từ các nhiễu loạn về tâm lý trong mối quan hệ gắn bó mẹ và con trong những năm tháng đầu đời. Thời kỳ nhũ nhiThời kỳ này kéo dài từ 29 ngày – 2 tuổi. Đặc điểm sinh lýCơ thể trẻ lớn rất nhanh, đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng của trẻ rất cao từ 120 – 130 kcal/ kg/ ngày. Trong 3 tháng đầu, trẻ tăng trung bình 20 gram/ngày. Đến 6 tháng thì đạt cân nặng gấp đôi khi sanh. Đến 12 tháng thì đạt gấp 3 cân nặng khi sanh. Lớp mỡ dưới da phát triển mạnh làm cho trẻ có vẻ bụ bẫm tròn mập. Ngủ giảm dần còn 14 -16 giờ một ngày. Tới 6 tháng, trẻ ngủ trung bình được 8 giờ một đêm. Tổ chức não trưởng thành 75% so với người lớn. Chức năng tiêu hóa còn yếu nên thức ăn tốt nhất của trẻ là sữa mẹ. Nhưng đến tháng thứ 4 sữa mẹ không đủ cung cấp nhu cầu năng lượng do đó cần cho trẻ ăn dặm thêm đúng cách. Hoạt động thần kinh cao cấp được hình thành, trẻ phát triển tâm thần, vận động nhanh, trẻ biết cười, biết nói giao tiếp với mọi người xung quanh và hiểu được nhiều. Trong thời kỳ não phát triển nhanh, vỏ não trưởng thành dần. Các Globulin miễn dịch mẹ cho qua nhau thai và cho qua sữa mẹ giúp trẻ tránh được các bệnh truyền nhiễm trước 6 tháng tuổi. Về tâm lý, quan hệ mẹ con hình thành và phát triển. Giao tiếp với người lớn là hoạt động chủ yếu và dần dần giao tiếp trở thành nhu cầu sống của trẻ. Khi vui, khi hờn giận, không vừa lòng, trẻ biết sử dụng gương mặt, mắt, tiếng cười, tiếng khóc để bày tỏ cho người khác biết và làm theo ý mình. Song song đó trẻ có nhu cầu giao tiếp với đồ vật xung quanh và nảy sinh khả năng bắt chước hành vi cũng như ngôn ngữ. Đây là điều kiện tiên quyết để trẻ lớn thành người. Một số mốc đánh giá sự phát triển: Từ 2 tháng trương lực cơ các chi giảm dần, cổ giữ vững, nằm sấp thỉnh thoảng tự ngóc đầu; biết dõi mắt nhìn theo người hoặc vật. Từ 3 tháng giảm dần phản xạ Moro, biết quay đầu lắng nghe biểu lộ tình cảm. Từ 4 tháng biết lật, cười ra tiếng, biết la khóc vì sợ hãi, biết biểu lộ thích thú. Từ 6 tháng, biết trườn, cổ giữ thẳng được đầu, chuyển vật từ tay này qua tay kia cầm, đưa vật vào miệng, nhặt đồ chơi bằng 5 ngón tay, biết nhận người lạ, và trốn các mối đe dọa. Từ 9 tháng, tự ngồi vững, nhặt vật nhỏ bằng 2 ngón tay, phát âm và hiểu được từng tiếng, thích trò chơi âm thanh và hình ảnh. Từ 12 tháng, bước đi, tự đứng dậy một mình, chơi được trò chơi đơn giản, nói câu 2 -3 từ, biết lời khen và cấm đoán. 12 tháng-15 tháng, trẻ bắt đầu đi chập chững, rồi đi được một mình do tiểu não dần dần hoàn thiện chức năng. Trẻ biết tranh giành đồ chơi, nghe và làm theo các chỉ dẫn hoặc động tác đơn giản, trẻ tò mò nhưng hoàn toàn chưa biết các mối nguy hiểm, trẻ dễ bị tai nạn. 18 tháng, trẻ chạy vững, bò được lên cầu thang, tiêu tiểu biết gọi, tự múc thức ăn nhưng không khéo. 21 tháng, trẻ biết vịn lên cầu thang, nói vài câu dài, biết rửa tay... 24 tháng trẻ bước xuống cầu thang được, nói được nhiều hơn, biết hát tự mặc đồ... Đặc điểm bệnh lýTrong 2-3 tháng đầu, đặc điểm bệnh có thể giống với thời kỳ sơ sinh. Do chức năng tiêu hóa còn yếu, nhu cầu dinh dưỡng cao, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, còi xương, suy dinh dưỡng… Hệ thần kinh chưa được myeline hoá đầy đủ do quá trình ức chế và hưng phấn có xu hướng lan tỏa, nên các yếu tố gây bệnh dễ có phản ứng toàn thân như: sốt cao co giật, phản ứng não màng não. Trẻ trên 6 tháng hệ thống miễn dịch chủ động yếu, miễn dịch thụ động giảm dần nên trẻ dễ mắc bệnh: sởi, ho gà, thủy đậu, bạch hầu. Phòng ngừaGiáo dục khuyến khích và hướng dẫn bà mẹ cho con bú sữa mẹ ngay sau khi sinh cho đến 12 tháng. Hướng dẫn chế độ ăn dặm đúng cách, đủ chất phối hợp với cho bú sữa mẹ. Theo dõi trẻ định kỳ, chích ngừa đầy đủ tại cơ sở y tế. Thời kỳ trẻ nhỏBắt đầu từ 2 đến 12 tuổi. Để tiện việc nuôi dưỡng và giáo dục, thời kỳ này được chia ra làm 2 lứa tuổi: Tuổi tiền học đường: từ 2 đến 6 tuổi. Tuổi học đường: 6 đến 12 tuổi. Đặc điểm sinh lýVề tâm thần: nhận thức bắt đầu phong phú và hình tượng hóa. Ở tuổi tiền học đường, trẻ tập kiểm soát tiêu tiểu, trẻ tự kiềm chế, kiểm soát bản thân, nhận biết sơ khởi luật lệ xã hội và tự tin. Khả năng ngôn ngữ phát triển mạnh. Trẻ tập giao tiếp với người lớn và hiểu được một số khái niệm trừu tượng. Đến tuổi mẫu giáo, trò chơi là hoạt động chủ yếu của trẻ hình thành trí tưởng tượng, nhân cách và tư duy cho trẻ. Hệ thống thần kinh trung ương phát triển mạnh, nhất là lời nói, biết tập vẽ, tập viết tiếp thu được sự giáo dục và trẻ bắt đầu đi học lúc 6 tuổi. Tròn 6 tuổi, não được 1300g, đạt kích thước như người lớn. Sự biệt hóa và tăng trưởng não bộ đã hoàn thành. Đặc điểm bệnh lýTrẻ dễ mắc các bệnh mũi họng, viêm amiđan, sốt do siêu vi, viêm hô hấp trên cấp và các tai nạn là những bệnh thường gặp. Các bệnh học đường hay xuất hiện như vẹo cột sống, tật khúc xạ... Phòng ngừaGiáo dục và khuyến khích dùng muối Iod trong khẩu phần ăn hằng ngày. Cần tiếp tục chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể. Hướng dẫn ba mẹ về nguy cơ tai nạn ở trẻ trong độ tuổi hiếu động. Khám răng định kỳ cho các cháu theo chương trình nha học đường. Tiêm chủng đầy đủ. Cung cấp đủ cho nhà trường, cộng đồng: nước sạch, cầu tiêu hợp vệ sinh, xà bông rửa tay, bàn ghế đúng tiêu chuẩn cho trẻ và đủ ánh sáng, môi trường học tập và vui chơi an toàn, không có nguy cơ tai nạn. Đưa vào chương trình giáo dục sức khoẻ: bệnh vẹo cột sống, các bệnh lây... Thời kỳ dậy thì - thiếu niên (trẻ trai: 13 – 16 tuổi; trẻ gái: 11 – 13 tuổi)Đặc điểm sinh lýĐây là giai đoạn quan trọng về mặt tăng trưởng sinh học đặc trưng bởi sự phát triển thể chất rất nhanh về cân nặng và chiều cao, phát triển bộ phận sinh dục. Trẻ bắt đầu chuẩn bị vào thời kỳ người lớn. Đa số trẻ gái và một số trẻ trai dậy thì lúc 10 tuổi, sớm hơn so với quan niệm trước đây của xã hội về thời kỳ dậy thì. Hoạt động nội tiết, sinh dục chiếm ưu thế. Các cơ quan sinh dục bắt đầu hoạt động và cung cấp nội tiết tố sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn). Dưới tác động của nội tiết sinh dục, cơ thể phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát: bộ phận sinh dục ngoài, lông vệ, tuyến vú... Ở nữ bắt đầu có dịch âm đạo, tử cung to ra gấp 5 lần, buồng trứng to gấp đôi, có kinh hàng tháng, lúc đầu không đều, số lượng ít, có thể kèm theo đau bụng, sau 1 vài năm dần dần ổn định. Ở nam dương vật và bìu dài ra, thâm đen, phủ đầy lông lúc đầu tại chỗ, sau 1-2 năm lan lên cả phần dưới bụng, tinh dịch xuất hiện, có khi xuất hiện nhiều trong đêm làm cho trẻ lo ngại. Cùng với thay đổi về sinh dục, trẻ có thay đổi giọng nói và mọc râu. Các tuyến nội tiết tăng hoạt động làm trẻ tăng trưởng rất nhanh, trẻ tăng chiều cao, tăng khối lượng cơ, xương. Tim tăng gấp đôi khối lượng; dung tích sống tăng gấp đôi...để cuối cùng trẻ đạt kích thước như người lớn. Cân nặng phụ thuộc vào chế độ ăn, chế độ sinh hoạt (lao động, thể thao..). Lớp mỡ dưới da, các bắp thịt, khối lượng máu, các phủ tạng (tim, phổi thận) cũng phát triển mạnh làm cho trẻ có dáng hình biến đổi: vai rộng, ngực nở ở nam, vú và mông to ở nữ. Đặc điểm bệnh lýLà lứa tuổi có nguy cơ cao đối với một số vấn đề xã hội như: thai hoang, tự tử, nghiện hút, bệnh lây qua đường tình dục và tai nạn. Tâm lýCó nhiều xáo trộn trẻ luôn trong tâm trạng lo âu, sợ hãi về các biến đổi về hình dáng, cơ quan sinh dục và để đối phó, trẻ có thể nhịn ăn, giảm bớt giờ ngủ (sợ mập), băng chặt 2 vú ở nữ, cạo râu ở nam. Có nhu cầu được khám sức khoẻ, vì những lần đau bụng khi có kinh ở trẻ gái hoặc xuất tinh về đêm ở trẻ trai. Phòng ngừaCần tăng cường giáo dục và tuyên truyền cho các bậc cha mẹ về đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này. Tạo không khí tin tưởng và an tâm trong gia đình, cha mẹ thực sự là người bạn già cho con cái để hướng dẫn và giải quyết thất bại, nghịch cảnh cho các em. Giáo dục giới tính, các biện pháp tránh thai. KẾT LUẬNSự thay đổi và phát triển ở các thời kỳ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, gia đình, xã hội và cách nuôi dưỡng. Vì vậy các thời kỳ của tuổi trẻ không cố định, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với quy định. Việc theo dõi thường xuyên, đánh giá các chỉ số trên so sánh với kết quả đo trước đó giúp chúng ta có nhận định đúng hơn.
|