Việc khai thác bệnh sử nên tập trung vào các đặc điểm sau:
• Vị trí của cơn đau (diện phân bố của đau khu trú – lan tỏa, tại chổ - qui chiếu, theo khoang tủy – dây thần kinh – theo cơ – theo cấu trúc giải phẫu tại chổ).
• Cơ chế chấn thương (khi cơn đau xuất hiện lần đầu tiên thì bệnh nhân đang làm gì, đánh giá xem có mối tương quan giữa biến cố đau và cơ chế cơ học gây bệnh).
• Đặc tính của cơn đau (đau dạng căng cơ – dạng viêm – dạng cơ học, đau nông – sâu, liên đới đến các hoạt động nào, yếu tố tăng nặng – giảm nhẹ)
• Thời gian xuất hiện của triệu chứng đau lưng hay còn gọi là diễn tiến của bệnh (cấp tính < 6 tuần, hoặc mãn tính > 6 tuần).
• Triệu chứng ảnh hưởng đến thần kinh liên quan (trong hội chứng chùm đuôi ngựa thể hiện thông qua tình trạng dị cảm, mất chức năng của trực tràng – hậu môn hoặc bàng quang; yếu chi; mất cảm giác vùng quanh hậu môn, hội âm; trong chèn ép dây thần kinh sẽ có dấu đau theo dây thần kinh, rối loạn dị cảm vùng da được chi phối); các dấu hiệu thần kinh cần được xem là dấu cảnh báo, có thể gợi ý cần phải gửi khám chuyên khoa thần kinh.
• Sốt, sụt cân, đau về đêm có thể là biểu hiện ban đầu của nguyên nhân bệnh nặng như ung thư tiềm ẩn .
• Tiền căn về mặt xã hội nên được khai thác, bao gồm thông tin về việc sử dụng hoặc lạm dụng thuốc, tiêm chích ma tuý, sử dụng thuốc lá...Tiền căn mắc các bệnh trước đây và phẫu thuật cũng cần được lưu ý, đặc biệt là tiền căn phẫu thuật cột sống hoặc suy giảm miễn dịch (tiền sử ung thư, sử dụng steroid, nhiễm HIV) .
Một bệnh sử toàn diện giúp các bác sĩ lâm sàng tìm kiếm “các dấu hiệu báo động”, là cơ sở để lọc ra trường hợp có thể có bệnh lý nghiêm trọng và cần có ý kiến đánh giá của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, cơ xương khớp.
|