Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Phác đồ TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ - TIỀN SẢN GIẬT – SẢN GIẬT

(Tham khảo chính: Phác đồ sản phụ khoa - PNT)

1.                GIỚI THIỆU

1.1.                     Tần suất:

Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ là một bệnh thường gặp, chiếm 12-22% trong các thai kỳ. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong do bệnh lý này chiếm 20 % trong các tử vong mẹ. Việt Nam tỷ lệ tử vong do bệnh lý này là 16,3% . Trong các loại tăng huyết áp liên quan thai kỳ, tiền sản giật (TSG) (đơn thuần hay ghép trên cao huyết áp mãn) là dạng nguy hiểm nhất. TSG chiếm 3,9 % trên tổng các thai kỳ. Dù đã được nghiên cứu rất nhiều nhưng thai kỳ tác động thế nào lên tình trạng cao huyết áp cho đến nay vẫn chưa được biết rõ.

Cơ chế gây tiền sản giật còn chưa rõ. Giả thuyết hiện nay cho rằng tiền sản giật do nhiều nguyên nhân phối hợp. Hậu quả cuối cùng của bệnh lý là co mạch dữ dội, tăng huyết áp, thoát dịch tại mao mạch và dẫn đến rối loạn đa cơ quan (não, gan, thận và hệ thống đông máu). Chúng có thể là (1) làm tổ bánh nhau với sự xâm nhập bất thường của các nguyên bào nuôi vào động mạch xoắn, (2) sự không tương hợp giữa mẹ, bố (bánh nhau) và mô thai, (3) cơ thể mẹ thích nghi kém với những thay đổi về tim mạch và đáp ứng viêm trong thai kỳ, (4) các yếu tố về di truyền.

Thai kỳ với tăng huyết áp là một nhóm lớn các bệnh lý với bệnh sinh không thuần nhất, đòi hỏi các kế hoạch quản lý khác nhau. Nhận diện, phân loại các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ là một bước quan trọng trước khi đề ra một phương thức quản lý thích hợp. Căn cứ trên đặc điểm sinh bệnh hoc, vào năm 2013, nhóm chuyên trách về tăng huyết áp thai kỳ thuộc Hiệp hội các nhà Sản Phụ khoa Hoa kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologist) (ACOG )  đề nghị phân các bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ ra 4 loại:

  1. Hội chứng tiền sản giật-sản giật
  2. Tăng huyết áp thai kỳ
  3. Tăng huyết áp mạn (do bất cứ nguyên nhân nào)
  4. Tiền sản giật ghép trên tăng huyết áp mạn.

1.2.                     Định nghĩa

Tiền sản giật là một hội chứng bao gồm tăng huyết áp có kèm đạm niệu xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

- Đạm niệu là một tiêu chuẩn quan trọng trong chẩn đoán tiền sản giật vì đây là dấu ấn chủ yếu phản ánh tình trạng tổn thương nội mô hệ thống - đặc trưng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, có khoảng 10% tăng huyết áp thai kỳ xuất hiện cơn co giật nhưng không có đạm niệu. Đồng thời, những bằng chứng gần đây cho thấy số lượng đạm niệu không có mối liên quan đến kết cục xấu của thai kỳ. Đây là cơ sở của thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật mới đề nghị bởi Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG).

Bên cạnh tiêu chuẩn này, Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng không nhất thiết phải có đạm niệu để chẩn đoán tiền sản giật.

- Khi đạm niệu âm tính, tiền sản giật được chẩn đoán dựa vào huyết áp và một trong những tổn thương đa cơ quan mới xuất hiện.

- Các cơ quan được đề cập đến gồm giảm tiểu cầu, suy thận, suy chức năng gan, phù phổi và triệu chứng thần kinh.

1.3.                     Các yếu tố nguy cơ:

  • Tiền sản giật thường gặp ở những bà mẹ mang thai dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, đặc biệt là ở con so.
  • Tiền sử gia đình có người bị tiền sản giật.
  • Về mùa rét, ẩm ướt hay gặp nhiều hơn mùa ấmnóng.
  • Những thai phụ có tiền sử bệnh thận hay cao huyết áp mạn tính.
  • Những thai kỳ trước đã bị tiền sản giật thai kỳ này dễ bị hơn.
  • Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm: béo phì, đa thai…

2.                CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng để đưa nhận định cụ thể của bệnh mà có thái độ xử trí phù hợp

Bảng 2 1 : Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm cho thai phụ

Xét nghiệm cho thai nhi

Huyết đồ bệnh lý

Siêu âm thai nhau ối

Tiểu cầu

Siêu âm Doppler Velometri

Chức năng động máu

Non Stress Test

Chức năng gan

BBP profile (khi cần thiết)

Creatinin huyết thanh

 

Acid uric

 

Nước tiểu 13 thông số

Đạm niệu 24 giờ

 

Soi đáy mắt, Điện tâm đồ

 

 

  • Tăng huyết áp mạn tính: sản phụ đã có bệnh lý huyết áp tăng trước khi mang thai, sau sanh huyết áp vẫn cao không trở về bình thường lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
  • Tăng huyết áp thai kỳ: trước khi mang thai huyết áp bình thường, huyết áp chỉ tăng trong thai kỳ lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg, huyết áp thường sẽ trở về bình thường sau 12 tuần hậu sản.
  • Tiền sản giật trên thai phụ tăng huyết áp mạn tính: sản phụ đã có bệnh lý tăng huyết áp trước khi mang thai, trong thai kỳ này lại có thêmcác triệu chứng của tiền sản giật.
  • Tiền sản giật chia ra làm hai thể: thể không nặng và thể nặng. Khi chẩn đoán cần chẩn đoán thể bệnh để xử trí kịp thời.

Bảng 2 2 : Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật (ACOG)

 

Huyết áp

 

Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg qua 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ xuất hiện sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ ở phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó.

 Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg, tăng huyết áp có thể được xác định trong khoảng thời gian ngắn (vài phút) để thích hợp cho điều trị hạ áp cho bệnh nhân

Đạm niệu

 ≥ 300 mg trong 24 giờ (hoặc lượng đạm này được suy ra từ một khoảng thời gian thu thập nước tiểu tương ứng)

· Hoặc tỷ số Protein/creatinin ≥ 0.3.

· Dip-Stick ≥ 1+ (chỉ sử dụng khi các phương pháp định lượng khác không có sẵn).

 Hoặc trong trường hợp không có đạm niệu, tăng huyết áp mới xuất hiện kèm với 1 trong các dấu hiệu mới khởi phát sau

Giảm tiểu cầu

Tiểu cầu < 100.000 /µL.

Suy thận

 

Creatinin huyết thanh > 1,1 mg/dL hoặc gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh bình thường mà không có nguyên nhân do bệnh lý thận khác.

Suy tế bào gan

Men gan trong máu tăng gấp 2 lần bình thường.

Phù phổi

Các triệu chứng của não và thị giác.

 

  Tiền sản giật nặng: khi tiền sản giật có bất cứ dấu hiệu nào dưới đây

  • Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg qua 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ khi bệnh nhân đã nghỉ ngơi (trừ trường hợp thuốc hạ áp đã được sử dụng trước đó)
  • Giảm tiểu cầu: tiểu cầu <100.000/µL.
  • Suy giảm chức năng gan: men gan tăng (gấp đôi so với bình thường), đau nhiều ở hạ sườn phải hoặc đau thượng vị không đáp ứng với thuốc và không có nguyên nhân khác.
  • Suy thận tiến triển (creatinin huyết thanh > 1,1 mg/dL hoặc gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh bình thường mà không do bệnh lý thận khác)
  • Phù phổi.
  • Các triệu chứng của não và thị giác.

3.                ĐIỀU TRỊ

3.1.                     Tiền sản giật

  • Thuốc chống tăng huyết áp

Trong tiền sản giật, co mạch là cơ chế bệnh sinh chủ yếu. Vai trò của điều trị thuốc chống tăng huyết áp là đánh vào nền tảng của cơ chế bệnh sinh. Thuốc chống tăng huyết áp được chỉ định khi có tình trạng tăng huyết áp nặng.

  • Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg
  • hoặc Huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg

- Trong các trường hợp nặng, nên dùng thuốc chống tăng huyết áp liều tấn công dạng tiêm mạch chậm, sau đó chuyển dần sang đường uống.

- Trong các trường hợp nhẹ, bắt đầu với chỉ một loại thuốc, với liều thấp ban đầu và tăng liều dần. Nếu không đạt được hiệu quả mong muốn thì sẽ dùng hai nhóm thuốc.

Mục tiêu của điều trị thuốc chống tăng huyết áp là giữ ổn định huyết áp ở một mức độ hợp lý. Giữ cho huyết áp tâm trương của thai phụ ổn định ở 90-100 mmHg, và huyết áp tâm thu ổn định ở mức 140-150 mmHg.

Mục tiêu điều trị có 2 thành phần:

  1. Trị số huyết áp mục tiêu phải đạt
  2. Sự ổn định của huyết áp trong suốt quá trình điều trị

 

 

Bảng 3 1 : Các loại thuốc hạ áp trong tiền sản giật

Thuốc - Cơ chế tác dụng

Liều dùng

Ảnh hưởng

Alpha methyldopa

Ức chế thụ thể Alpha trung ương

 

Liều 500mg - 2000mg chia 2-3 lần

Cung lượng tim không thay đổi, lưu lượng máu tới thận không thay đổi

Sốt, mẹ lơ mơ, viêm gan, thiếu máu tán huyết

Hydralazin

Giãn mạch ngoại vi trực tiếp

10mg X 4 l/ngày trong 2-4 ngày đâu, nếu cần tăng 25mg X 4l/ngày, tối đa 300mg/ ngày

Cung lượng tim tăng, lưu lượng máu tới thận không thay đổi hoặc tăng, mẹ đỏ bừng, đau đầu, nhịp tim nhanh, hội chứng giống Lupus.

Propranolol

Ức chế thụ thể Beta

 

Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-120mg

Giảm cung lượng tim, giảm lưu lượng máu tới thận

Tăng cơn co tử cung, có thể làm giảm tưới máu nhau-thai

Suy hô hấp sơ sinh

Labetalol

Ức chế thụ thể Alpha, Beta

 

-  Liều khởi đầu 100mg x 2 lần/ ngày

- 3-4 ngày tăng liều mỗi lần 100mg để đạt HA mục tiêu

Cung lượng tim không thay đổi, lưu lượng máu tới thận không thay đổi

Mẹ run cơ, đỏ bừng, đau đầu. Chống chỉ định ở thai phụ có hen suyễn và suy tim

Suy hô hấp sơ sinh

Nifedipine-

Nicardipine

Ức chế kênh calcium

 

Nifedipine 20mg uống 2-3  lần/ngày

1 ống Nicardipine 10mg/10ml pha với 30 ml Glucose 5%

BTĐ 10ml/giờ, chỉnh liều mỗi lần 5ml /10 p

Cung lượng tim không đổi, lưu lượng máu tới thận không thay đổi, hạ huyết áp tư thế ở mẹ, đau đầu, tim nhanh, mạch nhanh

Tác dụng ở sơ sinh chưa được ghi nhận đầy đủ.

 

  • Phòng ngừa co giật.

MgSO4 được dùng để phòng ngừa co giật. Chỉ dùng MgSO4 cho tiền sản giật có biệu hiện nặng hoặc sản giật.

- Cơ chế tác dụng của MgSO4 là kích hoạt giãn mạch máu não, làm giảm thiếu máu cục bộ bởi sự co thắt mạch máu não trong cơn sản giật. Ion Mg++ trong MgSO4 cạnh tranh với ion Ca++, do đó ngăn cản co giật xuất hiện.

- MgSO4 làm cho co giật không thể xảy ra chứ không điều trị bệnh sinh của tiền sản giật.

Liều dùng :

Tấn công : 2-4 gram tiêm mạch chậm ( thường dùng 3 gram)

Duy trì: 1-2 gram/ giờ truyền tĩnh mạch ( thường dùng 1 gram)

Theo dõi: huyết áp , nhịp thở, nước tiểu, phản xạ gân xương

Thời gian điều trị đến sau khi sinh 24 – 48 giờ

- Các thuốc chống co giật như diazepam hay pheyltoin là những thuốc chống co giật tác động trên hệ thần kinh trung ương. Khi được dùng trong tiền sản giật, chúng có hiệu quả kém, do sản giật là một bệnh lý mà cơ chế sinh co giật hoàn toàn khác với động kinh. Hơn nữa, chúng có thể có ảnh hưởng xấu trên thai nhi.

- MgSO4 ngăn cản co giật hiệu quả, đồng thời không gây nguy hiểm cho thai nhi. MgSO4 dễ dàng qua nhau thai và nồng độ trong thai nhi tương tự như ở mẹ. Trẻ sơ sinh thường thải trừ hoàn toàn MgSO4 trong vòng 36-48 giờ sau sanh và hầu như không có tác dụng phụ bất lợi cho thai nhi.

Tác dụng phụ quan trọng nhất của MgSO4 là ngộ độc MgSO4.

- Các dấu hiệu của ngộ độc MgSO4 xuất hiện tuần tự theo nồng độ tăng dần của MgSO4, được trình bày trong bảng dưới.

- Như vậy, để đạt được hiệu quả điều trị, nồng độ Mg++ phải ở trong khoảng 4-7 mEq/L. Vì MgSO4 chỉ bài tiết qua thận nên phải duy trì lượng nước tiểu thải ra > 25 mL/giờ hoặc 100 mL trong 4 giờ để tránh tích tụ thuốc. Ở những thai phụ bị tiền sản giật nặng mà nước tiểu dưới 30 mL mỗi giờ thì cần ngưng dùng khi cung lượng nước tiểu ở dưới ngưỡng này.

- Khi nồng độ Mg++ bắt đầu vượt ngưỡng điều trị, dấu hiệu mất phản xạ gân xương bánh chè sẽ là dấu hiệu sớm nhất.

- Vì thế, cần theo dõi phản xạ gân xương bánh chè như một chỉ báo là nồng độ Mg++ đã vượt ngưỡng điều trị và cần phải ngưng ngay việc dùng thêm MgSO4.

- Sau phản xạ bánh chè là hô hấp. Khi có giảm tần số hô hấp dưới 12 lần / phút phải xem là có ngộ độc MgSO4.

- Luôn phải chuẩn bị chất giải độc MgSO4 là calcium gluconate. Khi có ngộ độc MgSO4, calcium gluconate được dùng với liều 10mL calcium gluconate 10% tiêm mạch trong thời gian không dưới 10 phút và đặt nội khí quản nếu bệnh nhân ngưng thở.

Tất cả các trường hợp TSG nặng có chỉ định nhập viện đều phải cấp cứu ban đầu và chuyển tuyến chuyên khoa sản.

Quyết định chấm dứt thai kỳ hoặc kéo dài thai kỳ tùy thuộc vào từng trường hợp riêng biệt, dựa trên sự xem xét các vấn đề sau:

  • Tình trạng của mẹ tại thời điểm đánh giá

Đánh giá tình trạng mẹ và thai phải dựa trên nhiều yếu tố

Để đánh giá tình trạng mẹ, cần khảo sát các dấu hiệu nặng và dấu hiệu dự báo tiên lượng xấu.

Tình trạng tăng huyết áp, các dấu hiệu lâm sàng của xuất huyết, phù phổi, phù não, thiểu hay vô niệu là các dấu chỉ lâm sàng quan trọng. Công thức huyết cầu, trong đó quan trọng là số lượng tiểu cầu, dung tích hồng cầu, động máu, chức năng gan gồm cả bilirubin và men gan, chức năng thận gồm urea và creatinin huyết thanh, acid uric, và lượng protein niệu trong 24 giờ.

Các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng này cho phép nhận diện một tình trạng tiền sản giật có hay không kèm theo tổn thương nội mô, nói cách khác giúp nhận diện một tiền sản giật có dấu hiệu nặng.

  • Tình trạng của thai tại thời điểm đánh giá

Để đánh giá tình trạng thai, cần khảo sát các yếu tố giúp đánh giá mức độ đe dọa và khả năng thích ứng với môi trường mới.

Kiểm định tuổi thai bằng các dữ kiện đã có từ trước, đánh giá tăng trưởng bào thai tìm dấu chứng của IUGR (siêu âm sinh trắc).

Các dấu hiệu của suy thoái trao đổi tử cung nhau thông qua lượng giá sức khỏe thai như non-stress test và AFI (BPP), BPP biến đổi, velocimetry Doppler sẽ cung cấp các chỉ báo quan trọng về tình trạng thai, quan trọng nhất là so sánh việc kéo dài cuộc sống trong tử cung và khả năng thích ứng của thai với môi trường ngoài tử cung.

4.    THEO DÕI VÀ TIÊN LƯỢNG:

4.1.           Theo dõi:

Chỉ theo dõi ngoại trú trong trường hợp tăng huyết áp hoặc tiền sản giật không có biểu hiện nặng và thai chưa đủ tháng (dưới 37 tuần).

  1. Trước tiên xác nhận rằng không có biểu hiện lâm sàng chỉ điểm một tình trạng nặng:
  • Huyết áp dưới 160/110 mmHg
  • Tiểu cầu > 100000 / mm3
  • Men gan bình thường
  1. Không có biểu hiện lâm sàng chỉ điểm của IUGR hay suy giảm trao đổi tử cung nhau và kết quả test lượng giá sức khỏe thai bình thường
  2. Không dấu hiệu của các tình huống khẩn cấp
  • Chuyển dạ
  • Cấp cứu sản khoa
  1. Khi đã xác nhận tất cả các yếu tố trên, có thể theo dõi ngoại trú. Tần suất khám 2 lần một tuần. Nội dung của theo dõi ngoại trú:
  2. Về phía mẹ: theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân phát hiện dấu hiệu nặng.
  3. Về phía con: lượng giá sức khỏe thai bằng BPP biến đổi như một test tầm soát.

- Về phía mẹ gồm nghỉ ngơi nhiều, chế độ ăn giàu đạm, rau cải, theo dõi huyết áp tại nhà với nhật ký ghi lại diễn biến huyết áp 2 lần mỗi ngày hay gần hơn. Không được dùng thuốc lợi tiểu, an thần. Không có chỉ định dùng thuốc chống tăng huyết áp cho tiền sản giật không có dấu hiệu nặng. Hướng dẫn bệnh nhân phát hiện dấu hiệu nặng.

- Về phía con cũng là một theo dõi tăng cường, hướng dẫn đếm cử động thai hàng ngày, lượng giá sức khỏe thai bằng BPP biến đổi như một test tầm soát. Non-stress test được thực hiện 2 lần mỗi tuần. Siêu âm sinh trắc và đo chỉ số ối (AFI) 3 tuần một lần, ngoại trừ khi cần theo dõi gần hơn.

Trong quá trình điều trị ngoại trú, nếu phát hiện dấu hiệu nặng của tiền sản giật nặng, bệnh nhận phải được thay đổi chẩn đoán thành tiền sản giật có biểu hiện nặng và phải được nhập viện ngay.

Tiền sản giật có biểu hiện nặng sanh là biện pháp duy nhất giải quyết triệt để tình trạng tiền sản giật có biểu hiện nặng và sản giật. Tuy nhiên, chỉ định chấm dứt thai kỳ để điều trị tiền sản giật phải đối mặt với tình trạng con. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định can thiệp trong trường hợp có biểu hiện nặng bao gồm:

  1. Tuổi thai là: rất non (cực non - dưới 23 tuần, không có khả năng sống), non (từ 24 đến 34 tuần có khả năng sống nhưng cần một vài sự chuẩn bị trước sanh), gần trưởng thành (từ 34 đến 37 tuần, có khả năng sống cao), hay đã trưởng thành (> 37 tuần).
  2. Tình trạng thai là có thể kéo dài thêm đời sống trong tử cung để chờ sự chuẩn bị, hay không thể kéo dài thêm nữa.
  3. Tình trạng nặng của tiền sản giật với biểu hiện rất nặng không thể kéo dài thêm như triệu chứng thần kinh, suy thận, nhau bong non, phù phổi, sản giật, hội chứng HELLP, DIC… hay có thể cho phép kéo dài thêm để thực hiện chuẩn bị cho thai.

4.2.           Tiên lượng

  • Với thai phụ:

- Nếu huyết áp, protein trong nước tiểu tăng, lượng nướ tiểu giảm là bệnh càng nặng, có thể xảy ra biến chứng sản giật rồi dẫn đến tử vong, do đó phải đình chỉ thai nghén để cứu mẹ.

- Nếu thai phụ được chăm sóc tốt, các triệu chứng trên không tăng hay có xu hướng giảm, là có đáp ứng với điều trị và điều dưỡng tốt, có thể duy trì chăm sóc thai nghén tới đủ tháng.

  • Với thai nhi:

- Nếu các dấu hiệu lâm sàng của mẹ không thuyên giảm, đặc biệt huyết áp tối thiểu tăng từ 110 mmHg trở lên thì thai đang có nguy cơ và trên 120 mmHg là thai có thể chết trong tử cung.

- Nếu tình trạng bệnh của mẹ ổn định, thai có thể vẫn phát triển, nhưng thường là bị suy dinh dưỡng trong tử cung hay chậm phát triển.

- Nếu bệnh xuất hiện càng muộn thì thai vẫn có thể phát triển bình thường.

5.                BIẾN CHỨNG

5.1.           Sản giật

 Sản giật: là biến chứng nặng của tiền sản giật. chiếm khoảng 67.2% nguyên nhân sản khoa gây suy thận cấp đòi hỏi lọc thận.

-    Lâm sàng: mỗi cơn giật trải qua 4 giai đoạn

  • Giai đoạn xâm nhiễm: co giật ở miệng, mặt, kéo dài vài giây.
  • Giai đoạn co cứng toàn thân: kéo dài 15 – 20 giây.
  • Giai đoạn co giật tay chân và toàn thân: co giật từng cơn, mặt tím do ngưng thở, miệng sùi bọt mép lẫn máu, hàm dưới đóng mở từng hồi, kéo dài khoảng một phút.
  • Giai đoạn hôn mê: các cử động co giật nhẹ và thưa dần rồi ngưng. Bệnh nhân rơi vào hôn mê, thở lại, nhịp thở nhanh đều. Giai đoạn này có thể ngắn hay dài nhưng khi tỉnh lại, bệnh nhân hoàn toàn không nhớ gì trước khi co giật cả.

-    Trong và sau cơn giật, bệnh nhân có tình trạng toan huyết, các rối loạn chức năng nặng thêm. Các biến chứng nặng thường xảy ra, dễ gây tử vong.

Xử trí :

Giữ bệnh nhân tại nơi yên tĩnh, tránh kích thích, không ăn uống, đặt cây ngáng lưỡi lúc đang co giật, nằm nghiêng lúc hôn mê.

Cắt cơn co giật bằng thuốc Magnesium Sulfat và dự phòng giật tái phát.

Tấn công : 2-4 gram tiêm mạch chậm

Duy trì: 2 gram/ giờ truyền tĩnh mạch

Giới hạn dịch truyền để tranh phù phổi cấp

Theo dõi: tim thai, huyết áp , nhịp thở, nước tiểu, phản xạ gân xương

Chuyển tuyến trên để có kế hoạch chấm dứt thai kỳ sớm.

5.2.           Phù phổi cấp

Phù phổi cấp có thể xuất hiện ở bệnh nhân tiền sản giật do sự kết hợp của giảm áp lực keo và tăng áp tuần hoàn phổi.

- Tiền sản giật với huyết áp rất cao có thể dẫn đến tăng tải thất trái, với hệ quả là suy chức năng thất trái với ứ trệ tiểu tuần hoàn. Tuần hoàn phổi ứ trệ sẽ sẵn sàng cho tình trạng thoát dịch vào phế nang một khi có quá tải tuần hoàn, hệ quả của điều trị gây quá tải dịch truyền. Phù phổi cấp có thể phát khởi tự nhiên hay sau một thao tác điều trị gây quá tải tuần hoàn.

- Một vấn đề khác có thể phát khởi phù phổi cấp là các tổn thương của viêm phổi hít sau sản giật (viêm phổi hít hay hội chứng Meldenson).

Xử trí:

  • Hạ áp
  • Ngừa co giật
  • Lợi tiểu
  • Chuyển tuyến

5.3.           Hội chứng HELLP

- Hội chứng HELLP là một biến chứng nặng của tiền sản giật và sản giật, thể hiện mọi đặc điểm của tổn thương nội mô đa cơ quan.

Hội chứng HELLP đặc trưng bởi

  1. Tán huyết (Hemolysis)
  2. Tăng men gan (Elevated Liver Enzyme)
  3. Giảm tiểu cầu (Low Platelet Count)

- Triệu chứng đau thượng vị, đau hạ sườn phải là các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương chủ mô gan.

- Huyết đồ với giảm mạnh của tiểu cầu < 100.000 /µL gây ra chảy máu niêm mạc, các chấm xuất huyết dưới da, vết bầm, chảy máu.

- Cận lâm sàng: LDH > 600 IU/L, Bilirubin toàn phần tăng > 1.2 mg%, AST > 70 IU/L, giảm haptoglobin.

- Bệnh cảnh của hội chứng HELLP thường rất nặng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Không những nặng, chẩn đoán phải thực hiện trong bối cảnh tổ thương đa cơ quan nên thường rất khó phân biệt với nhiều bệnh lý khác.

Xử trí:

  • Hạ áp
  • Ngừa co giật
  • Chuyển tuyến

5.4.           Biến chứng trên thai liên quan đến thai

  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung là hệ quả của bất thường trao đổi qua nhau

- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung là một biến chứng thường gặp, khoảng 56%. Tại các vi nhung mao và hồ máu của thai phụ với tiền sản giật, hiện tượng thoát quản, tổn thương thành mạch dẫn đến các lắng đọng của fibrin, kết tập huyết cầu và các thành phần hữu hình quanh các đơn vị này. - Các lắng đọng này có thể làm hẹp hay nghẽn mạch, hoại tử dẫn đến suy giảm trao đổi qua nhau, từ đó gây thiếu oxy trường diễn dẫn đến thai thai chậm tăng trưởng hay chết trong tử cung.

  • Sanh non là hệ quả của động thái điều trị chấm dứt thai kỳ

- Do tiền sản giật là một lý được khởi phát từ nhau. Việc chấm dứt thai kỳ là biện pháp điều trị triệt để nhất trong các trường hợp nặng.

- Chậm tăng trưởng trong tử cung nặng có thể là lý do dẫn đến quyết định chấm dứt thai kỳ khi thai còn non tháng.

- Thai kỳ cũng có thể dẫn đến sanh non tự nhiên như trong trường hợp của nhau bong non. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số sanh non trong tiền sản giật là hệ quả của can thiệp điều trị chấm dứt thai kỳ. Tỷ lệ sinh non trong tiền sản giật rất cao, từ 30-40%.

- Sanh non là một gánh nặng trong chăm sóc thai kỳ với tiền sản giật. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng, nhưng những đứa trẻ sinh ra quá non và cân nặng thấp có thể có chậm phát triển thể lực và trí tuệ.

  • Tử vong chu sinh tăng rất cao do sinh non, ngạt và suy dinh dưỡng bào thai.

Tỷ lệ tử vong chu sinh trong tiền sản giật cao gấp 8 lần dân số bình thường. Tử vong chu sinh gia tăng trong trường hợp sinh non, ngạt và suy dinh dưỡng bào thai.

Tiền sản giật có dấu hiệu nặng chuyển tuyến trên theo dõi và điều trị.

  • QUY TRÌNH KHÁM THAI
  • PHÁC ĐỒ ĐẶT VÀ THÁO DỤNG CỤ TỬ CUNG
  • VIÊM ÂM ĐẠO DO VI KHUẨN
  • VIÊM ÂM ĐẠO DO NẤM
  • CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
  • CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RONG KINH RONG HUYẾT
  • Phác đồ TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ - TIỀN SẢN GIẬT – SẢN GIẬT
  • Phác đồ KHÁM PHỤ KHOA
  • TƯ VẤN KHHGĐ CÁC PHƯƠNG PHÁP TRÁNH THAI
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Xét nghiệm khẳng định Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm sàng lọc giang mai dương tính

    2834/BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Bút tiêm insuline

    Nguyễn Thị Thu Thảo.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHUNG

    2122/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    người bệnh giả lập
    hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ
    Quản lý thông tin tài khoản
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space