1. Khám ban đầu
- Đường thở thông thoáng?
- Thở bình thường không?
- Tuần hoàn: mạch, nhịp tim đều hay không?
- Kiểm tra da: vết bỏng, cháy, chú ý đám chợt da, khu vực da quanh khớp, quanh miệng (đặc biệt ở trẻ em).
- Chức năng thần kinh: Ý thức thế nào? Đồng tử còn phản xạ ánh sáng không?
- Khám mắt: Bị mù không? Có thể khám đáy mắt.
- Khám tai mũi họng: kiểm tra sơ bộ sức nghe, màng nhĩ.
- Khám hệ cơ xương: gãy xương, hội chứng khoang, khám kỹ chấn thương cột sống.
2. Xử trí
2.1. Xử trí tại chỗ
- Nhanh chóng ngắt nguồn điện khỏi nạn nhân, đánh giá ngay xem người bệnh có ngừng tuần hoàn không: mất ý thức, ngừng thở hoặc thở ngáp, mất mạch cảnh. Nếu có ngừng tuần hoàn phải nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi: đặt nạn nhân lên một nền cứng, tiến hành ngay Ép tim ngoài lồng ngực (C) – Làm thông thoáng đường thở (A) – Thổi ngạt (B).
- Kỹ thuật hồi sinh tim phổi chất lượng cao như sau: đặt cườm tay lên giữa ngực ép
mạnh xuống lún ½ độ dày thành ngực, với tốc độ nhanh 120 lần/phút, cuối thì ép phải nâng tay để tránh tì vào thành ngực làm ngực không nở ra được. Cứ sau 30 lần ép tim như thế, thổi ngạt 2 lần. Thổi ngạt bằng cách hít một hơi thật sâu rồi ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại lần thứ 2.
- Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất. Phải làm liên tục cho đến khi có
đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ.
- Tập trung cấp cứu nạn nhân liên tục, kiên trì hàng giờ. Chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại, khi tuần hoàn được tái lập. Vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Kể cả người đã tự thở vẫn có nguy cơ suy hô hấp sau đó do nước đã vào phổi, nên vẫn phải vận chuyển vào bệnh viện.
- Người bệnh không ngừng tuần hoàn nhưng thở yếu cần phải thổi ngạt, bóp bóng hoặc hỗ trợ hô hấp thông qua mask thanh quản, hoặc ống nội khí quản.
- Đánh giá và xử trí người bệnh hôn mê, có thể do khói ngạt, bỏng đường thở, cố định cột sống cổ,….
- Cố định gãy xương, cầm máu vết thương hở.
- Cho uống nước nếu người bệnh tỉnh táo, đặt đường truyền dịch trên đường vận chuyển.
- Monitor theo dõi điện tim liên tục trong suốt quá trình cấp cứu và vận chuyển dù
người bệnh không có ngừng tuần hoàn.
2.2 Tại cơ sở y tế
- Tiếp tục hồi sức huyết động: cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, thuốc nâng huyết áp, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
- Đặt nội khí quản khi:
+ Rối loạn ý thức, không có khả năng bảo vệ đường thở, và/hoặc
+ Không thể duy trì PaO2 > 60 mmHg hoặc SpO2> 90% bằng oxy mask dòng cao và/hoặc
+ PaCO2 > 50 mmHg.
- Có thể thở không xâm nhập CPAP hoặc BiPAP nếu đảm bảo được oxy, chống chỉ định cho bệnh nhân tụt huyết áp hoặc có các chỉ định đặt ống nội khí quản.
- Thở oxy dòng cao qua mask mũi miệng, có thể đặt nội khí quản khi có chỉ định.
- Truyền dịch theo yêu cầu, nên đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch theo CVP, và duy trì nước tiểu > 100 ml/h để phòng suy thận cấp liên quan đến tiêu cơ vân. Thận trọng khi bệnh nhân vô niệu, không nên truyền dịch có kali vì nguy cơ tăng kali máu.
- Điều trị các chấn thuơng kèm theo: cố định vết thương, cầm máu, phẫu thuật kết hợp xương, nối mạch máu.
- Nếu huyết động rối loạn có thể phải tìm chấn thương ngực, tim và mất máu do vỡ tạng đặc gây chảy máu trong ổ bụng.
- Sử dụng thuốc dự phòng loét dạ dày tá tràng đặc biệt ở bệnh nhân có bỏng hoặc bệnh nhân không ăn uống qua đường miệng.
- Các thăm dò và xét nghiệm cần làm: điện tim, CK máu (phát hiện tiêu cơ vân), điện giải máu (hạ natri máu có thể gặp sau điện giật do hội chứng mất natri do não,tăng kali máu), troponin (phát hiện nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim do điện giật), công thức máu, chức năng thận, X-quang phát hiện gãy xương, các thăm dò khác nếu có nghi ngờ tổn thương.
|