1. Các dạng tổn thương và cách sơ cứu
1.1. Chấn thương đụng giập mắt
- Dùng khăn mặt sạch quấn vài viên đá lạnh nhỏ để chườm lên mắt; vừa làm giảm
đau vừa gây co mạch tránh được sưng nề phần mềm quanh mắt.
- Không được ấn, dụi mắt hoặc dùng vật gì đè mạnh lên mắt.
- Có thể dùng paracetamol để giảm đau cho người bệnh.
1.2. Vết thương do bị cắt hoặc đâm bằng vật sắc vào mắt (có thể có dị vật nội nhãn)
- Tổn thương xuyên vào nhãn cầu thì không nên rửa mắt với nước hay cố lấy dị vật đã mắc kẹt trong mắt vì có thể làm nhiễm trùng nội nhãn. Cần chuyển tới cơ sở chuyên khoa mắt.
- Tránh dùng aspirin, ibuprofen hoặc thuốc chống viêm không steroid vì có thể làm tăng khả năng chảy máu. Không nhỏ thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là các thuốc mỡ lên mắt.
- Không được cố vành mi để khám nếu người bệnh không hợp tác hoặc mắt bị phù nề nhiều.
- Không băng ép mắt vì có thể làm tăng áp lực nội nhãn gây phòi tổ chức nội nhãn ra ngoài.
- Có thể dùng kháng sinh toàn thân đường uống (ví dụ Zinnat) trước khi chuyển
người bệnh.
- Chuyển người bệnh đến chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
1.3. Dị vật bề mặt
- Thường gặp là bụi, mùn cưa gỗ ...
- Không được dụi mắt do khi dụi, dị vật cọ vào giác mạc gây tổn thương giác mạc, thậm chí xuyên vào nhãn cầu tạo thành dị vật nội nhãn.
- Yêu cầu người bệnh chớp mắt liên tục cho đến khi trào nước mắt để đẩy dị vật ra.
- Rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
- Nếu còn dị vật thì cần đưa người bệnh đến chuyên khoa mắt để lấy dị vật, đặc biệt
trong trường hợp dị vật cắm vào giác mạc.
1.4. Bỏng mắt do hóa chất
- Rửa mắt với một số lượng lớn nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Có thể vừa rửa mắt vừa chuyển người bệnh tới chuyên khoa mắt.
- Trong trường hợp bỏng do vôi cần lấy tăm bông lấy hết vôi cục còn trước khi rửa mắt.
- Chuyển tới chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
1.5. Bỏng mắt do ánh sáng
- Thường gặp khi người bệnh đi dưới trời nắng to hoặc tiếp xúc với nguồn sáng mạnh như hồ quang khi hàn xì, đèn sân khấu có ánh sáng mạnh. Triệu chứng thường gặp là đau nhức mắt, chói mắt, không mở được mắt.
- Xử trí: dừng tiếp xúc với nguồn sánh mạnh, nằm trong phòng có ánh sáng vừa phải, tra thuốc tê bề mặt để làm giảm triệu chứng. Băng kín mắt bằng gạc sạch. Triệu chứng hết sau vài tiếng, thường dưới 24 giờ.
- Nếu người bệnh không hồi phục hoặc nguồn sáng có năng lượng mạnh (đèn laser, tia sáng mặt trời trong nhật thực) gây tổn thương thường nặng hơn, cần chuyển chuyên khoa mắt.
2. Khi nào cần chuyển tới bác sĩ chuyên khoa mắt
Cần chuyển tới bác sĩ chuyên khoa khi có các dấu hiệu sau:
- Vết thương vào nhãn cầu, dị vật nhãn cầu, tổn thương nghi ngờ đứt tuyến lệ (do cần phải đặt sonde silicon sau khi khâu ống tuyến, nếu tự ý khâu mà ko đặt sonde có thể tắc ống tuyến dẫn đến khô mắt về sau).
- Bỏng mắt do hóa chất.
- Mắt đau nhiều hoặc có ánh đỏ trong mắt (hay gặp trong xuất huyết tiền phòng).
- Dấu hiệu đeo kính râm (quầng đen quanh mắt).
- Buồn nôn hoặc đau đầu kèm theo đau mắt (dấu hiệu tăng nhãn áp hoặc đột quị đi
kèm).
- Có bất kì vấn đề nào về sức nhìn như nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực.
- Chảy máu không kiểm soát được.
- Biểu hiện nhiễm trùng mắt: người bệnh có sốt, thấy mủ ở trong tiền phòng. Nhiễm trùng nội nhãn là một nhiễm khuẩn rất nặng.
|