1. Nhận biết cơn động kinh
Trên lâm sàng thường gặp nhất là cơn động kinh co cứng co giật (động kinh cơn
lớn). Cơn động kinh co cứng co giật điển hình thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn co cứng (10-30 giây): co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, ở thân, ngực, hai tay co, hai chân duỗi. Bệnh nhân thường tím tái, ngừng thở, có thể cắn vào thành bên lưỡi.
- Giai đoạn co giật (khoảng một vài phút): giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, nhãn cầu đảo ngược, tăng tiết nước bọt, có thể lẫn máu do cắn vào lưỡi.
- Giai đoạn sau cơn: người bệnh mất ý thức, thở mạnh, có thể tiểu không tự chủ. Sau đó tỉnh lại dần, đau đầu, mỏi mệt, có thể nôn. Một số người bệnh lú lẫn sau cơn, không nhớ những gì vừa xẩy ra.
2. Xử trí ban đầu cơn động kinh
2.1. Những điều CẦN thực hiện khi có cơn động kinh
- Giữ bình tĩnh, yêu cầu người xung quanh đứng cách xa người bệnh.
- Đặt người bệnh nằm xuống mặt phẳng rộng, an toàn (nằm trên sàn nhà hoặc trên đệm, nếu nằm trên giường phải chú ý tránh ngã). Bỏ các vật sắc, nhọn, dây buộc ra xa tránh nguy hiểm cho bệnh nhân.
- Đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, dùng vật mềm kê dưới đầu để tránh tổn
thương đầu khi co giật.
- Lấy đờm, thức ăn trong miệng người bệnh ra (nếu có) đảm bảo đường thở thông thoáng, tránh bị sặc. Đặt canyl vào miệng người bệnh (nếu có).
- Nới lỏng quần áo, khăn, thắt lưng của người bệnh đề phòng bị thắt gây ngạt.
- Theo dõi tính chất của cơn co giật, tình trạng trong và sau cơn giật: vị trí khởi đầu cơn giật, cơn cục bộ hay toàn thể, co cứng hay co giật, nhãn cầu đảo ngược trong cơn, tăng tiết đờm, rãi, cắn vào lưỡi, tiểu không tự chủ, đau đầu sau cơn, nôn, lú lẫn, thời gianngười bệnh tỉnh lại, thời gian kéo dài cơn giật …
- Nếu có thể thì dùng điện thoại hoặc máy ảnh quay video toàn bộ cơn động kinh để
làm bằng chứng cho chẩn đoán loại cơn.
2.2. Những điều KHÔNG được làm khi có cơn động kinh
- Không cho bất kỳ vật gì vào miệng người bệnh. Không dùng vật cứng để ngang miệng vì có thể làm tổn thương niêm mạc, gãy răng, sứt lợi.
- Không cho người bệnh ăn và uống.
- Không ép tim và hô hấp nhân tạo.
- Không đè lên người hoặc giữ người bệnh để chống lại cơn giật.
- Không vã nước vào mặt người bệnh.
- Không chích máu ở tay người bệnh.
2.3. Những điều CẦN làm sau khi người bệnh hết cơn động kinh
- Khám phát hiện các tổn thươngcó thể có: gãy xương, trật khớp, rách da, vết cắn ở lưỡi, dấu hiệu liệt nửa người, chấn thương đầu.
- Phát hiện và theo dõi sát các trường hợp lú lẫn sau cơn.
- Theo dõi người bệnh đến khi tỉnh hoàn toàn.
- Nói lại cho người bệnh biết những điều vừa xảy ra.
- Liên lạc với gia đình hoặc người thân của người bệnh.
2.4. Khi nào cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở chuyên khoa
- Người bệnh bị thương trong cơn co giật: sơ cứu vết thương và theo dõi. Nếu vết
thương nặng, cần chuyển tuyến chuyên khoa.
- Người bệnh không tỉnh lại, đau đầu hoặc nôn nhiều: theo dõi sát, điều trị triệu chứng, giảm đau, chống nôn, chống phù não. Chuyển lên tuyến trên nếu tiến triển nặng dần.
- Có tình trạng lú lẫn sau cơn kéo dài.
- Cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc nhiều cơn tái diễn trong một thời gian ngắn: sử dụng thuốc cắt cơn co giật, thường dùng là Diazepam 10mg tiêm bắp. Nếu cơn vẫn kéo dài hoặc cơn xuất hiện liên tục, giữa các cơn bệnh nhân không tỉnh, cần phải nghĩ đến trạng thái động kinh và cần chuyển sang hồi sức tích cực.
- Sau cơn, khám phát hiện thấy các triệu chứng thần kinh khu trú, cần phải gửi người bệnh đến tuyến chuyên khoa sớm.
|