Điều trị táo bón bao gồm giáo dục bệnh nhân - thay đổi hành vi, chế độ ăn giàu chất xơ, sử dụng thuốc nhuận trường hay thụt tháo.
4.12.1. Giáo dục bệnh nhân - thay đổi hành vi:
Giáo dục bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu về tác dụng của chế độ ăn giàu chất xơ, bổ sung đủ nước và nhằm giúp bệnh nhân giảm hoặc tránh phụ thuộc vào thuốc nhuận trường.
Nhu động ruột thường hoạt động mạnh sau bữa ăn, việc tạo thói quen đi tiêu sau bữa ăn là việc nên làm. Nếu bỏ qua thói quen này, từ từ các dấu hiệu này sẽ giảm dần và không còn kích thích tạo cảm giác mắc cầu nữa. Có thể sử dụng thức uống có chứa cafein vào bữa sáng cũng có tác dụng kích thích cảm giác mắc cầu.
4.12.2. Chế độ ăn giàu chất xơ:
Lượng chất xơ cần cung cấp mỗi ngày từ 20g – 35g. Có rất nhiều loại trái cây và rau củ giúp cải thiện táo bón, điển hình là cam quýt, mận. Vai trò của chất xơ là để tạo khối phân. Do vậy việc tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn là khuyến khích đối với những trường hợp có táo bón nhưng không có nhiều phân (thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, ăn uống kém, giảm lượng thức ăn gây táo bón do không đủ chất tạo phân). Tuy nhiên, đối với các trường hợp táo bón kèm khối lượng phân nhiều, phân cứng, chúng ta không nên khuyến khích bổ sung chất xơ vì điều này làm tăng khối lượng phân, tăng áp lực cho việc đi cầu (ví dụ như có u bướu đại tràng, viêm hậu môn, nứt hậu môn)
Tác dụng phụ của chất xơ: tiêu thụ một lượng lớn chất xơ có thể gây đầy hơi làm tăng khó chịu hơn. Để hạn chế, có thể bổ sung chất xơ với lượng nhỏ tăng dần đến khi phân mềm và đi đại tiêu đều đặn hơn để hạn chế việc tồn lưu phân lâu trong đại tràng gây đầy hơi. Nếu sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, cần ưu tiên loại chất xơ không hòa tan, ít có tác dụng sinh hơi.
4.12.3. Thuốc nhuận trường:
Sử dụng sau khi đã áp dụng đúng 2 biện pháp trên nhưng vẫn còn táo bón. Thuốc nhuận trường được phân thành 3 nhóm chính:
4.12.3.1. Thuốc nhuận trường tạo khối:
Gồm chất xơ tự nhiên và tổng hợp, khi sử dụng nhớ uống nhiều nước.
• Psyllium (Konsyl; Metamucil; Perdiem)
• Methylcellulose (Citrucel)
• Calcium polycarbophil (FiberCon; Fiber-Lax; Mitrolan)
• Wheat dextrin (Benefiber)
4.12.3.2. Thuốc nhuận trường thẩm thấu:
Thuốc nhuận trường thẩm thấu là dạng không hấp thu ở ruột, làm gia tăng bài tiết nước từ ruột non, nhờ vậy làm tăng tần xuất đi tiêu. Tuy nhiên, cần chú ý khi sử dụng ở bệnh nhân suy thận hay suy tim vì có thể gây mất nước. Bao gồm:
• Polyethylene glycol – PEG (MiraLax, Glycolax): Thuốc này không gây đầy hơi.
• Lactulose, Sorbitol (Lactulose và sorbitol có thể gây tác dụng phụ đầy hơi.)
4.12.3.3. Thuốc nhuận trường kích thích:
Bao gồm senna (Black Draught, Ex-lax, Fletcher's, Castoria, Senokot) và bisacodyl (Correctol, Doxidan, Dulcolax). Thuốc có tác dụng làm tăng nhu động ruột non – ruột già. Các nhóm thuốc gây tăng nhu động ruột làm tăng tốc độ di chuyển của chất dinh dưỡng – chất phân trong đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu và tăng khối lượng phân và lượng nước trong phân. Thuốc bisarcodyl gây tăng nhu động đại tràng, không hấp thu vào máu, liều sử dụng có thể bắt đầu bằng 5mg một lần buổi tối sẽ giúp tạo cảm giác mắc cầu vào sáng ngày hôm sau (tùy chỉnh liều tùy theo bệnh nhân). Khi sử dụng nhuận trường kích thích với liều cao có thể gây tác dụng phụ giảm kali máu; tăng nhu động ruột gây cảm giác đau vùng bụng. Chúng ta cần nắm rõ các thông tin này để tư vấn cho người bệnh.
|