1. Chẩn đoán
1.1. Rắn hổ cắn
- Tại chỗ:
+ Phù nề thường do rắn hổ chúa, rắn hổ mang.
+ Rắn hổ cắn thường gây hoại tử.
+ Rắn cạp nong, cạp nia: dấu hiệu tại chỗ cắn nhỏ như kim châm cách nhau 0,5 –
1cm.
- Toàn thân:
+ Sụp mi, giãn đồng tử, đau họng, khó thở, liệt hô hấp, liệt tứ chi: rắn cạp nia, cạp nong, rắn hổ chúa.
+ Sưng nề, tiêu cơ vân, đái ít, suy thận do tiêu cơ vân: hổ mang, hổ chúa.
1.2. Rắn lục cắn
- Tại chỗ:
+ Chảy máu tại chỗ, khó cầm.
+ Sưng tấy nhanh, chi bị cắn sưng to, tím, có phỏng rộp trên da.
- Toàn thân:
+ Tình trạng sốc, chóng mặt, bệnh nhân lo lắng.
+ Chảy máu nhiều: tại vết cắn, nơi tiêm truyền, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, đái
ra máu, nặng nhất là chảy máu não.
+ Suy thận cấp do tiêu cơ vân.
1.3. Rắn biển cắn
- Tại chỗ: đau ít tại vết cắn.
- Toàn thân:
+ Đau cơ: đặc biệt là cơ cổ, cơ lớn, tăng khi cử động.
+ Sụp mi, giãn đồng tử.
+ Miệng: tê bị quanh miệng, lưỡi dầy khó cử động, nuốt khó.
+ Vã mồ hôi, khát nước, đái ít, vô niệu, khó thở.
2. Xử trí
2.1. Cấp cứu ban đầu
- Trấn an nạn nhân giữ bình tĩnh, cởi bỏ vòng, nhẫn, đồng hồ.
- Không để người bệnh tự đi, chạy. Không uống rượu, chất kích thích, không tự chích rạch, không garo.
- Nặn, rửa dưới vòi nước hoặc trong chậu nước sạch có thể giảm độc.
- Cần băng ép bằng băng bản rộng xung quanh vết cắn cho tới tận đầu chi và tới hết toàn bộ chi, nẹp bất động rồi chuyển ngay tới bệnh viện.
Chú ý: không băng ép khi rắn lục cắn, rắn choàm quạp, lục xanh, khô mộc cắn.
Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu nhóm rắn hổ cắn
- Dùng băng rộng khoảng 5-10 cm, dài vài mét, có thể băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Cởi đồ trang sức ở vùng bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo.
- Đặt băng.Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy mạch đập, đủ để
luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng).
- Bắt đầu băng từ ngón chân tới gốc bẹn hoặc nách.
- Dùng nẹp cứng (miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) để cố định chân, tay.
- Vết cắn ở bàn, ngón tay, cẳng tay:
+ Băng ép bàn, ngón tay, cẳng tay; dùng nẹp cố định cẳng bàn tay.
+ Dùng khăn hoặc dây treo lên cổ bệnh nhân.
- Duy trì băng ép bất động tới khi người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc có thuốc giải độc (bác sĩ quyết định thời điểm tháo băng ép).
- Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực.
2.2. Vận chuyển
- Bất động, vận chuyển nhanh bằng xe cơ giới hoặc xe cấp cứu tới bệnh viện. Không chở bằng xe đạp, xe máy nếu người bệnh có sốc, trụy mạch, liệt chi. Khi vận chuyển để thõng tay chân bị cắn.
- Phải đảm bảo hô hấp: bóp bóng ambu, đặt nội khí quản, thở oxy.
- Đảm bảo huyết động: truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nếu cần.
- Gọi tư vấn Trung tâm Chống độc.
|