Hỏi bệnh sử:
• Hỏi bệnh sử là phần rất quan trọng, cần khai thác đầy đủ các tính chất của đau (vị trí, hướng lan, cường độ, hoàn cảnh xuất hiện, yếu tố làm tăng giảm đau, các biểu hiện kèm theo).
• Khai thác các triệu chứng tim mạch, hô hấp (đau ngực, ho, khó thở...), triệu chứng tiết niệu sinh dục (tiểu khó, tiểu máu, trễ kinh, ra huyết âm đạo...), hỏi kỹ tiền sử chấn thương trước đó. Tiền sử bệnh lý nội ngoại khoa, dị ứng, thói quen hút thuốc lá, bia rượu. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, cần chú ý tiền sử nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp, bệnh rối loạn đông máu... Đồng thời không quên hỏi các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng đặc biệt là steroid, kháng sinh và NSAID.
Khám lâm sàng:
Đối với một bệnh nhân đau bụng cấp, cần khám một cách toàn diện vì đau bụng là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau, nếu không khám toàn diện sẽ rất dễ bỏ sót bệnh hoặc chẩn đoán lầm.
• Dấu hiệu sinh tồn, màu sắc da niêm: Giúp đánh giá tình trạng sốc, mất nước, mất máu (mạch nhanh, huyết áp tụt, niêm nhạt), tình trạng nhiễm trùng (sốt, tuy nhiên bệnh nhân không có sốt cũng không nên loại trừ tình trạng nhiễm trùng),...
• Khám vùng ngực: nhìn, sờ, gõ, nghe tim, phổi.
• Khám bụng:
+ Nhìn: sẹo mổ cũ, di động của bụng theo nhịp thở, tuần hoàn bàng hệ, vết rạn, bụng chướng, dấu rắn bò, vết bầm máu do chấn thương,…
+ Nghe: nên được thực hiện trước khi sờ, nghe nhu động ruột tăng, giảm, hay bình thường. Nhu động ruột tăng có thể có tiêu chảy hay tắc ruột, nếu giảm hay mất hoàn toàn nhu động ruột có thể có tình trạng liệt ruột. Nên tìm nghe âm thổi ở các vị trí của động mạch chủ bụng, động mạch thận và động mạch đùi 2 bên để phát hiện các trường hợp phình bóc tách động mạch ở vị trí tương đương.
+ Sờ: đầu tiên nên sờ nhẹ nhàng khắp bụng (light palpation) để phát hiện những trường hợp bụng quá nhạy cảm hay gồng cứng như gỗ trong các trường hợp bệnh cấp tính cần can thiệp cấp cứu. Tiếp đến là phần sờ nắn sâu (deep palpation), xác định chiều cao gan, độ lớn của lách, khám dấu hiệu chạm thận, tìm các điểm đau điển hình như điểm Mc. Burney, điểm Murphy, điểm đau niệu quản,... tùy theo nghi ngờ bệnh cảnh gì; tìm các khối u…
+ Gõ: động tác gõ phối hợp với sờ giúp xác định chiều cao gan, độ lớn của lách. Gõ đục vùng thấp gặp trong báng bụng, xuất huyết nội,...
• Thăm khám hậu môn trực tràng: trường hợp có nghi ngờ viêm ruột thừa nằm ở vùng tiểu khung, xuất huyết nội do thai ngoài tử cung vỡ, tắc ruột đoạn thấp do phân, xuất huyết tiêu hóa...
Dấu hiệu cảnh báo: nếu có một trong những dấu hiệu này gợi ý đến một số nguyên nhân nguy hiểm:
• Đau dữ dội
• Các dấu hiệu của sốc (ví dụ như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, vã mồ hôi, rối loạn tri giác)
• Các dấu hiệu của viêm phúc mạc
• Chướng bụng
|