Tình huống lâm sàng ví dụ
2.1. Thông tin
Bệnh nhân nữ 55 tuổi, cân nặng 53 kg, chiều cao 1,55m (BMI = 22,1 kg/m2). Bệnh nhân vừa được chẩn đoán đái tháo đường típ 2 sáu tháng nay, đường huyết đói đo 2 lần trước khi điều trị cho kết quả lần lượt là 130mg/dl và 165mg/dl; HbA1c trước khi điều trị là 7,5%; các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.
Hiện tại bệnh nhân đang uống Gliclazid 30mg 1 viên sáng và Metformin 500mg 1 viên chiều, đường huyết đói hiện tại của bệnh nhân là 155 mg/dl, HbA1c hiện tại = 7,5%. Bệnh nhân than thường xuyên có những đợt vã mồ hôi, run tay chân và mệt 6 tháng nay. Từ khi bị đái tháo đường, bệnh nhân rất lo lắng và thường xuyên nhịn ăn.
2.2. Câu hỏi gợi ý tình huống:
· Các vấn đề sức khỏe hiện tại của bệnh nhân này là gì?
· Việc xử trí trong tình huống này bao gồm những gì?
2.3. Tóm tắt - phân tích tình huống
Bệnh nhân nữ 55 tuổi, BMI = 22,1 kg/m2, được chẩn đoán đái tháo đường típ 2 sáu tháng nay (đường huyết đói 2 lần > 126mg/dl), bệnh nhân rất lo lắng và thường xuyên nhịn ăn, kèm có những đợt vã mồ hôi, run tay chân và mệt. Thuốc đang dùng: Gliclazid 30mg 1 viên sáng, Metformin 500mg 1 viên chiều. Đường huyết đói hiện tại: 155 mg/dl, HbA1c hiện tại = 7,5%.
· Các vấn đề sức khỏe hiện tại của bệnh nhân:
o Đái tháo đường típ 2, chưa kiểm soát đường huyết tốt (ĐH đói: 155 mg/dl, HbA1c hiện tại = 7,5%).
o Thường xuyên có những cơn hạ đường huyết.
o Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý.
o Chưa được tư vấn kỹ về bệnh nên tâm lý còn lo lắng.
· Việc xử trí trong tình huống: Giải thích rõ cho bệnh nhân về bệnh đái tháo đường típ 2, chỉ ra những lợi ích khi kiểm soát đường huyết tốt đồng thời giải tỏa tâm lý lo lắng về bệnh. Tư vấn kỹ về chế độ ăn, chế độ tập luyện cho người bệnh. Hướng dẫn cho bệnh nhân cách phòng ngừa và xử trí khi bị hạ đường huyết tại nhà. Nhấn mạnh những hành vi không đúng (bỏ ăn, ăn trễ,…). Có thể cân nhắc chuyển qua dùng metformin 1000mg/ ngày.
|