Yếu tố nguy cơ của hạ đường huyết
Lớn tuổi, bỏ bữa, ăn trễ, ăn ít, vận động nhiều, uống rượu quá nhiều đặc biệt khi kèm bỏ ăn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường [4].
Gia tăng thời gian mắc bệnh đái tháo đường, mức HbA1c thấp là các yếu tố nguy cơ của hạ đường huyết; giảm nhận thức về hạ đường huyết làm tăng nguy cơ mới mắc hạ đường huyết nặng [18].
Giới nữ có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn nam. Tác giả Amiel S.A. và cộng sự năm 1993 đã khảo sát về ảnh hưởng của giới tính lên đáp ứng catecholamine đối với tình trạng hạ đường huyết. Nghiên cứu cho thấy phản ứng catecholamine đối với tình trạng hạ đường huyết bị giảm ở nữ [3].
Nghiên cứu của tác giả Christopher D. Miller và cộng sự thực hiện năm 2001, sau khi phân tích đa biến thì kết quả đạt được như sau: tăng mỗi 1 tuổi làm giảm 2% nguy cơ hạ đường huyết (p = 0,03); HbA1c tăng mỗi 1% làm giảm 13% nguy cơ hạ đường huyết (p = 0,006); điều trị insulin tại thời điểm theo dõi làm tăng nguy cơ hạ đường huyết gấp 3,44 lần (p < 0,001); bệnh nhân có tiền căn hạ đường huyết trước đó có nguy cơ bị hạ đường huyết tăng gấp 2,65 lần (p < 0,001) [28].
Theo nghiên cứu của tác giả Holstein A., Egberts E.H. (2003), thì suy thận và suy gan cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết [20]. Tác giả Shorr năm 1997 và tác giả Holstein A. năm 2001 đã chứng minh bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đang điều trị sulfonylurea mà có hạ đường huyết thì 20% [34] đến 62% [19] là do có rối loạn chức năng thận. Bệnh nhân mắc bệnh gan tiến triển (xơ gan, di căn gan) đóng góp vào 6 - 7% nguyên nhân gây hạ đường huyết trên bệnh nhân điều trị glibenclamid [5].
|