Điều trị hạ đường huyết
o Hạ đường huyết nhẹ - trung bình (bệnh nhân còn tỉnh, còn khả năng tự điều trị): điều trị bằng đường uống với viên đường glucose, thức uống chứa đường glucose, kẹo hay thức ăn có chứa đường (liều khởi đầu là 15- 20g đường glucose). Sau 15 phút, lập lại điều trị như trên nếu kết quả thử lại đường huyết mao mạch cho thấy tiếp tục có tình trạng hạ đường huyết. Khi kết quả đường huyết mao mạch về bình thường, nên cho bệnh nhân ăn bữa ăn dặm hoặc ăn như bữa ăn chính để phòng ngừa hạ đường huyết tái diễn.
o Hạ đường huyết nặng (rối loạn tri giác, không còn khả năng tự điều trị):
- Truyền tĩnh mạch 25g đường glucose, sau đó tiếp tục truyền đường glucose dưới sự hướng dẫn của đo nồng độ đường huyết tương.
- Trong trường hợp không đủ phương tiện để truyền đường tĩnh mạch thì tiêm glucagon dưới da hay tiêm bắp (1mg đối với người lớn). Phương pháp này thường được sử dụng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1 vì nó kích thích sự hủy glycogen để tạo ra glucose, tuy nhiên phương pháp này lại không hiệu quả với bệnh nhân có tình trạng cạn kiệt glycogen (ví dụ như bệnh nhân nghiện rượu). Phương pháp này cũng kích thích sự tiết insulin nên ít được sử dụng trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên theo hướng dẫn của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) 2016, phương pháp này có thể dùng ở tất cả bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết nặng.
- Những phương pháp điều trị trên chỉ giúp làm tăng nồng độ glucose huyết tương thoáng qua, do đó những bệnh nhân này cần được khuyến khích ăn càng sớm càng tốt để phục hồi dự trữ glycogen.
o Phòng ngừa hạ đường huyết tái diễn: để phòng ngừa hạ đường huyết tái diễn cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây hạ đường huyết. Nếu do thuốc thì ngừng thuốc hoặc giảm liều thuốc. Hạ đường huyết do sulfonylurea có thể kéo dài nhiều giờ đến vài ngày. Cần điều trị những bệnh nền nếu có.
|