Mối liên quan giữa hạ đường huyết và HbA1c
Nghiên cứu Diabetes Control and Complications Trial (DCCT) đã chứng minh mối liên quan ngược giữa nồng độ HbA1c và nguy cơ hạ đường huyết nặng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1, nghĩa là nguy cơ hạ đường huyết nặng gia tăng khi nồng độ HbA1c giảm [11]. Thêm vào đó, những thử nghiệm ngẫu nhiên khác về kiểm soát đường huyết tích cực ở cả bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và típ 2 đều cho thấy nồng độ HbA1c thấp làm tăng nguy cơ hạ đường huyết [11], [14], [31], [35].
Một phân tích năm 2010 của nghiên cứu the Action to Control Cardiovascular Risk in Diabetes (ACCORD) trên 10.209 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cho thấy nguy cơ hạ đường huyết gia tăng ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường típ 2 kiểm soát đường huyết kém so với nhóm đạt được nồng độ HbA1c mục tiêu [29].
Như vậy, kết quả của các nghiên cứu gần đây đưa ra hai kết luận trái ngược nhau, một số nghiên cứu chứng minh rằng nguy cơ hạ đường huyết gia tăng khi nồng độ HbA1c giảm, tác giả Christopher D. Miller đã kết luận HbA1c tăng mỗi 1% làm giảm 13% nguy cơ hạ đường huyết (p = 0,006) [28], một số nghiên cứu lại kết luận nguy cơ hạ đường huyết tăng ở mức HbA1c cao [24], [27]. Nhưng chưa có nghiên cứu nào thiết kế đặc biệt để khảo sát mối liên quan giữa hạ đường huyết và HbA1c.
Tháng 07 – 2013, nghiên cứu của tác giả Lipska K.J. – thuộc đại học Yale về ”HbA1c và nguy cơ hạ đường huyết nặng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2” [26]. Tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau ”nguy cơ hạ đường huyết nặng có thể cao hơn ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nồng độ HbA1c rất thấp hoặc rất cao so với những người kiểm soát đường huyết chuẩn (HbA1c trung bình 7,5%)”, họ cũng đưa ra giả thuyết nghiên cứu nữa là ”nồng độ HbA1c thấp hơn có thể có liên quan mạnh đến nguy cơ hạ đường huyết ở người lớn tuổi hơn (so với người trẻ tuổi hơn) và ở bệnh nhân có thời gian mắc bệnh đái tháo đường lâu hơn (so với người có thời gian mắc bệnh ngắn hơn)”. Tác giả cũng nhận định rằng, hạ đường huyết là hậu quả của chế độ điều trị mà không liên quan trực tiếp đến nồng độ HbA1c, do vậy tác giả cũng suy đoán rằng ”mối liên quan giữa hạ đường huyết và HbA1c có thể thay đổi tùy theo từng chế độ điều trị đái tháo đường”. Sau khi tiến hành theo dõi 9.094 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 trong 12 tháng, tác giả đã chứng minh hạ đường huyết nặng xảy ra ở tất cả các mức của nồng độ HbA1c, tỉ lệ hạ đường huyết nặng từ 9,3-13,8% theo các mức HbA1c. Tác giả phân mức HbA1c thành từng nhóm < 6%; 6-6,9%; 7-7,9%; 8-8,9% và ≥ 9%, sau đó so sánh nguy cơ hạ đường huyết ở nhóm bệnh nhân có nồng độ HbA1c 7-7,9% với các mức HbA1c còn lại. Sau khi hiệu chỉnh theo tuổi, giới và chủng tộc, kết quả cho thấy nguy cơ tương đối của hạ đường huyết ở các nhóm HbA1c <6%; 6-6,9%; 8-8,9% và ≥ 9% so với nhóm có nồng độ HbA1c 7-7,9% lần lượt là RR = 1,13 (KTC 95% 0,9–1,42); RR = 0,9 (0,77–1,05), RR = 1,09 (0,9–1,32); và RR = 1,28 (1,08–1,53); giá trị p tương ứng là 0,31; 0,16; 0,38; và 0,005. Kết quả của tác giả cho thấy nguy cơ hạ đường huyết tăng cao hơn ở cả nhóm bệnh nhân có sự kiểm soát đường huyết gần về bình thường (HbA1c < 6%) và ở nhóm kiểm soát đường huyết rất kém (HbA1c ≥ 9%). Tuy nhiên, tác giả chỉ chứng minh được sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm kiểm soát đường huyết rất kém (HbA1c ≥ 9%) so với nhóm có HbA1c 7-7.9% (p = 0.005).
|