Ở trẻ sơ sinh, nếu ói xuất hiện ngay lần cho bú đầu tiên hoặc trong những ngày đầu sau sinh (trong khoảng 1-2 tuần đầu) thì đây là dấu hiệu báo có tắc hẹp thực quản bẩm sinh (eosophageal atresia) hoặc các bất thường bẩm sinh khác của hệ tiêu hóa (bệnh Hirschsprung, đảo ngược phủ tạng…). Thông tin về thai kỳ sẽ giúp gợi ý cụ thể thêm bất thường bẩm sinh ở trẻ.
Đối với trẻ nhũ nhi, các nguyên nhân gây ói thường gặp nhất là liên quan đến vấn đề ăn uống (dị ứng sữa, ngộ độc do sữa để lâu, thay đổi chế độ sữa, bú quá nhiều,..), bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh lý hệ tiết niệu và nhiễm trùng huyết. Nếu trẻ có biểu hiện nôn vọt xuất hiện trước 3 tháng tuổi (thông thường khoảng từ 2-3 tuần tuổi) thì nguyên nhân có thể là hẹp môn vị. Nếu trong thức ói có màu mật thì cần phải khảo sát có nguyên nhân gây hẹp tắc vùng ruột non, lồng ruột non (đoạn tắc ở phía dưới của đoạn đổ của dịch mật – tụy vào tá tràng).
Đối với trẻ thiếu niên, nguyên nhân gây ói thường gặp nhất là do nhiễm vi trùng, siêu vi đường tiêu hóa, viêm tai giữa. Riêng bệnh viêm tai giữa có tần suất mắc cao nhất ở trẻ nhỏ, có thể gây triệu chứng ói, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
Ở người trưởng thành, nguyên nhân thường gặp nhất của nôn ói là do viêm loét dạ dày (có thể gây ra do rượu, thuốc), viêm ruột siêu vi, các bệnh lý tâm thần và đôi khi là triệu chứng đi kèm nằm trong bệnh cảnh rối loạn tiền đình (có triệu chứng chóng mặt). Bên cạnh đó, triệu chứng buồn nôn – ói có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng bệnh nặng hơn như viêm gan siêu vi, nhồi máu cơ tim, nhiễm keton máu trên bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt. Đối với trường hợp buồn nôn – ói mãn tính, chúng ta cần tìm kiếm các nguyên nhân như viêm loét dạ dày, tắc ruột cơ học, rối loạn nhu động ruột (nằm trong bệnh cảnh biến chứng liệt ruột trên bệnh nhân tiểu đường), chích hẹp thực quản, do thuốc, rối loạn tiền đình, tăng urê máu.
Cả ngộ độc thức ăn và ngộ độc hóa chất đều gây buồn nôn – ói. Đặc biệt là bối cảnh có nhiều người cùng có biểu hiện triệu chứng buồn nôn – ói tại cùng một khu vực, sau khi sử dụng cùng loại thức ăn. Đứng trước bối cảnh này, nguyên nhân ngộ độc thức ăn phải được ưu tiên khảo sát.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, chúng ta cũng cần phải đặt câu hỏi về kinh nguyệt để phát hiện tình trạng buồn nôn – ói liên quan đến thai kỳ. Một số phụ nữ có biểu hiện ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ mà không hề biết rằng mình đang mang thai.
Ói do tự ý cũng cần phải quan tâm loại trừ nếu gặp trên bệnh nhân có biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật. Khai thác bệnh sử cẩn thận, chúng ta có thể ghi nhận bệnh nhân cho rằng có cảm giác buồn nôn khó chịu, vì muốn mất cảm giác buồn nôn đó, bệnh nhân phải gặng người tìm cách ói cho bằng được chất trong dạ dày. Dịch ói thường chỉ ít, không chứa thức ăn.
Ở bệnh nhân là người cao tuổi, nếu tình trạng nôn ói kéo dài, việc khảo sát tìm nguyên nhân ác tính đường tiêu hóa cần được đặt ra.
|