cơ chế gây ói (trích từ Garrett, K., et al. (2003). "Managing nausea and vomiting. Current strategies) [3]
Phản xạ ói xảy ra khi có sự kích thích trung tâm ói nằm ở vùng hành tủy. Trung tâm ói có thể bị kích thích trực tiếp bởi những tín hiệu từ vỏ não (sự sợ hãi, ký ức), tín hiệu từ cơ quan cảm giác (mùi, cảm giác đau), tín hiệu từ bộ máy tiền đình của tai trong (say tàu xe). Bên cạnh đó, trung tâm ói cũng có thể bị kích thích gián tiếp bởi những yếu tố kích hoạt vùng cảm thụ hóa học (chemoreceptor trigger zone - CTZ). Vùng này không có hàng rào máu não nên được tiếp xúc trực tiếp với các chất có trong máu và dịch não tủy. Do đó vùng này có thể bị kích thích trực tiếp từ những chất hóa học di chuyển trong máu như thuốc chống ung thư, opioids, ipecac; đồng thời cũng có thể bị kích hoạt bởi những tín hiệu từ dạ dày và ruột non thông qua dây thần kinh X.
Vùng CTZ sau khi bị kích thích, các chất dẫn truyền thần kinh đặc hiệu sẽ truyền tín hiệu đến trung tâm ói ở hành tủy và gây ra phản xạ ói. Các chất dẫn truyền thần kinh này bao gồm: serotonin, dopamine, acetylcholine (muscarinic cholinergic),và histamine. Ngoài ra còn có một thụ thể hóa học thứ 5 là neurokinin-1 neuropeptide (còn được gọi là chất P) vẫn đang được nghiên cứu. Do đó để ngăn chặn phản xạ nôn ói, có thể dùng những thuốc ngăn chặn 1 hay nhiều các thụ thể hóa học này như thuốc đối kháng thụ thể dopamine; đối kháng thụ thể acetylcholine (đối kháng muscarinic); đối kháng thụ thể histamine; và đối kháng thụ thể serotonin[3].
Trước khi ói xuất hiện, có 1 giai đoạn đề kháng nhu động ruột, nghĩa là sự co thắt nhu động ruột theo chiều ngược lên trên thay vì nhu động đẩy thức ăn xuống dưới, có thể xảy ra từ đoạn xa hồi tràng, đẩy các chất chứa trong đoạn dưới ruột non lên tá tràng và dạ dày, sự căng phồng của phần trên ống tiêu hóa tạo ra một xung động thần kinh đến trung tâm ói và gây ra phản xạ ói. Lúc bắt đầu ói, sự co thắt nội tại xảy ra ở cả dạ dày và tá tràng, cơ thắt đoạn dưới thực quản dãn ra, chất ói di chuyển từ dạ dày lên thực quản, tiếp theo động tác hít vào và sự co thắt của cơ ổ bụng đẩy chất ói ra ngoài qua miệng[1].
|