Ở tất cả các nhóm tuổi, tác nhân siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất trong tiêu chảy cấp. Đối với người lớn, bệnh cảnh thường đơn giản, tự giới hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ em, trẻ nhũ nhi, tình trạng tiêu chảy có thể gây mất nước nặng. Độ tuổi dịch tễ của bệnh tiêu chảy ở trẻ em là từ 4 tháng tuổi cho đến 3 tuổi, tần suất mắc bệnh có thể đạt đỉnh vào thời điểm khoảng 8-10 tháng tuổi.
Một số trường hợp bệnh nhân ghi nhận có tiêu chảy cấp xuất hiện sau khi ăn/dùng các sản phẩm có từ sữa (sữa, phô mai, kem tươi, yahourt...). Trong tình huống này cần nghĩ đến nguyên nhân kém dung nạp lactose ngay cả khi bệnh nhân không có tiền căn bệnh tương tự trước đó (lý do là men lactose giảm dần theo tuổi, triệu chứng tiêu chảy xuất hiện khi tuổi đã cao). Bên cạnh đó, sau đợt bệnh nặng, trẻ em có thể có tình trạng kém dung nạp lactose thoáng qua do rối loạn tạo men lactose. Tình huống điển hình có thể ghi nhận trẻ nhũ nhi với triệu chứng tiêu chảy kéo dài, không sốt, xuất hiện sau khi bị bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Đối với phụ nữ đang trong giai đoạn tuổi sinh sản, tình trạng tiêu chảy mạn thường do nguyên nhân cơ năng hoặc nằm trong bệnh cảnh của hội chứng đại tràng kích thích. Điển hình nhất là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, đồng thời phải lo toan công việc nhà và công việc bên ngoài xã hội. Thông thường phụ nữ này có than phiền căng thẳng kéo dài, có rối loạn giấc ngủ và có các triệu chứng của hội chứng đại tràng kích thích (tham khảo bài hội chứng đại tràng).
Thông tin về danh sách thuốc đang dùng có thể giúp gợi ý nguyên nhân gây tiêu chảy. Một trong những thuốc có thể gây tiêu chảy là các thuốc nhuận trường dùng để trị bệnh táo bón, thường gặp ở người lớn tuổi, người có hạn chế vận động (yếu liệt nằm lâu tại giường, béo phì, suy tim...). Các thuốc kháng sinh dùng đường uống cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Sau sử dụng thuốc hóa trị hoặc sau đợt xạ trị trong bệnh ung thư, bệnh nhân cũng có thể có tình trạng tiêu chảy cấp.
Tình trạng liệt ruột cấp do rượu bia có thể gây tiêu chảy nhiều trong 1-2 ngày sau khi dùng rượu bia. Cơ chế sinh bệnh là do rượu gây tình trạng liệt dạ dày cấp. Thức ăn ứ đọng tại dạ dày chậm đưa xuống ruột, dẫn đến vi khuẩn tăng sinh quá mức trong thức ăn đã bị hoại tại dạ dày. Sau đó, thức ăn này xuống ruột gây tình trạng loạn khuẩn cấp. Chính vi khuẩn và các ngoại độc tố do vi khuẩn tiết ra kích thích ruột gây tình trạng tiêu chảy cấp kéo dài 1-2 ngày. Cơ chế này cũng giải thích bệnh tiêu chảy cấp trên bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng rối loạn thần kinh ruột. Trong đó nhu động ruột giảm và thức ăn ứ đọng tại ruột non. Đa phần bệnh tự giới hạn. Điều trị bằng tetracycline cho phép cân bằng lại môi trường vi khuẩn đường ruột.
Trong tiêu chảy cấp, tương quan giữa thời điểm xuất hiện đi phân lần đầu tiên so với thời điểm bữa ăn cuối có thể gợi ý chẩn đoán bệnh. Nếu tiêu chảy xuất hiện trong khoảng thời gian 2 giờ sau ăn, chúng ta có thể nghĩ đến nguyên nhân ngoại độc tố của vi khuẩn trong thức ăn ôi thiêu. Nếu khoảng cách thời gian này sau 8 giờ, chúng ta có thể nghĩ đến nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột do nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Nếu tiêu chảy xuất hiện trong khoảng từ 2-8 giờ sau ăn, đây có thể là bệnh lý hỗn hợp vừa do chất độc vi khuẩn trong thức ăn và vừa có tình trạng tăng sinh vi khuẩn trong đường ruột.
Thông thường, tiêu chảy cấp là bệnh tự giới hạn và ít gây biến chứng ở người lớn. Tuy nhiên, một số nhóm bệnh nhân có thể dễ bị biến chứng mà chúng ta cần quan tâm theo dõi (trẻ em-trẻ nhũ nhi, người cao tuổi, nhiều bệnh lý nội khoa phối hợp, bệnh lý hệ miễn dịch mắc phải hoặc thứ phát sau điều trị bệnh về máu...). Tiêu chảy kéo dài do nhiễm trùng đường ruột rất thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải ở giai đoạn cuối (giai đoạn AIDS).
Các thông tin về dịch tễ cũng góp phần giúp chẩn đoán nhanh chóng nguyên nhân. Chẩn đoán càng chính xác khi bệnh nhân có liên quan trực tiếp đến dữ kiện dịch tễ hiện hành (sống trong vùng dịch, có tiếp xúc với người nhiễm, có triệu chứng tương tự với người mắc bệnh). Tác nhân siêu vi có thể gây tiêu chảy thành dịch ở phạm vi lớn như quận/huyện - thành phố. Nhóm đối tượng nhậy cảm là trẻ em trong độ tuổi đi học, sinh sống trong những cụm dân cư có điều kiện môi trường kém. Do trẻ sinh hoạt trong môi trường tập trung (nhà trẻ, nhà trường), ý thức vệ sinh chưa tốt nên bệnh dịch tiêu chảy thường lan nhanh ở nhóm đối tượng này.
Tác nhân vi trùng thường gây dịch tiêu chảy cấp ở người trưởng thành bùng phát trên phạm vi nhỏ hơn như tại gia đình, công ty (dùng bếp ăn tập thể), khu công nghiệp (có công ty cung cấp thức ăn riêng), khu dân cư (dùng chung nguồn nước giếng...).
|