Khi một vùng cơ tim bị nhồi máu, sẽ có 3 loại tổn thương:
+ Hoại tử: tế bào cơ tim ở xa các mạch máu nuôi dưỡng, bị thiếu máu nặng, kéo dài dẫn đến chết hoàn toàn. Vùng hoại tử này trở thành sẹo nhồi máu và không hồi phục.
+ Tổn thương: tế bào cơ tim bị thiếu máu vừa nhưng còn khả năng hồi phục nếu tái tưới máu tốt.
+ Thiếu máu: tế bào cơ tim bị thiếu máu nhẹ còn khả năng hồi phục nhờ tuần hoàn bàng hệ hoặc tái tưới máu.
Mục đích của cấp cứu nhồi máu cơ tim là để phục hồi vùng tổn thương và vùng thiếu máu, không để cho vùng hoại tử lan rộng. Trên lâm sàng, đa số trường hợp nhồi máu cơ tim có biểu hiện của cơn đau tim cấp. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim dựa vào cơn đau tim cấp, điện tâm đồ và men tim.
Đối với y tế cơ sở, việc phát hiện cơn đau tim cấp và xử trí ban đầu cơn đau tim cấp là rất quan trọng, đảm bảo chức năng sống cho người bệnh.
1. Phát hiện sớm cơn đau tim cấp ở tuyến y tế cơ sở
Nghĩ đến một cơn đau tim cấp khi cơn đau có những đặc điểm sau:
- Tính chất đau: đột ngột, dữ dội, cảm giác như đề nén, bóp nghẹt, khiến người bệnh hoảng hốt, lo sợ, dùng thuốc nitroglycerin không đỡ.
- Vị trí: đau sau xương ức, thượng vị, cổ và cằm, đôi khi vùng giữa 2 bả vai.
- Hướng lan: lan lên vai, ra 2 cánh tay, thường tay trái, lan xuống cổ tay và có khi lan ra cả ngón 4,5 hoặc lan lên cằm và hai xương hàm dưới.
- Các triệu chứng kèm theo cơn: khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, ngất, sốc tim (mạch nhanh, huyết áp thấp, tiếng tim nhẹ...).
- Thường xuất hiện ở người có yếu tố nguy cơ tim mạch.
- Cơn đau tim có thể giống cơn đau của bệnh cấp cứu bụng (đặc biệt ở nam giới) như: thủng dạ dày, cơn đau dạ dày cấp, viêm tụy cấp, viêm túi mật…
2 Xử trí ban đầu cơn đau tim cấp ở tuyến y tế cơ sở
* Tất cả các cơn đau tim cấp đều phải nghĩ tới nhồi máu cơ tim cho tới khi có bằng chứng ngược lại, và đều phải được xử trí đồng thời:
- Giảm đau: Morphin, liều dùng từ 1/2 -1 ống tiêm tĩnh mạch chậm, sau đó nhắc lại
sau 5-10 phút nếu người bệnh vẫn đau.
- Thở oxy với liều 2-4 lít/phút.
- Dãn mạch vành: Nitroglycerin (0,4mg) ngậm dưới lưỡi hoặc Natispray xịt dưới lưỡi, có thể nhắc lại sau mỗi 5 phút trừ khi huyết áp quá thấp (< 90 mmHg).
- Giảm tiêu thụ oxy cơ tim:
Nằm bất động (ăn cũng cần cẩn thận),
Giảm nhịp nếu nhịp tim nhanh (Propranolone),
Hạ áp nếu huyết áp cao (Propranolone, hoặc ức chế men chuyển),
Hạ sốt (paracetamol), Chống stress (an thần).
- Nếu mạch chậm kèm huyết áp giảm, tiêm atropin sulphat 1/2 mg tĩnh mạch.
- Lập đường truyền và giữ ven, hạn chế truyền dịch.
- Nếu có máy điện tim:
Ghi ngay điện tâm đồ khi khám lần đầu (trong vòng 10 phút). Ghi điện tâm đồ nhiều lần cách nhau 15-30 phút.
Điện tâm đồ bình thường không loại trừ nhồi máu cơ tim cấp.
* Chú ý:
- Digoxin và các thuốc vận mạch (adrenalin, dopamin) đều làm tăng tiêu thụ oxy cơ tim, làm tăng diện tích ổ nhồi máu và có thể gây rối loạn nhịp thất. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc vận mạch. Nên sử dụng liều thấp nhất có thể để duy trì tưới máu và hạn chế được biến chứng có hại.
- Đồng thời với việc cấp cứu ban đầu, y tế cơ sở cần gọi cấp cứu 115 hoặc bệnh viện tuyến trên phối hợp chuyển bênh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để xác định chẩn đoán và khẩn trương cứu vãn vùng cơ tim chưa hoại tử bằng cách thông máu mạch vành (tiêu sợi huyết < 6h, nong vành, đặt stend, chống đông, kháng tiểu cầu….).
|