OB04 – TUẦN 2
Câu 1. Các vấn đề sức khỏe:
a. Sinh học: đau đầu Migrain chưa đáp ứng với điều trị, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ.
b. Tâm lý: lo lắng: về bệnh của mình kéo dài và không khỏi, về sức khỏe của người thân trong nhà, chịu áp lực từ công việc, băn khoăn tính nghỉ việc để về lo cho gia đình, lo lắng vì công việc của chồng không ổn định.
c. Gia đình và xã hội: mẹ ruột bị đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não, sống phải lệ thuộc; mẹ chồng ở xa cũng bệnh tiểu đường có chỉ định điều trị bằng insulin nhưng không theo dõi được, phải điều trị bằng thuốc uống; con còn nhỏ đến tuổi đi nhà trẻ và phải có người trông coi nuôi dạy; chồng đi làm xa, ít về nhà không phụ giúp được công việc nhà cho BN; Mối quan hệ xã hội nơi làm việc không tốt, công việc áp lực, công ty thua lỗ đến nỗi chị ta muốn nghỉ việc; quan hệ xã hội nơi cư trú cũng sống khép kín.
Câu 2:
a. Kế hoạch giải quyết vấn đề:
- Sinh học: kết hợp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Dùng thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn đau đầu do bệnh nhân có nhiều cơn đau đầu tái phát thường xuyên. Hỏi thêm về uống thuốc tránh thai loại estrogen nếu có thì tư vấn nên đổi biện pháp tránh thai khác vì 1 số trường hợp đau đầu Migrain liên quan đến thuốc estrogen. Điều trị thêm thuốc chống lo âu, giảm căng thẳng, thuốc an thần gây ngủ cho bệnh nhân. Các biện pháp không dùng thuốc như: giảm căng thẳng, áp lực trong công việc, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn, không dùng chất kích thích, ồn ào, ngột ngạt, sáng chói.
- Tâm lý: về bệnh của bệnh nhân, BS gia đình cần phải giải thích rõ các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị cho bệnh nhân – truyền thông để làm sao cho BN hiểu được rằng bệnh này đúng là đau đầu gây khó chịu và hay tái phát. Bệnh lành tính, không nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên vẫn có những biện pháp để điều trị cắt cơn và ngừa cơn. Yếu tố lo âu, căng thẳng góp phần rất nhiều vào nguyên nhân và cơ chế khởi phát bệnh. Để giải quyết vấn đề tâm lý cho BN, trước hết cần phải đồng cảm, chân thành và thấu hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân. Nếu được nên gợi ý lần sau tái khám nên mời thêm chồng BN cùng đến để BS tư vấn thêm nhằm chia sẻ bớt công việc hàng ngày của chị. Thỉnh thoảng chị nên cùng chồng dắt con đi công viên chơi hay đi shopping cũng giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều và tăng gắn kết gia đình. Những lần tái khám tiếp theo nếu vấn đề lo âu căng thẳng của BN chưa cải thiện rõ rệt thì xem xét giới thiệu đến chuyên gia tâm lý.
- Về gia đình và xã hội: mẹ ruột bị bệnh và cuộc sống lệ thuộc vào người khác, là BS gia đình, tôi sẽ giới thiệu cho bệnh nhân dịch vụ chăm sóc điều dưỡng hộ lý tại nhà, dịch vụ vận chuyển người bệnh đi khám bệnh định kỳ hoặc giới thiệu dịch vụ có BS và điều dưỡng đến khám bệnh và chăm sóc điều dưỡng tại nhà, dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà. Mẹ chồng cô ở quê cũng bị bệnh cần phải tiêm insulin, nếu gần các trạm y tế, tôi sẽ giới thiệu đến trạm y tế để được tiêm thuốc và thử đường huyết mao mạch kiểm tra định kỳ để đảm bảo việc điều trị được tối ưu nhất. Giải quyết vấn đề trong công việc của BN nên có sự tham gia bàn bạc với chồng BN để chọn phương án tối ưu tiếp tục làm việc hay chọn công việc khác nhẹ nhàng hơn hay nghỉ việc để làm nội trợ trong nhà. Đề nghị gặp chồng BN cũng để tư vấn chia sẽ bớt công việc gia đình với chị để cho chị biết được có sự đồng cảm của người chồng, biết được những vất vả của chị. Giúp cho BN hiểu được tầm qua trọng của việc giao lưu quan hệ láng giềng với mọi người, những gia đình trong khu chung cư đang ở.
b. Phân tích các nguyên lý YHGĐ thể hiện trong trường hợp này:
6 nguyên lý của YHGĐ:
1. Chăm sóc ban đầu, tổng quát, toàn diện:
BN đến khám tại phòng khám BSGĐ, không phải là phòng khám đa khoa hay là bệnh viện với 1 bệnh cảnh bất kỳ, trong trường hợp này là đau đầu kinh niên. BN được khai thác đầy đủ chi tiết các vấn đề sức khỏe cả về vấn đề sinh học, tâm lý và gia đình. Trong khi đó nếu BN đến các cơ sở y tế khác thì hầu hết chỉ được quan tâm đến vấn đề sinh học. Điều này thể hiện tính tổng quát và toàn diện của YHGĐ.
2. Chăm sóc liên tục.
BN được khai thác các chi tiết về sinh học, gia đình và xã hội, được ghi chép trong hồ sơ bệnh án điện tử, có mã số riêng để theo dõi quản lý suốt đời, mỗi lần khám bệnh, xét nghiệm hay có sự kiện trong cuộc sống đều được ghi nhận và lưu trong phần mềm quản lý chuyên biệt.
3. Chăm sóc phối hợp:
Ngoài việc chăm sóc điều trị về mặt sinh học: giải quyết vần đề đau đầu kinh niên, rối loạn lo âu, mất ngủ. BSGĐ còn quan tâm chăm sóc đến yếu tố tâm lý, yếu tố thúc đẩy, làm nặng thêm của vấn đề sinh học, tìm và đưa ra các giải pháp thích hợp cho BN, tham vấn chuyên gia tâm lý, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người thân của BN, quan tâm đến những thành viên trong gia đình bệnh nhân, giải quyết các vấn đề sinh học của người thân cũng sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề sinh học của BN.
4. Hướng phòng bệnh:
Hướng về điều trị phòng ngừa các cơn đau đầu tái phát trở lại bằng các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, chú trọng về điều chỉnh các lo lắng căng thẳng của bệnh nhân
5. Hướng gia đình:
Có sự tham gia điều trị của gia đình, tham gia của chồng con, sự thấu hiểu của các người thân trong gia đình đối với những công việc hàng ngày BN phải đối mặt.
6. Hướng cộng đồng:
Khi giải quyết được vấn đề sức khỏe của BN thì cũng giải quyết được 1 số vấn đề của cộng đồng, công việc của chị sẽ hiệu quả hơn, chồng cũng yên tâm công tác, sức khỏe của các thành viên trong gia đình được chăm sóc tốt hơn sẽ ít bệnh tật hơn, chi phí cho y tế sẽ ít hơn. Từ đó xã hội xẽ phát triển hơn, giàu mạnh hơn.
|