Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên khỏe mạnh

(Tham khảo chính: DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ )

Chăm sóc trẻ vị thành niên khỏe mạnh là một trong những lĩnh vực đầy thách thức nhưng rất quan trọng đối với các bác sĩ gia đình. Điều này góp phần vào việc đảm bảo và cải thiện sức khỏe cũng như thể chất của các thế hệ tương lai. Việc định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp đánh giá sự phát triển thể chất, vận động, tâm thần và hành vi của đối tượng vị thành niên. Qua đó, sẽ cung cấp các bằng chứng giúp thực hiện tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh có khả năng mắc. Đây là công việc mà các bác sĩ gia đình có thể đảm nhận và đóng vai trò chính.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khỏe mạnh được chia làm bốn lĩnh vực:
+    Xác định yếu tố nguy cơ
+    Tiêm chủng tạo miễn dịch
+    Khám sàng lọc
+    Tư vấn chăm sóc sức khỏe
3.1.    Xác định yếu tố nguy cơ
Xác định yếu tố nguy cơ ở trẻ vị thành niên khỏe mạnh bao gồm việc thu thập tiền sử (cá nhân và gia đình), khám thực thể và kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng có lưu ý đến một số vấn đề sức khỏe nguy cơ cao ở lứa tuổi này với mục đích phân loại trẻ vị thành niên vào nhóm có nguy cơ cao hay không? Các thông tin này sẽ giúp cho bác sĩ gia đình xây dựng chương trình quản lí sức khỏe phù hợp đối với cá thể từng trẻ. Thông tin có được từ phỏng vấn, khám sàng lọc và các xét nghiệm cận lâm sàng giúp định hướng cho quá trình chăm sóc thường quy.
Ví dụ: một trẻ gái vị thành niên đã có hoạt động tình dục cần được khám sàng lọc về các bệnh lây qua đường tình dục và tư vấn về việc có thai ngoài ý muốn.
Xây dựng hồ sơ theo dõi trẻ bao gồm tất cả thông tin về tiền sử gia đình, môi trường sống, tiền sử sản khoa, dị ứng, thuốc đã sử dụng và các thông tin về những vấn đề như chấn thương, dinh dưỡng, tăng trưởng và phát triển, các vấn đề về hành vi, kết quả khám sàng lọc thực thể.
 
Phát hiện các yếu tố nguy cơ qua việc khai thác tiền sử gia đình, các yếu tố môi trường có liên quan, ví dụ như điều kiện sống chật chội, đói nghèo, những mâu thuẫn trong gia đình, nơi ở, lối sống của cha mẹ (hút thuốc, uống rượu,..),….
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ vị thành niên khỏe mạnh giúp nhân viên y tế có cơ hội cập nhật các yếu tố nguy cơ qua việc đánh giá: có gì đổi khác so với lần trước? Ở trường trẻ học như thế nào? Ở nhà có biểu hiện khác lạ gì không?
3.2.    Tiêm chủng tạo miễn dịch
Việc tiêm chủng tạo miễn dịch cho trẻ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm. Các vacxin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được tiêm từ khi trẻ còn nhỏ. Cần kiểm tra sổ theo dõi tiêm chủng để tiêm bổ sung những bệnh mà trẻ chưa tiêm ở giai đoạn trước và tiêm nhắc lại 1 số bệnh nếu có yêu cầu. Ở giai đoạn tuổi vị thành niên lưu ý cho trẻ gái tiêm phòng ung thư cổ tử cung (HPV), cúm, Rubella và một số bệnh khác phụ thuộc vào mô hình bệnh tật tại cộng đồng đó.
3.3.    Chẩn đoán sàng lọc
Sàng lọc là quá trình phát hiện bệnh khi bệnh chưa biểu hiện gì. Vì người bệnh không có triệu chứng, sự tìm kiếm được tiến hành bằng việc khám thực thể hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng. Vai trò của tiền sử gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sàng lọc, nhằm xác định các yếu tố nguy cơ (ví dụ tiền sử gia đình với các bệnh của máu và cơ quan tạo máu, các rối loạn tâm thần,…). Như vậy, các biện pháp sàng lọc có thể được sử dụng chọn lọc hơn.
3.3.1.    Khám sàng lọc
Khám sàng lọc nhanh thường được tiến hành ở mỗi lần thăm khám định kỳ cho trẻ khỏe mạnh. Cần chú ý đến lứa tuổi của trẻ vị thành niên khi thăm khám để lưu ý phát hiện những dấu hiệu thường gặp ở mỗi giai đoạn. Một số điểm cần lưu ý:
+ Tăng trưởng và dinh dưỡng: phát hiện xem có các bất thường về tăng trưởng (chậm tăng trưởng, chậm dậy thì, tăng trưởng nhanh, béo phì,…)
+  Hệ tuần hoàn: Tăng huyết áp ở trẻ em chiếm 1,4 – 11% tùy thuộc lứa tuổi, chủng tộc và tỷ lệ béo phì trong quần thể. Lưu ý khi đo huyết áp cho trẻ em phải dùng băng tay đúng cỡ để tránh sai số. Giá trị huyết áp bình thường thay đổi theo lứa tuổi của trẻ. Tăng huyết áp phải được khẳng định ít nhất qua ba lần đo riêng biệt trước khi bắt đầu điều trị.
+  Vẹo cột sống: Tỷ lệ vẹo cột sống thay đổi từ 2 – 10% là do những tiêu chuẩn xác định độ cong cột sống chưa được thống nhất. Sàng lọc vẹo cột sống ở trẻ gái nên tiến hành ở lứa tuổi từ 10-14 tuổi và ở trẻ trai từ 12-16 tuổi.
+  Thị giác: Sàng lọc thị giác nhằm tìm một số bệnh thường gặp như tật khúc xạ, lác và giảm thị lực. Đo thị lực phải được lặp lại định kỳ 6 tháng, đặc biệt là nhóm trẻ đã mắc tật khúc xạ.
+ Vệ sinh răng miệng và phòng chống sâu răng: Cán bộ y tế có vai trò quan trọng trong phòng bệnh nha khoa bằng cách khám răng định kì và hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng.
 
3.3.2.    Sàng lọc cận lâm sàng
Sàng lọc cận lâm sàng không nhất thiết phải tiến hành ở mỗi lần khám định kỳ đối với trẻ vị thành niên. Dựa vào tiền sử, môi trường sống, kết quả khám sàng lọc thực thể và tuổi của từng cá thể trẻ mà bác sĩ gia đình lựa chọn xét nghiệm cận lâm sàng cần làm để phát hiện các bất thường, tình trạng thiếu máu, các rối loạn của nước tiểu, rối loạn chuyển hóa,…
3.4.    Tư vấn sức khỏe cho trẻ vị thành niên
Tuổi vị thành niên là khoảng thời gian có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vì trẻ sẽ “thử” với nhiều điều mới và có các hành vi của “người lớn”. Cần tư vấn cho trẻ ở lứa tuổi này các kiến thức:
+  An toàn tình dục (bao gồm cả việc tránh thụ thai, phòng ngừa các bệnh lây truyền
qua đường tình dục);
+    An toàn khi tham gia giao thông (làm chủ tốc độ, thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm,…);
+    Tác hại của việc lạm dụng rượu và các chất gây nghiện,…
+    Các kỹ năng sống cho trẻ như việc: đối mặt với các khó khăn, thất bại gặp phải,
xác định mục tiêu sự nghiệp, lòng tự trọng, hình tượng bản thân,...
Rối loạn tâm thần ở lứa tuổi này thường gặp phải là trầm cảm, vì thế cần lưu ý phát
hiện sớm.
Khi gặp gỡ trẻ vị thành niên, các cán bộ y tế cần tận dụng mọi cơ hội để trao đổi, thảo luận, chia sẻ và can ngăn một cách kiên quyết những hành vi có hại cho sức khỏe (hút thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy,…). Cần cố gắng để chiếm được lòng tin của trẻ. Chú ý nhiều khi phải khám và tư vấn cho trẻ vị thành niên một cách riêng tư, không cần có mặt của cha mẹ trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ giảm e ngại khi đưa ra các câu hỏi hoặc chia sẻ những vấn đề mà không thể nói ra khi có mặt của người nhà.
Mục tiêu tư vấn:
+  Làm giảm bớt căng thẳng về tâm lý hoặc cảm xúc do hậu quả của những tình trạng lo lắng, rối loạn, sợ hãi, buồn rầu, thất vọng, chán nản. Khi được tư vấn, đối tượng sẽ có được tâm trạng tốt hơn để đương đầu với những thử thách, khó khăn.
+ Có thể giúp tìm ra những khó khăn, thử thách mà đối tượng tư vấn đang phải đương đầu. Ví dụ: nhu cầu là gì? Vấn đề là ở chỗ nào? Vấn đề nào thực sự cần giải quyết?
+  Giúp cho đối tượng tư vấn lựa chọn những hành động, hiểu được hậu quả của hành
động và giúp họ đi đến quyết định đúng đắn.
Trong quá trình CSSK vị thành niên, việc cung cấp thông tin là một nhu cầu cần thiết vì thông tin sẽ giúp đối tượng:
+  Nâng cao hiểu biết về sức khỏe vị thành niên.
+  Có nhận thức đúng đắn về tăng cường bảo vệ sức khỏe.
+  Có kiến thức và nhận thức đúng sẽ giúp cho vị thành niên điều chỉnh thái độ, hành vi của mình để có trách nhiệm hơn đối với các hoạt động có liên quan đến sức khỏe
Khi tư vấn sức khỏe vị thành niên cần lưu ý:
 
+  Đủ thời gian: Cần có đủ thời gian để làm tốt các nội dung của vấn đề tư vấn về kiến thức và kỹ năng, giải thích các dấu hiệu lâm sàng và kết quả xét nghiệm (nếu có), tạo sự tin tưởng, có quyết định thay đổi hành vi,… Có thể phải cần nhiều buổi tư vấn cho một đối tượng.
+  Sự chấp nhận: Người tư vấn phải làm thế nào để đối tượng tư vấn cảm thấy được chấp nhận, không bị chê trách, kết án về lối sống, về thói quen không lành mạnh, về quan hệ tình dục, về đạo đức,…
+  Dễ tiếp cận: Đối tượng tư vấn có thể gặp người tư vấn được dễ dàng vào lúc họ cần, kể cả địa điểm tư vấn.
+  Thông tin cung cấp phải chính xác và nhất quán.
+  Tin cậy và bí mật: Sức khỏe của trẻ vị thành niên có nhiều vấn đề tế nhị, nhạy cảm, vì vậy việc giữ bí mật và tạo sự tin cậy là những yếu tố vô cùng quan trọng trong quan hệ giữa người thầy thuốc/tư vấn viên và đối tượng được tư vấn.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20240229hpet_bacsi.pdf .....(xem tiếp)

  • Mục tiêu
  • Đặt vấn đề
  • Vấn đề sức khỏe thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên
  • thăm khám
  • chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên khỏe mạnh
  • Tài liệu tham khảo
  • Câu hỏi ôn tập
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội

    5333/QĐ-BYT .....(xem tiếp)

    1-hình 1
    vấn đề đạo đức: Những cân nhắc và thách thức của AI trong y học

    Võ Thành Liêm.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Bí tiểu mãn tính ở phụ nữ

    uptodate.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    mắc ngược điện cực chi
    1. đại cương
    Viêm âm đạo do Trichomonas_X73
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space