Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


BỆNH HẠT CƠM (Warts)

(Tham khảo chính: 4416/QĐ-BYT )

1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Định nghĩa
Bệnh hạt cơm (bệnh mụn cóc do virus) là tình trạng bệnh lý với sự tăng sinh lành tính của các tế bào biểu bì ở da và niêm mạc, do virus có tên Human Papilloma Virus (HPV) gây nên.
1.2. Dịch tễ
Hạt cơm là bệnh thường gặp, bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và mọi giới. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở tuổi lao động, đặc biệt là học sinh và sinh viên. Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
Sự lây nhiễm HPV có thể do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua da bị xây sát hoặc qua các vật dụng trung gian như giầy dép, dụng cụ thể thao…
1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh
Có khoảng trên 100 tuýp HPV đã được xác định và được chia thành 3 nhóm: tuýp gây bệnh da: tuýp 1, 2, 3, 4; tuýp gây bệnh ở niêm mạc sinh dục: tuýp 6, 11, 16, 18 và type gây loạn sản biểu bì dạng hạt cơm là tuýp 5 và 8.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
− Hạt cơm thông thường (common warts)
+ Thường gặp nhất.
+ Tổn thương ban đầu là những sẩn nhỏ bằng hạt kê, màu da. Sau vài tuần hoặc vài tháng, thương tổn lớn dần, nổi cao, có hình bán cầu, bề mặt sần sùi thô ráp, dày sừng với nhiều kích thước khác nhau. Các thương tổn rải rác hoặc thành dải hoặc thành đám hay gặp ở mu bàn tay, mu bàn chân, ngón tay và ngón chân, quanh móng, da đầu.
− Hạt cơm bàn tay, bàn chân (palmo-plantar warts)
+ Hạt cơm ở bàn tay, bàn chân thường đa dạng. Điển hình là các sẩn, kích thước từ 2-10mm, bề mặt xù xì làm mất những đường vân trên bề mặt, sắp xếp riêng rẽ hoặc tập trung thành đám ở những vùng tỳ đè, quanh móng được gọi là hạt cơm thể khảm. Đôi khi biểu hiện của hạt cơm chỉ là sẩn nhẵn, bằng phẳng với mặt da, màu vàng đục hoặc sẩn xù xì có gai nhỏ và lõm ở giữa. Bệnh nhân thường đau khi đi lại.
+ Khi dùng dao mổ gọt bỏ phần dày sừng thấy bên dứới là một mô màu trắng trên có các chấm đen do hiện tượng tắc các mạch máu nhỏ tạo nên. Đây là dấu hiệu có giá trị giúp chẩn đoán phân biệt giữa hạt cơm với những bệnh khác như chai chân hay dày sừng bàn tay bàn chân khu trú.
- Hạt cơm phẳng (flat warts): Tổn thương là các sẩn hơi nổi cao trên mặt da, bề mặt phẳng, kích thước nhỏ từ 1 đến 5 mm, hình tròn hay hình đa giác, màu da hay thẫm vàng nâu, ranh giới rõ đứng riêng rẽ hay thành đám, đôi khi thành dải (dấu hiệu Koebner). Số lượng thương tổn thường ít nhưng ở những trường hợp lan tỏa có tới vài trăm thương tổn, hay gặp ở vùng da hở nhất là ở mặt, cánh tay và thân mình.
2.2. Cận lâm sàng
- PCR HPV: dương tính.
- Mô bệnh học: thường được sử dụng để chẩn đoán phân biệt với ung thư da hoặc các bệnh lý da khác. Hình ảnh tăng sinh thượng bì, các tế bào nhiễm virus là các koilocyte (nhân lớn, bắt màu kiềm, xung quanh là quầng sáng halo, nguyên sinh chất ít).
- Dermoscopy: trường hợp điển hình có thể quan sát thấy các điểm đen trên nền tổn thương sùi.
2.3. Chẩn đoán xác định
Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm HPV, mô bệnh học trong trường hợp cần thiết.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Hạt cơm thông thường: cần phân biệt với dày sừng da dầu, dày sừng ánh nắng, ung thư tế bào gai.
- Hạt cơm lòng bàn tay, bàn chân: cần chẩn đoán phân biệt với mắt cá, chai chân, dày sừng lòng bàn tay, bàn chân mắc phải.
- Hạt cơm phẳng: cần phân biệt với các sẩn trong bệnh lichen phẳng, u mềm lây...
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Bệnh có thể tự khỏi trong trường hợp miễn dịch tốt.
- Loại bỏ tổn thương
- Dự phòng tái phát.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Thuốc bôi tại chỗ
- Mỡ salicylic: mỡ salicylic với nồng độ khác nhau từ 10% đến 40%, có tác dụng bạt sừng mạnh, loại bỏ các tế bào chứa virus. Tùy từng loại thương tổn và tùy theo vị trí mà có thể sử dụng thuốc với nồng độ khác nhau từ 10% đến 40%. Băng bịt làm thuốc có thể ngấm sâu vào thương tổn có tác dụng điều trị tốt hơn.
- Acid trichloracetic 33-100%: có tác dụng đông vón protein và gây hoại tử tế bào sừng. Ưu điểm là rẻ tiền, nhược điểm là có thể gây đau nhiều và gây loét do bôi thuốc quá nhiều
- Kem tretinoin 0,05%-0,1% có tác dụng bạt sừng, thường được dùng để điều trị hạt cơm phẳng, nhất là ở trẻ em.
- Sulfat kẽm dạng dung dịch bôi tại chỗ, ngày bôi 1 đến 2 lần. Phân tử kẽm gắn lên các phân tử glycoprotein trên bề mặt virus làm ngăn cản sự thâm nhập của virus vào tế bào. Thuốc ít gây kích ứng và cho kết quả tốt đối với những trường hợp nhiều thương tổn.
- Podophyllotoxin 25% là thuốc chống phân bào. Chấm thuốc ngày 2 lần, trong 3 ngày, sau đó ngừng 4 ngày. Nếu còn thương tổn lại tiếp tục điều trị với liệu trình như trên, tối đa có thể điều trị trong thời gian 5 tuần. Cần lưu ý bôi đúng thương tổn và phải rửa tay sau khi dùng thuốc vì thuốc có thể gây kích ứng ở da và niêm mạc. Cần thận trọng sử dụng thuốc đối với phụ nữ có thai vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Immiquimod: Kem immiqimod 5% bôi ngày 2 lần trong 6 đến 12 tuần. Hiệu quả hạn chế với các tổn thương dày sừng, tốt hơn với các tổn thương ở niêm mạc.
3.2.2. Tiêm nội thương tổn
Leomycin có tác dụng gây độc tế bào, tiêm nồng độ 1 UI/ml nội tổn thương.
3.2.3. Liệu pháp lạnh
Sử dụng nitơ lạnh ở nhiệt độ -196°c gây bỏng lạnh làm bong thương tổn. Phương pháp xịt ni tơ lỏng thường được sử dụng hơn chấm nitơ lỏng và áp nitơ vì dễ sử dụng và hiệu quả cao. Thời gian liền thương sau thủ thuật nhanh hơn so với laser. Nhược điểm của phương pháp này là có thể cần thực hiện nhiều lần.
3.2.4. Laser
- Loại laser thường được sử dụng nhất là laser CO2 làm phá vỡ tế bào và làm bốc bay toàn bộ tổ chức. Phương pháp có ưu điểm làm sạch nhanh thương tổn trong 1 lần điều trị. Tuy nhiên, vết thương thường lâu, tỉ lệ tái phát cao với hạt cơm dưới móng và quanh móng.
- Laser màu: phá hủy các mạch máu làm giảm nguồn nuôi dưỡng các tế bào chứa virút từ đó có tác dụng điều trị bệnh. Thường áp dụng để điều trị hạt cơm phẳng với số lượng tổn thương nhiều, đặc biệt ở mặt vì ưu điểm ít đau, nguy cơ sẹo sau thủ thuật rất thấp. Khoảng cách giữa các lần điều trị là 1 tháng/lần. Nhược điểm của phương pháp là đắt tiền.
- Laser Nd:YAG xung dài cũng có thể sử dụng để điều trị hạt cơm, cho kết quả cao với số lần điều trị 1-3 lần, cách nhau 2-4 tuần/lần. Ưu điểm là vết thương nhanh liền, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nhược điểm là đau và đắt tiền.
- Điều trị bằng plasma: hiệu quả cao tương tự như điều trị bằng laser nhưng do nhiệt lan toả lớn hơn laser nên thời gian liền thương chậm hơn.
4. PHÒNG BỆNH
- Sát khuẩn làm vệ sinh thường xuyên các địa điểm công cộng như bể bơi, nhà tắm công cộng, phòng tập thể thao…
- Cần có bảo hộ lao động đối với một số nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh cao như: thợ giết mổ gia súc, trồng hoa…
- Điều trị loại bỏ các tổn thương nếu có thể nhằm loại bỏ nguồn lây nhiễm.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20241126Huong dan 4416_qd_byt_dalieu.doc .....(xem tiếp)

  • BỆNH ZONA (Herpes zoster hay shingles)
  • BỆNH DO HERPES SIMPLEX (Herpes simplex)
  • BỆNH THỦY ĐẬU (Varicella)
  • BỆNH HẠT CƠM (Warts)
  • U MỀM LÂY (Molluscum Contagiosum)
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    BENZATHIN PENICILIN G

    Dược thư quốc gia 2006.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    CureMetrix phân tích hình ảnh tế bào ung thư

    Võ Thành Liêm.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Khái niệm tư vấn, truyền thông - giáo dục sức khỏe

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    người trưởng thành
    Sốc tim
    lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space