Ngồi, đứng trong thời gian dài có thể gây phù chân, đặc biệt ở bệnh nhân suy tĩnh mạch. Các loại quần áo như quần jean bó hoặc vớ quần đủ chật để ngăn cản sự hồi lưu của tĩnh mạch cũng có thể gây phù hai chân. Băng thun giữ đầu gối thường được chỉ định điều trị ở bệnh nhân bị viêm thoái hóa khớp gối hoặc phẫu thuật khớp gối, có thể cản trở sự hồi lưu tĩnh mạch và gây ra tình trạng phù chân. Các bác sĩ cần phải hỏi về việc sử dụng các băng thun này bởi vì các bệnh này thường phối hợp và người bệnh có thể không mang chúng khi đi khám bệnh.
Viêm tắc tĩnh mạch do chấn thương có thể gây ra sưng đau một chân. Các trường hợp như mang thai và tử cung lớn do các nhân xơ tử cung có thể gây tăng áp lực trong ổ bụng và có thể cản trở sự trở lại tĩnh mạch và gây sưng đau một hoặc hai chân.
Các thuốc như estrogen, thuốc tránh thai đường uống, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc hướng thần (lithium, thuốc chống trầm cảm ba vòng, trazodone), thuốc giãn mạch (chẹn kênh calcium, nitrat, prazosin, minoxidil), thuốc hạ đường huyết (pioglitazone, rosiglitazone), và hóa trị có thể gây giữ nước kèm với phù và khó chịu ở cả hai chân từ nhẹ đến trung bình. Các thuốc có thể làm phù tăng dần khu trú vùng thấp tại hai chân là corticosteroid, progesterone, testosterone, methyldopa, hydralazine, và diazoxide. Các thuốc như Gabapentin và Pregabalin có thể gây phù cả bàn tay và bàn chân.
|