Phù chân là triệu chứng lâm sàng phổ biến, thường gặp tại phòng khám ngoại chẩn hoặc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phù chân có thể chỉ là triệu chứng tự giới hạn, hoặc cũng có thể là dấu hiệu báo động của tình trạng bệnh nặng.
Đặc điểm bệnh sinh là do có sự tích tụ của dịch trong mô kẽ tại một hoặc cả hai chân. Dịch này có thể có bản chất đơn thuần là nước hoặc dịch viêm tùy theo tác nhân. Có nhiều hình thái lâm sàng khác nhau. Phù chân có thể chỉ biểu hiện vùng khu trú hoặc lan tỏa; có thể chỉ tại vùng thấp hoặc vùng cao của cơ thể; có thể chỉ giới hạn ở bàn chân hoặc có thể lan lên mắt cá và đến các vùng gối, đùi. Phù có thể biểu hiện bằng tình trạng ấn lõm (phù mềm) hoặc ấn không lõm (phù cứng – phù viêm).
Trong tiếp cận chẩn đoán đối với triệu chứng phù, việc khai thác – tổng hợp và phân tích thông tin một cách hệ thống giúp chúng ta có thể khu trú nhanh những chẩn đoán nguyên nhân có thể. Ví dụ cụ thể, đối với thể phù lan tỏa một cẳng chân, nguyên nhân thường gặp nhất là suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính. Đối với thể phù lan tỏa 2 cẳng chân, các nguyên nhân gây phù toàn thân cần được ưu tiên chẩn đoán đầu tiên, bao gồm hệ cơ quan như thận, tim, gan, dinh dưỡng-albumin máu và các nguyên nhân khác. Nội dung bài này giúp các đồng nghiệp tự trang bị kiến thức và kỹ năng chẩn đoán vấn đề này một cách hệ thống.
Bài này tập trung vào các nhóm nguyên nhân biểu hiện chủ yếu là phù vùng chân. Các nguyên nhân phù toàn thân có thể tham khảo thêm trong bài tiếp cận triệu chứng phù.
|