Lợi tiểu có thể hiểu là loại trừ nước đẳng áp lực so với máu. Điều này có nghĩa là dưới tác dụng của thuốc lợi tiểu, thận không cô đặc nước tiểu, không tái hấp thu Na. Kết quả làm cho lượng nước qua thận bị thải ra ngoài tăng lên, gây tiểu nhiều. Do vậy, điều quan trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu là luôn phải kèm theo chế độ tiết chế nước và muối.
Có 3 nhóm thuốc lợi tiểu chính
• Nhóm lợi tiểu quai có tác dụng chính trên nhánh xuống của quai Henle. Cơ chế chính là ức chế sự vận chuyển qua màng tái hấp thu của các ion Na, Cl.
• Nhóm lợi tiểu Benzothiazide và các dẫn chất có tác dụng chính trên nhánh xa của quai Henle. Cơ chế chính là ức chế sự tái hấp thu Na và Cl.
• Nhóm lợi tiểu giữ kali: bao gồm thuốc chống Aldostérone (Spironolactone) và thuốc chống kênh Na (Amiloride và Triamtérène). Các thuốc này có tác dụng chính trên ống góp vùng vỏ. Cơ chế chính là cạnh tranh với tác dụng của Aldostérone và ức chế kênh Na.
Trong điều trị phù, liều thuốc lợi tiểu thường cao hơn nhiều so với liều chỉ định điều trị cao huyết áp. Điều này đi kèm với nguy cơ có thể gây rối loạn cân bằng dịch nhanh gây suy thận trước thận; gây rối loạn ion máu (hạ kali máu, hạ natri máu, hạ magne máu).
Ngoài tác dụng giảm tái hấp thu Na và nước dẫn đến tạo nước tiểu nhiều, thuốc lợi tiểu còn có tác dụng chuyên biệt khác nhau tùy theo nhóm. Với thuốc lợi tiểu quai có tác dụng dãn tĩnh mạch có lợi trong điều trị cấp cứu cao huyết áp. Với thuốc lợi tiểu giữ K như Spironolactone có tác dụng thông qua cơ chế Angiotensin nên sẽ tăng hiệu quả trên điều trị huyết áp. Nhóm Thiazid có tác dụng phụ gây rối loạn lipid máu, làm tăng acide uric máu và bệnh gout cấp. Chính vì lý do đó, việc vận dụng thuốc lợi tiểu có khác nhau còn tùy thuộc vào mục đích điều trị phối hợp.
|