Ở người thể trạng bình thường, khó có thể xuất hiện tình trạng phù do tăng ứ dịch ở khoảng kẽ. Lý do là có sự cân bằng bù trừ giữa áp lực thủy tĩnh của máu trong lòng mạch, áp lực keo của máu trong lòng mạch và khả năng điều hòa rút dịch khoảng kẽ của hệ thống bạch huyết. Do vậy, để có thể xuất hiện tình trạng phù, về cơ bản thì cần phải có 2 yếu tố:
• Có sự thay đổi huyết động tại vùng mao mạch, làm thúc đẩy sự dịch chuyển của nước-dịch từ khoang mao mạch vào khoảng gian bào. Sự dịch chuyển này tuân theo qui luật Starling. Trong đó có thể là: do tăng áp lực thủy tĩnh của hệ thống mao mạch (tắc tĩnh mạch), giảm áp lực keo tại mao mạch (ví dụ như giảm albumin máu) hoặc là do tăng tính thấm của mao mạch (tổn thương mao mạch, liên quan đến các cơ chế viêm).
• Tình trạng giảm dẫn lưu dịch khoảng kẽ về theo hệ thống hạch bạch huyết – hạch vùng. Tình huống này thuộc nhóm phù tại chổ gặp trong tình huống bệnh lý tăng sinh ác tính, sau phẫu thuật tổn thương hệ bạch huyết – hạch, do chèn ép dòng bạch huyết như bệnh giun chỉ.
Tình trạng ứ đọng của muối và nước do tăng bổ sung bằng đường ăn uống, tăng tái hấp thu hoặc giảm tiết tại thận. Trừ trường hợp phù toàn thân do nguyên nhân dị ứng, phù toàn thân do các nguyên nhân khác xuất hiện chậm hơn. Một khi triệu chứng lâm sàng rõ ràng thì người bệnh có thể đã tăng ứ đọng dịch tại khoảng kẽ từ 2,5 đến 3 lít dịch.
Tình trạng giữ nước và muối có thể xuất hiện trong nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví như triệu chứng nguyên phát của suy thận thiểu niệu, hoặc thứ phát sau tình trạng giảm cung lượng tim kéo dài (gặp trong suy tim) hoặc do tăng trở lực/tắc mạch của mạch máu (gặp trong bệnh xơ gan). Đối với trường hợp phù là triệu chứng thứ phát, dịch có thể rút về mạch máu nhanh chóng một khi mà tuần hoàn máu được cải thiện. Chính vì đặc điểm đặc thù này, đối với phù do các nguyên nhân về huyết động, việc sử dụng thuốc lợi tiểu để chữa triệu chứng phù có thể làm trầm trọng bệnh cảnh huyết động toàn thân. Do vậy, cần có chỉ định điều trị phù hợp, đúng cơ chế bệnh sinh.
|