Kích thước của sỏi là yếu tố quan trọng quyết định khả năng sỏi có thể tự rớt khỏi niệu quản. Đối với sỏi ≤ 5mm thì có thể bị đào thải tự nhiên qua nước tiểu trong phần lớn trường hợp. Tỷ lệ tự đào thảo giảm dần khi kích thước của sỏi tăng dần; và hầu như không có sỏi nào kích thước >10mm thoát khỏi hệ niệu một cách tự nhiên. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ thành công là 87% nếu sỏi 1mm, 76% nếu 2-4mm, 60% nếu 5-7mm, 48% nếu 7-9mm và 25% nếu sỏi >9mm.
Vị trí của sỏi cũng là một trong những yếu tố gợi ý khả năng tự thoát của sỏi. Nếu sỏi kẹt ở đoạn niệu quản trên thì khả năng tự rớt sẽ kém hơn sỏi kẹt ở đoạn niệu quản dưới.
Một số biện pháp can thiệp có thể giúp tăng khả năng tự đào thải sỏi niệu quản bao gồm: thuốc chống co thắt, thuốc ức chế canci (nifedipine), thuốc chẹn alpha (tamsulosin) kèm/không kèm với thuốc kháng viêm steroid25. Theo nghiên cứu năm 2006, với thực nghiệm can thiệp có nhóm chứng trên 693 bệnh nhân có sỏi niệu từ 3,8 đến 7,8mm25, kết quả cho thấy bệnh nhân có điều trị chẹn alpha hoặc ứng chế kênh canxi thì có khả năng rớt sỏi tăng 65% so với nhóm chứng (khoảng tin cậy là 45-88%).
Theo như hướng dẫn của hiệp hội tiết niệu Mỹ và châu Âu về quản lý sỏi niệu quản, một số khuyến cáo như sau26: Đối với bệnh nhân có sỏi niệu quản với chức năng thận bảo tồn.
- Bệnh nhân có bằng chứng nhiễm trùng tiểu cần được điều trị bằng kháng sinh phù hợp (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- Lấy sỏi bằng thông niệu quản có rổ mà không có nội soi dẫn đường thì không được khuyến cáo (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- Đối với sỏi <10 mm:
- Nếu như BN mới được phát hiện sỏi <10mm và các triệu chứng lâm sàng cải thiện với điều trị hiện tại, chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ đánh giá lại. BN cũng cần được chỉ định sử dụng thuốc giúp hỗ trợ sỏi rớt khỏi niệu quản (dựa trên phân tích số liệu và đồng thuận/ mức độ 1A).
- BN cần được tư vấn về các nhóm thuốc giúp hỗ trợ việc rớt sỏi: bao gồm hiệu quả và tác dụng phụ (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- BN nào được chỉ định điều trị thuốc hỗ trợ việc rớt sỏi cần phải được kiểm soát tốt triệu chứng đau, tình trạng nhiễm trùng, bảo vệ chức năng thận. (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- BN cần được tái khám định kỳ theo dõi và đánh giá lại vị trí của sỏi và tình trạng ứ nước của bể thận (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- Chỉ định can thiệp ngoại khoa lấy sỏi được đặt ra nếu có bằng chứng thất bại với điều trị nội khoa: tình trạng trướng nước thận vẫn còn, sỏi không di chuyển, có cơn đau quặn thận tái diễn (dựa trên đồng thuận/mức độ IV).
- Nếu sỏi niệu quản >10mm: do khả năng sỏi tự rớt khỏi niệu quản rất thấp, đa phần các trường hợp bệnh nhân đều cần đến can thiệp ngoại khoa để lấy sỏi. Do vậy ý kiến hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa là cần thiết.
|