Cơn đau quặn thận cấp có thể được chẩn đoán nhanh chóng thông qua bệnh sử chi tiết và các dấu chứng lâm sàng gợi ý (đau hông lưng đột ngột, quặn từng cơn, kích thích đường niệu). Tuy nhiên, trong một số trường hợp không điển hình, chúng ta có thể cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng như x quang bụng không sửa soạn, siêu âm bụng, chụp UIV (chụp hệ niệu có thuốc cản quang).
Siêu âm là phương pháp khảo sát không xâm lấn, dễ thực hiện, dễ theo dõi và có giá trị về độ nhậy, độ đặc hiệu cao. Với siêu âm, chúng ta có thể đánh giá các biểu hiện gián tiếp như thận trướng nước, giãn niệu quản, đánh giá tình trạng bế tắc hệ niệu do những nguyên nhân khác có thể có. Bên cạnh đó, siêu âm cũng cho phép đánh giá các cơ quan khác vùng bụng có thể gây biểu hiện giống như bệnh sỏi thận, giúp nhiều trong chẩn đoán phân biệt.
Điểm cần lưu ý, có một tỷ lệ tương đối sỏi thận không cản quang, không thể thấy trên phim chụp X quang bụng đứng không sửa soạn. Tương tự, nếu sỏi nằm ở đoạn thấp, khảo sát bằng siêu âm có thể khó phát hiện sỏi nhất là khi dấu hiệu gián tiếp không rõ ràng (thận trướng nước, dãn niệu quản). Do vậy, việc phối hợp nhiều kênh thông tin vẫn giữ vai trò quan trọng không thể thiếu. Trong một số trường hợp, tổng phân tích nước tiểu với vi hồng cầu niệu (không có bạch cầu, phản ứng Nitrate âm tính) lại là thông tin gợi ý duy nhất về sỏi thận-niệu quản-bàng quang.
Các xét nghiệm chụp CT scan không cản quang, chụp cộng hưởng từ chưa được chứng minh là có vai trò trong chẩn đoán sỏi niệu quản – sỏi thận trong đợt cấp hoặc đối với các thể bệnh đơn giản thường gặp trong chăm sóc ngoại chẩn. Do vậy, các xét nghiệm này cần được chỉ định phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, tránh chỉ định đại trà không chọn lọc.
|