Hơn 80% sỏi hệ thận niệu có nguồn gốc là canxi kết tủa lắng đọng từ nước tiểu. Trong đó sỏi canxi oxalat chiếm tỷ lệ chủ yếu, kế đến là sỏi canxi phosphate2,3. Với các trường hợp còn lại, sỏi hệ niệu có nguồn gốc là acid uric, sỏi struvite (magnesium ammonium phosphate) và sỏi cystine. Ở cùng một bệnh nhân, sỏi có thể có nhiều nguồn gốc khác nhau cùng tồn tại3.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về cơ chế hình thành sỏi đối với sỏi có nguồn gốc canxi. Giả thuyết đầu cho rằng các hợp chất chứa canxi ở thể hòa tan trong nước tiểu (ví dụ như canxi oxalat) ở nồng độ bão hòa sẽ bắt đầu hình thành các nhân tinh thể. Các nhân tinh thể này có thể bám vào màng biểu mô nội mạc của bể thận – niệu quản (có thể thường gặp ở những vị trí có tổn thương có thể do chính bản thân các sỏi cũ đang có) tạo thành một nhân tạo sỏi. Các tinh thể sẽ lắng đọng dần xung quanh nhân tinh thể này và gia tăng dần kích thước.
Giả thuyết khác về cơ chế hình thành sỏi là xuất phát từ mô kẻ của tủy thận 4-6. Các tinh thể canxi phosphate có thể đã được hình thành trong các khoảng kẻ và được đưa dần ra biểu mô của nhú thận, tạo thành các mảng bám Randall thường được mô tả trong y văn5,6. Từ thương tổn trên nhú thận tại biểu mô này, các tinh thể oxalate hoặc canxi phosphate sẽ đến kết tụ trên đó lâu dần tạo thành sỏi thận. Đối với các loại sỏi struvite, sỏi cystine và sỏi acid uric thì cơ chế tạo sỏi có ít nhiều khác nhau (xin tham khảo thêm ở tài liệu khác).
|