1. Biểu hiện lâm sàng
1.1. Biểu hiện tại chỗ
Biểu hiện tại chỗ xảy ra sớm, sau vài phút bị côn trùng cắn, người bệnh thấy đau,
ngứa ở vết cắn, kèm theo nề đỏ quanh vết cắn.
Biểu hiện tại chỗ có thể tự hết trong một vài giờ. Đối với người bệnh bị suy giảm miễn dịch (AIDS, leucemia…), vết đốt có thể tiến triển thành bọng nước, hoặc hoại tử kèm theo biểu hiện toàn thân như sốt, nổi hạch.
1.2. Biểu hiện toàn thân
- Buồn nôn, chóng mặt.
- Nổi ban đỏ toàn thân; phù quinke.
- Khó thở, thở rít.
- Rối loạn tiêu hóa: đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn mửa.
- Tụt huyết áp.
- Nếu tình trạng nặng, người bệnh có thể hôn mê, ngừng tuần hoàn.
2. Xử trí cấp cứu côn trùng đốt
2.1. Xử trí ngoại viện
Đưa nạn nhân đến vị trí an toàn, tránh bị côn trùng đốt.
Xử trí vết đốt tại chỗ
- Lấy ngòi ra nếu vết đốt có ngòi ong để tránh chất độc phóng thích thêm vào máu.
- Rửa sạch vết đốt bằng xà phòng và nước.
- Giảm phù nề bằng cách chườm lạnh.
- Dùng thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen.
- Bôi kem làm giảm đau, giảm ngứa tại chỗ vết đốt. Kem có các thành phần: hydrocortisone, lidocaine, pramoxin giúp làm giảm đau.
- Nếu nếu vết cắn sưng nề và ngứa nhiều và gây khó chịu, có thể sử dụng thuốc kháng histamine H1 đường uống kết hợp với glucocorticoid đường uống.
- Thuốc kháng histamine H2 có thể được dùng phối hợp để tăng tác dụng của thuốc kháng histamine H1.
- Thuốc kháng histamine H1 tại chỗ không nên bôi trên diện tích bề mặt lớn và không nên sử dụng đồng thời với các thuốc kháng histamine H1 đường uống vì có thể gây tác dụng phụ kháng acetylcholine.
Ở nhiều trường hợp, vận chuyển đến bệnh viện là không cần thiết. Nếu người bệnh có dấu hiệu/triệu chứng của phản ứng toàn thân hay có tiền sử sốc phản vệ do côn trùng cần chuyển bệnh viện để xử trí và theo dõi.
Xử trí trong khi chờ đợi nhân viên y tế hoặc trên đường đến bệnh viện
- Gọi cấp cứu và người giúp đỡ.
- Nới lỏng quần áo chật sau đó đắp chăn cho người bệnh. Không uống bất cứ thứ gì.
- Đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn hay máu từ miệng gây bít tắc đường thở.
- Tiến hành hồi sinh tim phổi khi có dấu hiệu ngừng tuần hoàn.
- Kiểm tra trong túi áo quần của nạn nhân xem có thuốc chống sốc adrenalin không. Nếu có thì dùng thuốc bằng cách cắm bơm tự động chứa thuốc vào đùi và giữ vài giây.
2.2. Xử trí tại cơ sở y tế
Nếu người bệnh có dấu hiệu khó thở, thở rít hoặc tụt huyết áp, cần xử trí theo
phác đồ sốc phản vệ:
- Đặt người bệnh nằm đầu thấp.
- Thở oxy.
- Nếu đường thở phù nề, co thắt nhiều thì chỉ định đặt ống nội khí quản.
- Adrenalin 1mg/ml tiêm ngay vào mặt ngoài bắp đùi 0,5 mg. Lặp lại sau 5-10 phút nếu tình trạng không cải thiện. Liều cho trẻ em là 0.01 mg/kg.
- Có thể tiêm adrenalin đường tĩnh mạch 0,5 mg sau khi pha với nước cất theo tỉ lệ 1/10 nếu tiêm bắp không cải thiện. Sau đó truyền tĩnh mạch liên tục với liều 0,1 µg/kg/phút.
- Đặt đường truyền lớn, truyền dịch đẳng trương nhanh với lượng 20 ml/kg.
- Methylprenisolon 40 mg tiêm tĩnh mạch.
- Kháng histamine H1: Diphenylhydramin (Dimedrol 10mg tiêm bắp).
- Kháng histamine H2: Ranitidine 50mg tiêm tĩnh mạch.
- Theo dõi tại bệnh viện ít nhất 72 giờ đối với những trường hợp có sốc phản vệ.
- Nếu người bệnh không có biểu hiện sốc phản vệ: xử trí vết đốt tại chỗ, giảm đau,
truyền dịch, dùng kháng histamine, corticoid và theo dõi sát.
|