Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và quản lí điều trị ổn định. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính; ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây BPTNMT. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.
BPTNMT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, số ca mắc BPTNMT ước tính khoảng 385 triệu người năm 2010, với tỷ lệ mắc trên thế giới là 11,7% và khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm. Ở Việt Nam nghiên cứu về dịch tễ học của BPTNMT năm 2009 cho thấy tỷ lệ mắc ở người >40 tuổi là 4,2%. Với sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển và sự già hóa dân số ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ mắc BPTNMT được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới và đến năm 2030 ước tính có trên 4,5 triệu trường hợp tử vong hàng năm do BPTNMT và các rối loạn liên quan.
Tiến trình của BPTNMT có những giai đoạn ổn định xen kẽ những đợt cấp, tiến triển nặng dần không hồi phục, vì vậy cần phát hiện sớm và điều trị hiệu quả để làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế biến chứng.
BPTNMT cũng như các bệnh mạn tính khác, cần phải được điều trị, quản lí và theo dõi lâu dài. Ngoài việc dùng thuốc, các biện pháp hỗ trợ khác như cai thuốc lá, phục hồi chức năng hô hấp, giáo dục người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát bệnh.
|