2.1. Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ
Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...
2.2. Cai thuốc lá, thuốc lào
Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng dự phòng BPTNMT và ngăn chặn tiến triển nặng lên của bệnh. Việc dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công. Các thuốc có thể chỉ định: nicotine thay thế, bupropion, varenicline.
- Nicotine thay thế.
• Chống chỉ định tương đối ở người bệnh tim mạch có nguy cơ cao (vừa mới bị nhồi máu cơ tim cấp).
• Các dạng thuốc: dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.
• Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá (mức độ phụ thuộc nicotine): thông thường từ 2-4 tháng, có thể kéo dài hơn.
• Tác dụng phụ: gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu...
- Bupropion: tác dụng tăng cường phóng thích noradrenergic và dopaminergic ở hệ thần kinh trung ương giúp làm giảm ham muốn hút thuốc.
• Không dùng cho người bệnh động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn
uống, dùng thuốc nhóm IMAO, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng.
• Thời gian điều trị 7 - 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng.
• Liều cố định không vượt quá 300mg/ngày:
o Tuần đầu: 150mg/ngày uống buổi sáng;
o Từ tuần 2 - 9: 300mg/ngày chia 2 lần.
• Tác dụng phụ: mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.
- Varenicline: có tác dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá và giảm sảng khoái khi hút thuốc.
• Chống chỉ định tương đối khi suy thận nặng (thanh thải Creatinine
<30ml/phút).
• Thời gian điều trị 12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng.
• Liều điều trị:
o Ngày 1 đến 3: 0,5mg/ngày uống buổi sáng;
o Ngày 4 đến 7: 1mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều;
o Tuần 2 đến 12: 2mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều.
• Tác dụng phụ: buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.
2.3. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây BPTNMT, do vậy hoạt động thể lực và chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát cân nặng là cần thiết trong dự phòng BPTNMT.
2.4 Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp
- Nhiễm trùng đường hô hấp (cúm và viêm phổi...) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp BPTNMT. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
- Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.
- Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở người bệnh mắc BPTNMT giai đoạn ổn định.
|