Tăng huyết áp là bệnh phố biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Theo điều tra tại 5 Châu lục trên toàn cầu năm 2008, tỷ lệ người trưởng thành (trên 25 tuổi) mắc bệnh tăng huyết áp chiếm 35-46% (thấp nhất là Châu Phi 35%, cao nhất là Châu Mỹ 46%). Thống kê toàn cầu về tăng huyết áp năm 2013 của WHO cho thấy, cứ 3 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 người lớn tăng huyết áp thì có 1 người không biết mình bị tăng huyết áp, cứ 3 người lớn điều trị tăng huyết áp thì có 1 người không đạt được huyết áp mục tiêu.
Theo báo cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tăng huyết áp ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh tăng huyết áp gia tăng rất nhanh: năm 1960: 1% người trưởng thành bị tăng huyết áp, con số này năm 1976 là 1.9%, năm 1990 là 11.5%, năm 2003 là 16.3%, năm 2008 là 25,1% và năm 2015 là 47,3%.
Tăng huyết áp là bệnh rất dễ chẩn đoán, nhưng trên thực tế nhiều người bị tăng huyết áp bị bỏ sót, chưa được chẩn đoán, do vậy, việc phát hiện sớm người bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng của y tế cơ sở. Đồng thời với việc phát hiện sớm, việc kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng tăng huyết áp có ý nghĩa góp phần giảm tỷ lệ mắc và giảm biến chứng của bệnh.
Bệnh tăng huyết áp có nhiều thuốc điều trị, nhưng tỷ lệ người bệnh được kiểm soát huyết áp lại rất thấp do việc điều trị không đạt hiệu quả. Không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy thận, suy tim, đột quỵ, giảm hoặc mất thị lực...
Bệnh tăng huyết áp cũng như các bênh mạn tính khác, cần được điều trị, quản lí
và theo dõi lâu dài.
|