5.4.1. Mất ngủ: Là khi người trưởng thành ngủ ít hơn 5 giờ/ngày. Biểu hiện bằng những than phiền khó đi vào giấc ngủ hoặc chất lượng ngủ kém (ngủ không sâu giấc, trằn trọc, dễ thức giấc, khó ngủ trở lại hoặc thức giấc sớm). Xẩy ra ít nhất 3 lần / tuần, kéo dài ít nhất một tháng. Có sự bận tâm về giấc ngủ và lo lắng quá mức về hậu quả ban ngày và ban đêm của giấc ngủ. Gây ra sự đau khổ hoặc gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn hoặc xã hội (mệt mỏi, khó tập trung học tập, lao động, chất lượng công việc kém)
5.4.2. Ngủ nhiều
Ngủ nhiều là ngủ trên 10 tiếng mỗi ngày, kéo dài trong ít nhất một tháng. Ngủ quá nhiều phải đủ nặng để gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến các chức năng nghề nghiệp, xã hội và các chức năng quan trọng khác. Người bệnh thường ngủ 8 – 12 giờ mỗi ngày và thường khó thức dậy vào buổi sáng. Mặc dù ngủ nhiều nhưng khi ngủ dậy vẫn không thỏa.
5.4.3. Hoảng sợ khi ngủ
Là những cơn hoảng sợ và sợ hãi tột độ về ban đêm. Người bệnh hốt hoảng và lo âu kịch phát. Người bệnh kêu thất thanh, đôi khi tỉnh giấc ngay lập tức với cảm giác hoảng sợ mạnh. Người bệnh thường ngủ tiếp hoặc có miên hành và quên trong cơn.
Hoảng sợ trong khi ngủ thường bắt đầu ở trẻ 4 - 12 tuổi và tự hết ở tuổi vị thành niên. ở người lớn, khởi phát phổ biến nhất ở lứa tuổi 20 - 30 và tiến triển tính. Cơn hoảng sợ thường xảy ra một lần sau vài ngày hoặc vài tuần, nhưng cũng có thể xảy ra hàng đêm.
5.4.4. Miên hành
Tỷ lệ miên hành ở trẻ em là 10%-30%, ở người lớn là 1%-7%. Cơn đầu tiên hay gặp ở lứa tuổi 4 - 8. Đỉnh cao xảy ra ở tuổi 12. Miên hành ở trẻ em thường tự hết khi
đến tuổi vị thành niên. Nhưng hầu hết các trường hợp, miên hành kéo dài trong vài năm.
Miên hành là trạng thái ý thức biến đổi đặc biệt, trong đó trạng thái thức và ngủ kết hợp với nhau. Người bệnh đi trong trạng thái vắng ý thức hoàn toàn. Người bệnh ngồi dậy, có thể có những vận động phức tạp như đi, mặc quần áo, nói, la hét thậm chí lái xe. Các hành vi thường kết thúc khi người bệnh thức dậy sau vài phút rối loạn ý thức, người bệnh có thể quay lại giường và ngủ tiếp.
Miên hành thường bắt đầu ở 1/3 đầu của đêm. Nếu tỉnh dậy trong giai đoạn này (hoặc sáng hôm sau), người bệnh chỉ nhớ lại một số chi tiết hạn chế những gì xảy ra trong giai đoạn.
5.4.5. Ác mộng
Ác mộng đặc trưng bởi giấc mơ dài gây hoảng sợ, người bệnh tỉnh dậy trong hoảng hốt.. Khoảng một nửa số trường hợp, ác mộng phối hợp với các bệnh tâm thần khác như rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn stress sau sang chấn và trầm cảm. Người bệnh khi tỉnh dậy, hoàn toàn tỉnh táo và có thể nhớ từng chi tiết của giấc mơ. Rối loạn thần kinh thực vật thường có nhưng biểu hiện nhẹ và nhanh chóng trở về bình thường. Khoảng 50% số người lớn thường có ác mộng. Tỷ lệ nữ nhiều hơn nam từ 2-4 lần.
|