Bài làm
1. Bệnh nhân hiện đang có những nhu cầu sức khỏe sau :
Tóm tắt tình hình bệnh lý của bệnh nhân theo tình huống bài cho:
- Bệnh nhân nam 24 tuổi, cách nay 3 tháng tham gia hiến máu, mẫu máu hiến vừa qua có phản ứng dương tính với VDRL.
- Từng quan hệ tình dục với gái mại dâm vài lần.
- Chưa lập gia đình, đã có bạn gái và có dự định sẽ tiến đến kết hôn sớm.
- Hỏi bệnh sử bệnh nhân và thăm khám lâm sàng không phát hiện gì lạ.
Sơ bộ chẩn đoán bệnh của bệnh nhân :
Qua tóm tắt tình huống trên, sơ bộ chẩn đoán: Bệnh nhân mắc bệnh giang mai giai đoạn không có triệu chứng lâm sàng hoặc Bệnh nhân mắc bệnh giang mai thể “cụt đầu”.
Lý do:
- Xét nghiệm mẫu máu hiến vừa qua có phản ứng dương tính với VDRL;
- Từng quan hệ tình dục với gái mại dâm vài lần.
- Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng không phát hiện gì lạ.
Để khẳng định thêm chẩn đoán, cần làm thêm :
- Làm thêm xét nghiệm “Các phản ứng đặc hiệu”, như: Miễn dịch huỳnh quang (FTA-abs) hoặc phản ứng ngưng kết hồng cầu có gắn xoắn khuẩn giang mai (TPHA) và tìm xoắn khuẩn ở các thương tổn da, niêm mạc (nếu có phát hiện được tổn thương)…
- Hỏi bệnh nhân có dùng kháng sinh trong những tháng qua hay không ? nếu dùng kháng sinh thì dùng loại gì ? liều thuốc như thế nào ? thời gian dùng bao lâu ?
Nghĩ nhiều đến “Bệnh nhân mắc bệnh giang mai cụt đầu”: Nếu trong những tháng qua, bệnh nhân có dùng kháng sinh mặc dù là dùng kháng sinh để điều trị bệnh khác, sẽ làm mất các triệu chứng như “săng” nhưng không đủ khỏi bệnh do đó xét nghiệm máu vẫn có phản ứng dương tính với VDRL.
Nghĩ nhiều đến “Bệnh nhân mắc bệnh giang mai giai đoạn không có triệu chứng lâm sàng”: Nếu trong những tháng qua, bệnh nhân không dùng kháng sinh.
Tóm lại: Bệnh nhân hiện đang có những nhu cầu sức khỏe, đó là:
- Điều trị bệnh giang mai.
- Phòng bệnh giang mai.
2. Kế hoạch chăm sóc bao gồm những hoạt động như sau:
2.1. Điều trị bệnh:
+ Sinh học:
- Thông báo cho bệnh nhân biết “Xét nghiệm mẫu máu lần hiến máu gần nhất cách nay 3 tháng có phản ứng dương tính với VDRL”.
- Thông báo cho bệnh nhân biết chẩn đoán sơ bộ, nghĩ nhiều đến : Bệnh nhân mắc bệnh giang mai.
- Chỉ định dùng thuốc kháng sinh và các thuốc bổ trợ khác.
- Thông báo những xét nghiệm sẽ làm để xác định chẩn đoán, như: Miễn dịch huỳnh quang (FTA-abs) hoặc phản ứng ngưng kết hồng cầu có gắn xoắn khuẩn giang mai (TPHA) và tìm xoắn khuẩn ở các thương tổn da, niêm mạc (nếu có phát hiện được tổn thương)…
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
- Theo dõi: Các tổn thương trên da, niêm mạc, nước tiểu, nhiệt độ, mạch, huyết áp hàng ngày.
- Tái khám theo hẹn.
+ Tâm lý:
- Tư vấn, giải thích cho bệnh nhân hiểu: “Giang mai” là bệnh truyền nhiễm, các đường lây truyền bệnh giang mai: đường lây chủ yếu và các đường khác. Hiện nay bệnh nhân đang ở giai đoạn lây truyền rất mạnh cho người khác.
- Đề nghị bệnh nhân nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sỹ, không được tự ý bỏ điều trị.
- Giải thích để bệnh nhân hiểu nếu điều trị tốt ở giai đoạn này bệnh sẽ khỏi hoàn toàn; ngược lại nếu không điều trị hoặc không tuân thủ điều trị đầy đủ bệnh không khỏi, kéo dài, thậm chí sẽ nặng lên có thể đe dọa tính mạng …
- Khi đang mắc bệnh không nên tham gia hiến máu.
- Điều trị khỏi bệnh giang mai trước khi cưới vợ là tốt nhất; hoặc cưới vợ được nhưng để đảm bảo an toàn cho vợ, chỉ quan hệ tình dục sau khi điều trị khỏi bệnh giang mai.
+ Gia đình và xã hội: Giải thích cho gia đình bệnh nhân biết bệnh của bệnh nhân, đây là bệnh truyền nhiễm, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và các đường khác nữa; nếu được điều trị tích cực sẽ khỏi bệnh, ngược lại nếu không điều trị hoặc không tuân thủ điều trị đầy đủ bệnh không khỏi, kéo dài, thậm chí sẽ nặng lên có thể đe dọa tính mạng …Gia đình không được xa lánh, phải động viên, hỗ trợ để bệnh nhân điều trị tốt.
2.2. Phòng bệnh:
+ Sinh học: Tăng cường sức khỏe, luyện tập thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Quan hệ thủy chung một vợ một chồng, quan hệ tình dục an toàn, tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su). Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau khi quan hệ. Trước khi truyền máu phải thử VDRL. Khi cần chích thuốc dùng bơm, kim tiêm 1 lần rồi bỏ đi.
+ Tâm lý: Tuyên truyền sự nguy hiểm của bệnh cho tất cả mọi người để họ có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân. Giáo dục nam nữ thanh niên về tác hại của bệnh. Giáo dục y tế về bệnh lây truyền qua đường tình dục.
+ Gia đình và xã hội: Xây dựng qui chế c¬ưới xin (cần kiểm tra sức khoẻ tr¬ước khi cho đăng ký kết hôn, trong đó có thử máu). Giáo dục hành vi tình dục an toàn. Quản lý tốt thai nghén nhằm phát hiện kịp thời bệnh của thai phụ. Hợp tác nhiều ngành để giáo dục nam nữ thanh niên sống lành mạnh. Bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chống tệ nạn mãi dâm gái điếm, cải tạo gái điếm./.
|