Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


NẤM DA ĐẦU, NẤM RÂU, NẤM TÓC (Tinea capitis)

(Tham khảo chính: 4416/QĐ-BYT )

1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Nấm tóc, nấm da đầu là tình trạng nhiễm nấm nông ở vùng tóc và da đầu, có nguyên nhân thường do Microsporum và Trichophyton.
1.2. Dịch tễ
- Nấm tóc chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, ít gặp hơn ở người lớn; dịch tễ thay đổi tùy từng vùng.
- Hay gặp ở vùng nông thôn hơn thành thị. Bệnh thường mang tính lây truyền và gặp ở các thành viên trong gia đình hoặc cùng lớp học.
1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh
- Nấm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu của nấm tóc và da đầu. Trong đó, nấm hay gặp là Microsporum và Trichophyton, đặc biệt là M. canis.
- Tuy nhiên, nghiên cứu Việt Nam chủ yếu gặp Trichophyton với nguồn lây từ người. Bao gồm: T. tonsurant, T. mengtagrophyte, Microsporum với nguồn lây từ đất và động vật: M. canis, ít gặp hơn M. gypseum
- Nấm tóc Piedra trắng do nấm Trichophyton beigelii gây nên. Nấm tóc Piedra đen do nấm Piedraia hortae gây nên.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
2.1.1. Nấm da đầu, nấm tóc
- Nấm Dermatophytes: biểu hiện triệu chứng tuỳ thuộc vào hình thức xâm nhập và tồn tại của nấm ở tóc. Gồm 3 dạng:
+ Dạng nội sợi: biểu hiện lâm sàng đa dạng với vảy da, mảng rụng tóc với chấm đen, hình thành kerion. T. tonsurans và T. violaceum là hai nguyên nhân quan trọng của nhiễm nấm nội sợi.
+ Dạng ngoại sợi: lớp biểu bì bên ngoài sợi tóc bị phá hủy. Biểu hiện lâm sàng đa dạng từ mảng bong vảy hoặc mảng rụng tóc kèm viêm từ ít đến nặng, hình thành kerion.
+ Dạng Favus là dạng nặng nhất của nhiễm nấm dermatophyte ở tóc. Nguyên nhân chủ yếu là do T. schoenleinii. Favus biểu hiện mảng vảy tiết màu vàng, dày chứa sợi và mảng da chết. Khi nhiễm nấm mãn tính có thể gây nên rụng tóc sẹo.
- Kerion là hậu quả phản ứng quá mức của cơ thể gây biểu hiện mảng mủ, ướt, kèm hình thành các ổ áp xe nhỏ và rụng tóc. Một số bệnh nhân có biểu hiện toàn thân, mệt mỏi, sưng hạch.
- Tình trạng mang nấm T. tonsurans là tình trạng không biểu hiện lâm sàng nhưng khi nuôi cấy nấm dương tính, thường gặp hơn ở người lớn, người có tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Nấm tóc Piedra: có hai dạng chính là Piedra đen và Piedra trắng.
+ Piedra đen: thường biểu hiện nốt màu nâu hoặc đen dọc theo thân tóc, thường bắt đầu dưới lớp biểu bì của sợi tóc và lan rộng ra ngoài. Tóc vỡ, nốt lớn bọc thân tóc.
+ Piedra trắng: cũng bắt đầu bên dưới lớp biểu bì và phát triển thông qua thân tóc gây suy yếu và gẫy tóc. Các nốt mềm, ít dính, màu trắng nhưng cũng có thể là màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu nâu sáng. Ở những người bệnh suy giảm miễn dịch, T. beigelii có thể gây ra nhiễm nấm hệ thống nghiêm trọng với sốt, nấm huyết, thâm nhiễm phổi, tổn thương da (sẩn mụn nước và xuất huyết, hoại tử trung tâm) và bệnh thận.
2.1.2. Nấm râu
Có 2 hình thái lâm sàng
- Hình thái nông: do Violaceum, T. rubrum gây nên. Sợi râu gãy và bong vảy hoặc khô, không bong, khi nhổ lên chân vẫn bình thường.
- Hình thái sâu: do T. mentagrophytes gây nên. Tiến triển chậm, các u nhỏ liên kết với nhau tạo thành mảng thâm nhiễm và ăn sâu xuống hình thành các áp xe. Da trên bề mặt viêm tấy, sợi râu rụng hoặc không có, mủ chảy ra qua lỗ chân râu.
2.2. Cận lâm sàng
- Đèn Wood: một số nấm da đầu có ánh sáng xanh khi soi dưới ánh sáng đèn Wood. Tuy nhiên đèn Wood âm tính không có nghĩa là không nhiễm nấm.
- Soi tươi: thấy hình ảnh sợi nấm chia đốt và phân nhánh; có thể thấy hình ảnh tế bào nấm nằm trong lòng sợi tóc (Endothrix), tế bào nấm nằm ngoài sợi tóc (Ecthotrix) hoặc trong và ngoài sợi tóc (Endo and Ecthotrix).
- Dermoscopy: Hình ảnh nấm tóc giống hình dấu phẩy, đuôi heo, nút chai, mã vạch, zic-zắc.
- Nuôi cấy: quan sát khuẩn lạc và hình thái đại thể, vi thể trong các môi trường nuôi cấy đặc hiệu và trên kính hiển vi.
- Mô bệnh học: Sinh thiết thường ít được chỉ định trong chẩn đoán nấm nông.
2.3. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào lâm sàng và xét nghiệm trực tiếp tìm nấm tại thương tổn.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Nấm da đầu với: viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, vảy nến thể mảng, vảy nến thể mủ, viêm da cơ địa , viêm mủ do vi khuẩn, lichen vùng nang lông và da đầu, viêm mô bào da đầu...
- Nấm tóc Piedra: chấy, gẫy tóc, tóc nốt, Trichomycosis axillaris, rận mu.
- Nấm râu: viêm nang lông vi khuẩn, virus (herpes simplex hoặc zona), trứng cá thông thường, actinomycose vùng mặt cổ, vết dò từ viêm chân răng, rụng râu xuất hiện ở vùng trung tâm tổn thương và có thể hồi phục.
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Loại bỏ yếu tố nguy cơ.
- Sử dụng thuốc kháng nấm đường bôi và đường uống
- Điều trị hỗ trợ: dầu gội có thành phần kháng nấm
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Thuốc bôi: điều trị hỗ trợ kèm theo thuốc kháng nấm đường toàn thân
- Sử dụng các thuốc kháng nấm như nhóm azole, nhóm allylamines… bôi 2 lần/ngày
- Chích rạch nếu cần
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Lựa chọn ưu tiên: Terbinafin có hiệu quả hơn trong điều trị các chủng nấm Trychophyton (T. tonsurans, T. violaceum, T. soudanense), trong khi đó griseofulvin có hiệu quả hơn trong điều trị các chủng nấm Microsporum (M. canis, M. gypseum, M. audouinii).

Thuốc

Liều người lớn

Liều trẻ em

Griseofulvin

10-20 mg/kg/ngày x 6-8 tuần.

10-20mg/kg/ngày x 6-12 tuần

 

Thời gian dùng 6-8 tuần với nhiễm các chủng nấm Trychophyton, 8-12 tuần với các chủng nấm Microsporum. Có thể cần sử dụng liều lên tới 25 mg/kg/ngày trong thời gian dài hơn khoảng 12 tuần đối với những trường hợp nghi ngờ kháng thuốc.

Terbinafin

250mg/ngày x 3-4 tuần

Dùng với trẻ > 4 tuổi:

< 25kg: 125 mg/ngày x 3-4 tuần;

25-35kg: 187,5 mg/ngày x 3- 4 tuần;

>35kg: 250mg/ngày x 3-4 tuần.

- Lựa chọn thay thế: Itraconazol có hiệu quả hơn trong điều trị các chủng nấm Microsporum (M. canis, M. gypseum, M. audouinii); Fluconazol có tác dụng chủ yếu diệt nấm: T. violaceum, T. verrucosum và M. canis.

Thuốc

Liều người lớn

Liều trẻ em

Itraconazol

5mg/kg/ngày x 4-8 tuần (tối đa 400mg)

3-5mg/kg/ngày x 4-8 tuần

Fluconazol

6mg/kg/ngày x 3-6 tuần

Voriconazol thuộc nhóm new azole có tác dụng chống nấm mạnh hơn griseofulvin hoặc fluconazol nhưng chi phí cao, hạn chế cấp phép và không sẵn có nên hạn chế sử dụng hiện tại.

4. PHÒNG BỆNH
- Vệ sinh da đầu, tóc thường xuyên.
- Giữ khô tóc.
- Hạn chế trẻ nhỏ chơi với chó, mèo, vật nuôi.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20241126Huong dan 4416_qd_byt_dalieu.doc .....(xem tiếp)

  • BỆNH GHẺ (Scabies)
  • VIÊM DA DO DEMODEX (Demodicosis)
  • BỆNH LANG BEN (Pityriasis versicolor)
  • BỆNH DA DO NẤM SỢI (Dermatophytosis)
  • BỆNH DA VÀ NIÊM MẠC DO CANDIDA (Mucocutaneous candidiasis)
  • NẤM DA ĐẦU, NẤM RÂU, NẤM TÓC (Tinea capitis)
  • NẤM MÓNG (Onychomycosis)
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Sỏi đường niệu ở trẻ em

    Trần Thị Mộng Hiệp.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Chẩn đoán ngừng thở, ngừng tim

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    ca lâm sàng 2

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    CÁC THỦ THUẬT VÀ PHẪU THUẬT TRONG SẢN KHOA
    Chẩn đoán phân biệt
    Hội chứng (hình)
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space