2.1. Các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não
Tổ chức Y tế Thế giới năm 1980-1990 đã tổng kết các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não, chúng làm tăng tỉ lệ tai biến 7-10 lần. Có thể xếp loại như sau:
+ Các bệnh tim- mạch: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, các bệnh tim (rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn), bệnh van tim...
+ Các nguyên nhân dinh dưỡng, chuyển hóa: bệnh béo phì, uống rượu, hút thuốc lá, ăn mặn, đái tháo đường, tăng lipid huyết thanh, tăng acid uric máu...
+ Các yếu tố khác: Dùng thuốc tránh thai có Oestrogen, các yếu tố gia đình, bệnh tăng tiểu cầu, tăng hematocit, bệnh thận và một số trường hợp khác.
2.2. Mẫu co cứng
Trương lực cơ được chi phối bởi phản xạ trương lực cơ nguyên phát và thứ phát ở tủy sống. Khi kích thích các đầu mút cảm giác thứ phát trong các cơ gập sẽ gây đồng vận gập thông qua nơron vận động gamma và anpha. Cũng tương tự cũng gây được đồng vận duỗi ở các cơ duỗi. Khi có tổn thương não, hoạt động của các nơron ở tủy sống ở trạng thái thoát ức chế, dần xuất hiện mẫu co cứng và các phản xạ đồng vận ở các chi.
Mẫu co cứng thường xuất hiện vào giai đoạn hồi phục, thể hiện bằng hiện tượng tăng trương lực các cơ gập ở tay và các cơ duỗi ở chân. Các khớp chi trên ở tư thế gấp, khép và xoay trong, còn các khớp ở chân ở tư thế duỗi dạng và xoay ngoài. Cơ ở cổ và thân bên liệt co ngắn hơn bên lành.
Liệt nửa người có thể diễn biến qua các giai đoạn: cấp tính, hồi phục và giai đoạn di chứng. Chương trình phục hồi chức năng được thiết kế tùy vào giai đoạn tiến triển người bệnh. Khi nào có thể bắt đầu phục hồi chức năng sau khi xảy ra tai biến? Ngày nay nhiều nhà lâm sàng cho rằng nên bắt đầu càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ những ngày thứ nhất, thứ hai, khi tai biến đã ổn định.Vậy cần xác định dấu hiệu ổn định của TBMN: một số thầy thuốc cho rằng 48h sau tai biến, nếu các thiếu sót thần kinh không tiến triển, có thể coi là ổn định.
|