1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Viêm da do Demodex là bệnh da do ký sinh trùng thuộc họ Demodex ký sinh và phát triển với số lượng lớn ở nang lông, tuyến bã và vảy da.
1.2. Dịch tễ
Demodex có thể thường gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành, hiếm khi quan sát thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm da do Demodex thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi, hoặc người có tình trạng suy giảm miễn dịch.
1.3. Căn nguyên/Cơ chế bệnh sinh
- Bệnh gây ra do Demodex thuộc họ ve mạt, giống Demodex, thường có hai loài ký sinh trên người là D.folliculorum và D.brevis.
- Khi xâm nhập vào da người, Demodex ký sinh ở nang lông, tuyến bã, dùng mỏ sắc nhọn chọc thủng tế bào biểu bì và tiết ra men lipase thủy phân chất bã làm nguồn thức ăn. Khi lượng Demodex tập trung nhiều làm nang lông giãn rộng, hình thành nút sừng gây tắc nghẽn nang lông và giảm bài tiết chất bã ra ngoài khiến da trở nên khô ráp và bong vảy.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Gồm viêm da do Demodex nguyên phát và viêm da do Demodex thứ phát:
+ Viêm da do Demodex nguyên phát: khởi phát muộn, thường sau 40 tuổi hoặc người cao tuổi, ảnh hưởng đến mặt, quanh miệng, quanh mắt hoặc quanh tai. Tổn thương thường phân bố không đối xứng, được nhóm lại theo hình dạng không đều có tổn thương vệ tinh. Người bệnh không có triệu chứng hoặc ngứa nhẹ. Không thấy các biểu hiện điển hình của trứng cá đỏ như ban đỏ, cơn đỏ bừng thoáng qua, giãn mạch.
+ Viêm da do Demodex thứ phát xuất hiện sớm hơn, tổn thương phân bố ở mặt hoặc thân mình viêm nhiều và lan tỏa hơn. Người bệnh thường có tiền sử hoặc kèm theo bệnh trứng cá đỏ, viêm da quanh miệng
- Triệu chứng của viêm da do Demodex thường không đặc hiệu:
+ Vảy mỏng vùng nang lông
+ Dát, sẩn, mụn mủ, viêm nang lông
+ Có thể kèm theo ngứa, vảy vùng quanh mắt, viêm kết mạc mắt, giảm thị lực.
2.2. Cận lâm sàng
Soi tìm Demodex dưới kính hiển vi:
- Nếu độ tập trung của Demodex ≥ 5 con trên một vi trường: Demodex là căn nguyên gây bệnh.
- Nếu độ tập trung của Demodex < 5 con trên một vi trường: Demodex không phải căn nguyên gây bệnh.
2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng.
2.4. Chẩn đoán thể
- Viêm nang lông vẩy phấn: Tổn thương chủ yếu là vảy mỏng, màu hơi trắng hoặc hơi vàng, sờ thô ráp như giấp ráp ở vùng nang lông (nhất là vùng da dầu) có thể kèm hoặc khong dát đỏ nhạt hoặc viêm nhẹ. Thường gặp ở phụ nữ trung niên ít có thói quen rửa mặt, trang điểm nhiều
- Demodex dạng trứng cá đỏ, Demodex giống viêm da quanh miệng, quanh mắt, quanh tai: Tổn thương là sẩn, mụn mủ thường ở trên mặt quanh miệng, mắt, tai. Kích thước nhỏ hơn trứng cá đỏ. Có thể kèm vảy ở nang lông, ngứa. Phân bố thường không đối xứng. Tổn thương thường không có đỏ da dai dẳng (khác với trứng cá đỏ triệu chứng đỏ da hay gặp)
- Demodex áp xe: Bệnh nhân có sẩn đỏ, mụn mủ, áp xe sâu và ở một bên mặt, phân bố không đối xứng, tồn tại dai dẳng.
2.5. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm da dầu.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng.
- Trứng cá đỏ.
- Nhiễm nấm da.
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Dùng dầu gội dịu nhẹ.
- Làm sạch da mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt không chứa xà phòng, tẩy tế bào chết định kỳ để loại bỏ tế bào da chết.
- Dùng các thuốc có tác dụng diệt Demodex.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Thuốc bong vẩy: thuốc bong vẩy thường dùng trong các trường hợp viêm da do Demodex dạng viêm nang lông dạng vẩy phấn nhẹ.
+ Acid salicylic 5%
+ Thuốc bôi vitamin A acid.
- Thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng: các thuốc bôi có thể lựa chọn gồm:
+ Dung dịch benzyl benzoat
+ Kem permethrin, kem crotamiton
+ Gel metronidazol
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Metronidazol: uống 500mg/ngày trong 15 ngày.
- Ivermectin: liều duy nhất 200µg/kg, uống khi đói.
4. PHÒNG BỆNH
- Sử dụng các sản phẩm làm sạch mặt dịu nhẹ hàng ngày
- Không tự ý sử dụng thuốc bôi có chứa corticosteroid, thuốc bôi không rõ thành phần, nguồn gốc.
|