Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


BỆNH GHẺ (Scabies)

(Tham khảo chính: 4416/QĐ-BYT )

1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Bệnh ghẻ là bệnh da phổ biến, do ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei var. hominis gây ra.
1.2. Dịch tễ học
Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn, chiếu dính trứng ghẻ.
1.3. Căn nguyên/ Cơ chế bệnh sinh
Ký sinh trùng gây bệnh ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
- Thời gian ủ bệnh: Khó xác định, trung bình 2-6 tuần ở từng người khác nhau, phụ thuộc vào khả năng miễn dịch. Nhiễm ghẻ lần đầu, thời gian ủ bệnh có thể đến 3 tuần. Trong trường hợp tái nhiễm ghẻ, thời gian ủ bệnh thường là từ 1-3 ngày.
- Yếu tố dịch tễ: nhiều thành viên trong gia đình có biểu hiện tương tự.
- Thể điển hình:
+ Mụn nước: xuất hiện trên nền da lành, sắp xếp rải rác, riêng rẽ từng cái một. Mụn nước thường ở vùng da mỏng như ở kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước ở lòng bàn tay, chân, ở qui đầu. Ở vùng sinh dục tổn thương thường tròn, 5-7 mm đường kính, ở giữa có thể trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.
+ Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
+ Đường hầm ghẻ: còn gọi là “luống ghẻ”, đặc hiệu nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do con ghẻ cái tạo thành dài 3 -5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chảy ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim, di động khi đặt lên mặt kính
+ Tại nơi gãi do ngứa, xuất hiện những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hoá, mụn mủ.
- Thể Ghẻ vảy/Ghẻ sừng hóa hay Ghẻ Na Uy (Norwegian Scabies)
+ Thường gặp ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch: điều trị bằng corticosteroid dài ngày, HIV/AIDS, người được ghép tạng, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng, người già.
+ Biểu hiện lâm sàng có thể dưới dạng viêm da mạn tính, viêm da dạng vảy nến, viêm da tiết bã hoặc đỏ da toàn thân kèm bong vảy nhiều.
+ Tổn thương cơ bản: các lớp vảy chồng lên nhau và lan toả gần như toàn cơ thể, có thể tìm thấy hàng nghìn cái ghẻ trong các vảy nhỏ này. Tại các khu vực bị nhiễm ghẻ vảy nặng, các mảng có ranh giới rõ được bao phủ bởi một lớp vảy rất dày. Ở tay, chân có thể gây nên bệnh da dạng hạt cơm, với dấu hiệu tăng sừng ở giường móng. Tổn thương phân bố toàn thân (thậm chí ở đầu và cổ) hoặc khu trú từng vùng chủ yếu ở các khu vực nếp kẽ. Lớp vảy da, vảy tiết được tìm thấy trên mặt duỗi bàn tay, cổ tay, ngón tay, khớp bàn ngón tay, lòng bàn tay, mặt duỗi của khuỷu tay, da đầu, lòng bàn chân và ngón chân.
- Triệu chứng cơ năng: ngứa nhiều, đặc biệt về đêm, có thể gây mất ngủ.
2.2. Cận lâm sàng
- Soi tìm ký sinh trùng ghẻ trên kính hiển vi thông thường.
- Soi da trên Dermoscopy: hình ảnh như vệt khói máy bay.
- Xét nghiệm huyết học: có thể thấy tăng bạch cầu ái toan trong ghẻ vảy.
2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
- Sẩn ghẻ: có thể cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh da có sẩn kèm theo ngứa như: Mày đay sắc tố (ở trẻ nhỏ), bệnh Darier, sẩn ngứa, sẩn trong giang mai II, viêm hạch lympho giả u, u bạch huyết dạng sẩn.
- Tổ đỉa
- Săng giang mai
- Ngứa, phát ban khu trú hoặc lan toả: phát ban do thuốc, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, bệnh vảy phấn hồng, viêm da dạng herpes, bệnh rận mu.
- Bệnh viêm da mủ: chốc, chốc loét, bệnh nhọt khi có bội nhiễm
- Ghẻ vảy: phân biệt với vảy nến, viêm da dạng chàm, bệnh đỏ da có vảy.
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Bệnh nhân và những người tiếp xúc gần bệnh nhân cần được điều trị đồng thời (dù có triệu chứng hay không).
- Vệ sinh đồ dùng để hạn chế lây nhiễm: Giặt, phơi, luộc quần áo, chăn đệm, màn, đồ dùng.
- Ngứa có thể kéo dài thêm 1-2 tuần sau khi kết thúc quá trình điều trị hiệu quả.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị tại chỗ
- Lựa chọn thứ nhất:
+ Permethrin 5%: là thuốc điều trị ghẻ hiệu quả và an toàn. Dạng kem hoặc dạng xịt được sử dụng ở tất cả các vùng của cơ thể từ cổ trở xuống. Sau 8-12 giờ tắm rửa lại. Thuốc ít có tác dụng phụ, có thể gặp kích ứng nhẹ tại chỗ xoa thuốc. Có thể nhắc lại sau 7-14 ngày. Thuốc được cho là an toàn cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và được phép dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
+ Lotion benzyl benzoat 10-25% dùng vào buổi đêm trong 2 ngày liên tiếp, có thể nhắc lại sau 7 ngày.
+ Malathion 0,5% lotion có thể sử dụng nếu không dung nạp với kem permethrin. Bôi toàn bộ cơ thể, tắm lại sau 24h, có thể lặp lại sau 1 tuần. Thuốc có thể gây viêm da kích ứng, đặc biệt là trên mặt và cơ quan sinh dục.
- Lựa chọn thứ hai:
+ Dung dịch DEP (Diethyl - phtalat) bôi lên tổn thương mụn nước tối trước khi đi ngủ.
+ Crotamiton 10% cream: Thoa lớp kem mỏng lên toàn bộ cơ thể từ cổ xuống, bôi liên tiếp 2 đêm, tắm rửa sạch sau 24 tiếng sau khi bôi lần 2.
+ Sulfur 2-10% in petrolatum: Bôi lên da từ 2 đến 3 ngày.
+ Benzyl benzoat kết hợp với sulfiram.
+ Sulfiram 25% lotion: có thể tác dụng tương tự như thuốc điều trị nghiện rượu; không được uống đồ uống có cồn trong ít nhất 48 giờ.
+ Ivermectin 0,8% lotion.
3.2.2. Điều trị toàn thân
- Ivermectin đường uống:
+ Liều dùng: 200 μg/kg; chỉ sử dụng liều duy nhất. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 15kg.
+ Liều lặp lại sau 1-2 tuần nếu cần thiết
- Thuốc điều trị triệu chứng:
+ Kháng histamin: dùng để giảm triệu chứng ngứa.
+ Kháng sinh: khi có bội nhiễm.
3.2.3 Điều trị ghẻ ở những trường hợp đặc biệt:
- Ghẻ vảy:
+ Ngâm, tắm toàn thân, bôi mỡ salicylic để bong sừng, sau đó bôi thuốc ghẻ. Bôi thuốc trị ghẻ nhiều lần lên da.
+ Ivermectin đường uống kết hợp với liệu pháp bôi thuốc là phương pháp hiệu quả nhất.
+ Kiểm soát lây nhiễm: cách ly bệnh nhân, vệ sinh nơi ở, điều trị dự phòng đối với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
- Ghẻ chàm hóa:
+ Kháng histamin: dùng thuốc kháng histamin an thần như hydroxyzin, doxepin, hoặc diphenhydramin khi đi ngủ.
+ Thuốc mỡ corticosteroid: bôi các tổn thương viêm da chàm hóa do ghẻ.
- Ghẻ bội nhiễm: điều trị với thuốc mỡ mupirocin, acid fusidic. Có thể dùng thêm các loại thuốc kháng sinh đường toàn thân nếu cần.
- Sẩn ghẻ: có thể tồn tại cùng với ngứa đến một năm sau khi loại bỏ ghẻ. Có thể sử dụng triamcinolon tiêm nội tổn thương, 5-10 mg/ml trên từng tổn thương; lặp lại mỗi 2 tuần (nếu cần thiết); thuốc mỡ corticosteroid phối hợp axit salicylic...
4. PHÒNG BỆNH
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Giáo dục cộng đồng, giữ vệ sinh da, diệt nguồn ghẻ sinh sống, tắm, thay đồ hàng ngày, dọn sạch giường, giặt chăn màn.
- Khi bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian điều trị.
- Giáo dục đối tượng có nguy cơ tránh tiếp xúc. Khi phát hiện ra có người trong gia đình bệnh nhân ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.
- Chẩn đoán sớm, điều trị đầy đủ, thích hợp.
- Điều trị biến chứng, phòng tái phát.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20241126Huong dan 4416_qd_byt_dalieu.doc .....(xem tiếp)

  • BỆNH GHẺ (Scabies)
  • VIÊM DA DO DEMODEX (Demodicosis)
  • BỆNH LANG BEN (Pityriasis versicolor)
  • BỆNH DA DO NẤM SỢI (Dermatophytosis)
  • BỆNH DA VÀ NIÊM MẠC DO CANDIDA (Mucocutaneous candidiasis)
  • NẤM DA ĐẦU, NẤM RÂU, NẤM TÓC (Tinea capitis)
  • NẤM MÓNG (Onychomycosis)
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    phác đồ chẩn đoán điều trị, phẫu thuật chữa bệnh ung thư da

    phác đồ BV Ung bướu - TP HCM.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Co thắt Dupeytren

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Đặc điểm lâm sàng của mụn trứng cá
    Những cấp cứu thường gặp trong chăm sóc giảm nhẹ
    Hướng dẫn chi tiết về kiểm soát triệu chứng ngứa trong bệnh vẩy nến
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space