Đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện các biến chứng. Một số người bệnh có đau đầu. Các triệu chứng không đặc hiệu khác có thể gặp: hồi hộp, chóng mặt, mặt đỏ bừng, mệt, khó thở, mờ mắt, chảy máu cam....
Chính vì vậy, để phát hiện sớm người bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng, cần thiết phải đo huyết áp định kỳ cho những người có nguy cơ tim mạch và những người tiền tăng huyết áp (huyết áp bình thường cao).
1.1. Những người có nguy cơ tim mạch
- Tuổi >55 đối với nam, >65 tuổi đối với nữ
- Có hút thuốc lá hoặc thuốc lào
- Vận động thể lực <30 phút/ngày, dưới 5 ngày/tuần (bao gồm thể dục, thể thao, đi bộ và lao động chân tay)
- Ăn >5 gam muối (tương đương 01 thìa cà /phê)/người/ngày
- Ăn ít rau, trái cây
- Uống nhiều rượu bia
- Bố, mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh tim mạch ở độ tuổi nam <55, nữ <65 tuổi
- Hay bị stress và căng thẳng tâm lý
- Thừa cân, béo phì
- Mắc bệnh đái tháo đường (đã được cơ sở y tế chẩn đoán)
- Rối loạn lipid máu (đã được cơ sở y tế chẩn đoán)
1.2. Chẩn đoán tăng huyết áp
Hầu hết các hướng dẫn trên thế giới về tăng huyết áp đều thống nhất chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg .
Yêu cầu: Phải đo huyết áp đúng quy trình, phải khám ít nhất 2 lần khám và đo huyết áp ít nhất 2 lần đo/1 lần khám (tổng số là 4 lần đo huyết áp). Trị số huyết áp là giá trị trung bình của các lần đo.
Bảng 1. Các ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp theo từng cách đo
Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Cán bộ y tế đo đúng quy trình ≥ 140 và/hoặc ≥ 90mmHg
Đo bằng máy đo HA tự động 24h ≥ 130 và/hoặc ≥ 80mmHg
Tự đo tại nhà (đo nhiều lần) ≥ 135 và/hoặc ≥ 85mmHg
1.3. Dự phòng tăng huyết áp
Áp dụng cho mọi đối tượng khỏe mạnh để dự phòng giảm tỷ lệ mắc bệnh. Đối với người tăng huyết áp, thực hiện tốt các biện pháp dự phòng có thể ngăn ngừa tiến triển của bệnh và giảm được chỉ số huyết áp, giảm được số thuốc cần dùng.
1.3.1. Giảm yếu tố nguy cơ
- Kiểm soát tốt mỡ máu: Nồng độ cholesterol LDL cao (cholesterol xấu) hoặc mức HDL thấp (cholesterol "tốt") có thể làm tăng sự tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch, làm cho thành động mạch dầy, xơ cứng, lòng động mạch bị hẹp lại, gây tăng huyết áp. Đồng thời chúng cũng tạo thuận lợi cho kết dính tiểu cầu tạo cục máu đông gây tắc nghẽn mạch, đặc biệt nguy hiểm là động mạch vành và động mạch não.
- Kiểm soát tốt đường máu: Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu trên khắp cơ thể, làm tăng khả năng hình thành và phát triển các mảng xơ vữa gây tăng huyết áp và tắc nghẽn mạch. Trên thực tế, khoảng một trong ba người mắc bệnh đái tháo đường có bệnh động mạch vành.
- Kiểm soát tốt cân nặng: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 46% ở nam giới và 64% ở nữ, đồng thời khiến việc kiểm soát huyết áp, mức cholesterol và đái tháo đường trở nên khó khăn hơn. Cần duy trì BMI < 25 và vòng bụng dưới 90cm ở nam, dưới 80cm ở nữ.
Để kiểm soát tốt mỡ máu, đường máu và cân nặng, cần tuân thủ điều trị nếu có rối lọan và thực hiện tốt các biện pháp thay đổi lối sống.
1.3.2 Thay đổi lối sống
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng:
• Giảm ăn mặn (< 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày).
• Ăn ≥ 5 đơn vị (400g) rau, trái cây mỗi ngày.
• Sử dụng các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe như dầu đậu nành, vừng, lạc, oliu…
• Ăn các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu kali (các loại đậu, cà rốt, khoai lang, chuối, trái bơ…)
• Hạn chế ăn thịt đỏ, tối đa một hoặc hai lần/ tuần
• Ăn cá hoặc thức ăn giàu axit béo omega 3 ít nhất hai lần/ tuần
• Hạn chế ăn đường và đồ ngọt.
• Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
- Hạn chế uống rượu, bia: chỉ sử dụng 02 số lượng đơn vị cồn/ngày (với nam), 01 đơn vị cồn/ngày (với nữ) và tổng cộng ít hơn 14 đơn vị cồn/tuần (nam), ít hơn 9 đơn vị cồn/tuần (nữ). 1 đơn vị cồn = 10g ethanol nguyên chất, tương đương với 25ml rượu mạnh 40 độ.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào: Nicotine, carbon monoxide và các chất có hại khác có trong khói thuốc có tác dụng co các mạch máu làm tăng huyết áp và cholesterol tăng lên. Ngoài ra, việc cung cấp oxy tới các mô của cơ thể bị giảm, làm tổn thương nội mạc mạch máu, khiến các mảng xơ vữa phát triển bên trong các động mạch và làm cho các cục máu đông dễ hình thành.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
|