Giai đoạn cuối đời là lúc người bệnh nhìn lại quá khứ và nhìn về phía trước. Đó có thể là thời gian để phản ánh và đánh giá bản thân, là thời gian để nhìn lại cuộc sống và những gì đã đạt được, là thời gian để trầm tư tại sao mọi thứ lại xảy ra như nó đang xảy ra trên thế giới này. Người bệnh có thể chịu đựng nỗi đau về tinh thần vì tự buộc tội mình và hối tiếc khi nhìn về quá khứ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nhiều ước nguyện về sự ra đi của mình và ước muốn cho những người còn sống. Vì vậy:
- Hãy chuẩn bị thảo luận với người bệnh về các vấn đề tinh thần nếu người bệnh muốn
- Hãy học cách lắng nghe người bệnh một cách tích cực vói sự cảm thông,
- Hiểu được các phản ứng về sự mất mát trong cuộc đời của họ (những giai đoạn khác nhau của sự đau khổ)
- Cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ về xã hội, tâm lý và tinh thần
2.1. Ước muốn được hòa giải và ghi nhớ
Hãy cho họ những cơ hội để nói ra những suy nghĩ của họ về những mối bất hòa và đổ vỡ trong gia đình, mất sự liên hệ với gia đình, bạn bè và cảm giác có lỗi rằng họ là người góp phần gây ra những điều này. Họ thường nói về sự khao khát được hòa giải, tha thứ và mong muốn được ghi nhớ bởi những điều tốt đẹp mà họ đã làm trong quá khứ. Hãy thảo luận ươc muốn này của người bệnh với gia đình họ, tạo điều kiện cho sự gặp gỡ (nhất là khi người bất hòa với người bệnh ở xa) và nói lời tha thứ, hòa giải để người bệnh thanh thản trước lúc ra đi.
Người bệnh có thể băn khoăn liệu họ có thể đạt được điều gì, liệu có để lại những điều tốt đẹp, họ sẽ được tưởng nhớ như thế nào đặc biệt là những đứa con của họ. Có thể khuyến khích họ chuẩn bị hộp đựng đồ lưu niệm của họ, những lá thư và những tấm bưu thiếp với những lời yêu thương cho những người còn sống. Hãy để cho người bệnh thấy rằng người bệnh sẽ được yêu quý và nhớ đến.
2.2. Lập kế hoạch cho tương lai, chăm sóc cho những người còn sống
Người bệnh HIV/AIDS ở giai đoạn này có thể lo lắng cho những người thân phụ thuộc vào họ và tương lai của gia đình, tài sản để lại, những kế hoạch chưa hoàn thành và thậm chí chưa bắt đầu. Ai sẽ chăm sóc cho những người ở lại? Ai sẽ chi trả các chi phí học hành cho con cái họ trong tương lai? Ai sẽ là người chăm sóc cho con cái họ khi họ là người thân yêu cuối cùng của đứa trẻ?
Người chăm sóc cần giúp người bệnh đối phó với những lo lắng này. Sự chăm sóc tinh thần đòi hỏi nhiều hơn là chỉ an ủi. Người thân và cộng đồng cần thiết phải tham gia để tìm ra giải pháp thiết thực. Hãy giúp người bệnh làm di chúc, lập kế hoạch chăm sóc con cái họ và những người còn sống. Nhân viên chăm sóc giảm nhẹ hãy khuyến khích đối thoại trong nội bộ gia đình để thảo luận những vấn đề gây lo lắng như sự chăm sóc trẻ em, sự hỗ trợ của gia đình, chi phí học hành và chi phí tang lễ. Sự khẳng định về trách nhiệm chăm sóc của những người thân đối với những thành viên còn phụ thuộc, sự liên hệ với các tổ chức trợ giúp xã hội và trại trẻ mồ côi có thể hữu ích để trấn an sự lo lắng của người sắp ra đi.
2.3. Ước nguyện về sự ra đi
Hãy nói về cái chết nếu người bệnh mong muốn để giúp người bệnh chấp nhận cái chết. Hãy tìm hiểu xem người bệnh đã từng chứng kiến ai đó chết và sự sợ hãi của họ về cái chết. Sự sợ hãi này có thể là sự sợ hãi cơ bản về thể chất và tâm lý. Hãy đáp ứng với các nhu cầu về tinh thần mà người bệnh yêu cầu, cung cấp sự liên hệ với những nhà tư vấn tâm linh hay các mục sư, thầy tu theo tôn giáo và ước nguyện của người bệnh nếu người bệnh đồng ý. Không nên áp đặt quan điểm của mình. Nếu bạn cùng niềm tin tôn giáo, cầu nguyện cùng người bệnh có thể phù hợp.
Hãy hỏi xem người bệnh muốn ra đi như thế nào? Người bệnh muốn được chết tại nhà hay tại bệnh viện? Người bệnh có muốn ra đi trong sự có mặt của gia đình hay với thầy tu hay mục sư? Hãy hỏi xem người bệnh muốn được chôn cất hay hỏa thiêu và ở đâu? Hãy đảm bảo những ước muốn của người bệnh được tôn trọng và được thảo luận với gia đình của họ.
Thông thường trong văn hóa Việt Nam, theo đạo Phật, người bệnh bày tỏ nguyện vọng được chết tại nhà. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, người bệnh không muốn về nhà vì sợ không được chăm sóc sức khỏe tốt như khi ở trong bệnh viện. Gia đình người bệnh có thể phản đối, một phần vì không có kinh phí để vận chuyển người bệnh đến nơi mai tang ở quê người bệnh. Những gia đình khác có thể không chấp nhận cái chết không tránh khỏi đang đến gần của người bệnh và có thể vội vã đưa người bệnh đến bệnh viện trong những nỗ lực cuối cùng để chứng tỏ họ đã làm hết những gì có thể. Liên hệ với các nhân viên cộng đồng và nhân viên bệnh viện vẫn còn phức tạp vì sợ hãi bị kỳ thị. Sự thảo luận giữa người bệnh, gia đình và nhân viên chăm sóc giảm nhẹ cần phải được tiến hành dựa trên những phân tích về lợi thế và sự bất lợi của chăm sóc cuối đời tại nhà và tại bệnh viện trong từng trường hợp cụ thể để giúp người bệnh lựa chọn tốt và để đảm bảo những mong muốn của họ sẽ được tôn trọng.
|