Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người cao tuổi

(Tham khảo chính: DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ )

Đối với người cao tuổi, việc chăm sóc sức khoẻ không chỉ là chữa bệnh mà còn phải giảm thiểu những thiệt thòi, hạn chế, phục hồi chức năng và đảm bảo sự ổn định về tinh thần, suy trì trạng thái dễ chịu, thoải mái và bảo đảm phẩm giá con người. Điều này cũng phù hợp với 6 nguyên tắc và định hướng của mô hình bác sĩ gia đình. Ngoài việc thăm khám và điều trị bệnh tật như đối với các lứa tuổi khác, việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi có những vấn đề đặc biệt cần được quan tâm nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong những năm cuối đời.
4.1.    Sức khoẻ và ăn uống
Đánh giá dinh dưỡng là một phần không thể thiếu của việc đánh giá lão khoa. Loại thực phẩm, số lượng và mức độ sử dụng nên được xác định. Tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe, như chậm lành vết thương, chậm hồi phục và thời gian nằm viện lâu hơn. Mặt khác, do chức năng tiêu hoá và hấp thu của người cao tuổi đã bị suy giảm cộng thêm với nhiều loại bệnh tật có liên quan đến chế độ ăn uống nên cần phải quan tâm đầy đủ đến chế độ ăn uống. Nhiều loại bệnh tật hay gặp ở người cao tuổi đòi hỏi phải có chế độ ăn kiêng hợp lý như tăng huyết áp, đái tháo đường. Các bệnh này nhiều khi chưa cần phải dùng thuốc mà chỉ
 
cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Các thói quen của người cao tuổi về ăn kiêng, uống rượu và hút thuốc lá cũng cần được quan tâm thu thập để có tư vấn, hướng dẫn và điều chỉnh hợp lý. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nên đánh giá thêm về khả năng nhai và nuốt của người bệnh. Việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi cũng cần phải có sự quan tâm đặc biệt, rà soát các loại thuốc đang sử dụng, loại bỏ những loại thuốc không cần thiết hoặc có hại cho sức khoẻ của người cao tuổi.
4.2.    Ngã
Té ngã ở người cao tuổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong khá cao, trung bình mỗi năm có khoảng 30% số người trên 65 tuổi té ngã ít nhất 1 lần, 10% trong số đó gây nên thương tích chấn thương, 5% số người té ngã bị gãy xương hoặc nhập viện. Gãy xương chậu là nguyên nhân dẫn đến giảm chức năng ở người cao tuổi và đòi hỏi cần có người chăm sóc bên cạnh.
Các yếu tố góp phần gây té ngã ở người cao tuổi bao gồm thay đổi tư thế liên quan đến tuổi tác, thị lực giảm, suy giảm nhận thức, sử dụng một số loại thuốc (đặc biệt là thuốc kháng cholinergic, thuốc hướng thần và thuốc tim mạch), các bệnh liên quan đến cơ và khả năng phối hợp và các yếu tố môi trường. Các biện pháp can thiệp hiệu quả cho những người có tiền sử bị ngã hoặc những người có nguy cơ té ngã liên quan đến việc giải quyết nhiều yếu tố góp phần.
Các bác sĩ gia đình trong quá trình thăm khám nên thường xuyên hỏi về tần suất của những lần ngã gần đây ở người cao tuổi vì họ thường không tự chia sẻ về việc té ngã của họ. Đối với những người bệnh té ngã, đánh giá cơ bản bao gồm xem xét hoàn cảnh gây té ngã, đo các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra thị giác, đánh giá nhận thức và đi lại và đánh giá tình trạng thăng bằng. Để đánh giá nguy cơ té ngã ở người cao tuổi, có thể sử dụng thử nghiệm "Đứng dậy và Đi". Cho người bệnh ngồi ở ghế dựa, yêu cầu người bệnh đứng dậy, đi khoảng 3 mét, quay đi quay lại và sau đó đi trở về ghế và ngồi xuống. Quan sát sự mất thăng bằng hoặc bất thường về dáng đi, sẽ cho thấy có nguy cơ bị té ngã hay không.
4.3.    Dự phòng và nâng cao sức khoẻ
Đối với người cao tuổi, việc luyện tập thể dục có những lợi ích cho huyết áp, hệ tim mạch, hằng định nội mô về glucose, tỷ trọng xương, có tác dụng tốt đối với toàn thân, chống mất ngủ, táo bón. Tuy nhiên, khi tập luyện cần loại bỏ những động tác quá mạnh với cột sống nhất là với những người loãng xương. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, người thầy thuốc gia đình cần tư vấn hướng dẫn cho người cao tuổi có các hoạt động tập luyện phù hợp. Việc tập luyện phục hồi chức năng nên có sự hướng dẫn của nhân viên vật lý trị liệu và cần chú ý biện pháp phòng tránh ngã gây tai nạn, chấn thương. Có thể tại miễn dịch chủ động với một số bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, uốn ván,… Ngoài ra, cần hạn chế việc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá.
Bên cạnh các nguy cơ sức khỏe liên quan đến chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, phòng tránh té ngã ở người cao tuổi là một nội dung mà các bác sĩ gia đình cần đặc biệt lưu tâm đến. Té ngã được xem là một trong những nguyên nhân có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở người cao tuổi. Mỗi năm có khoảng 30% người trên 65 tuổi té ngã ít nhất 1 lần, và tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi. Do đó, người bác sĩ gia đình cần đánh giá các yếu tố nguy cơ té ngã và sự an toàn ở nơi sinh sống của người cao tuổi khi chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này. Bên cạnh đó, cần can thiệp vào nhiều yếu tố, cách tiếp cận khác nhau để dự phòng té ngã cho người cao tuổi, chẳng hạn như các chương trình luyện tập thể
 
dục, giảm liều hay số lượng thuốc, điều trị hạ huyết áp tư thế và các rối loạn tim mạch, điều trị rối loạn thị giác. Tư vấn, giáo dục cho người bệnh và người chăm sóc về việc phòng ngừa té ngã, đảm bảo môi trường an toàn, phù hợp cho người cao tuổi.
4.4.    Khám sàng lọc
Người cao tuổi cần được khám, kiểm tra sức khoẻ theo định kỳ. Ngoài việc sàng lọc việc thực hiện các chức năng chung, người cao tuổi cần được sàng lọc các yếu tố nguy cơ và các tình trạng bệnh lý hay gặp. Tuy nhiên, cần phải có sự thảo luận cân nhắc với đối tượng cả về lợi ích, giá thành trước khi thực hiện các can thiệp sàng lọc. Một số các sàng lọc sau đây có thể được cân nhắc đối với người cao tuổi.
-    Kiểm tra sàng lọc tình trạng tăng cholesterol máu, khám sàng lọc đục thuỷ tinh thể, soi đại tràng để phát hiện ung thư cho cả nam và nữ.
-    Xét nghiệm ung thư cổ tử cung, khám vú và chụp X-quang vú cho phụ nữ.
-    Sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
4.5.    Quản lí sức khỏe liên tục
Một trong những biện pháp có giá trị nhất trong đề phòng bệnh tật, tránh tai biến cho người cao tuổi là nắm vững tình hình sức khoẻ, tiền sử, bệnh sử của họ. Thầy thuốc và người nhà phải chú ý tới vấn đề người bệnh than phiền, cả những điều tưởng nhỏ nhặt như hay quên, lú lẫn, rối loạn tình dục, tiểu tiện không tự chủ. Chú ý những nguy cơ có thể để tìm cách ngăn chặn, như đối với những người giảm nhận thức, hay hút thuốc lá có thể gây hoả hoạn do vô ý, hoặc người dùng nhiều thuốc ngủ có nguy cơ tắc ruột do ứ phân, mê sảng, lú lẫn. Khi người bệnh có dấu hiệu bệnh lý cần phải can thiệp sớm và kịp thời bởi các triệu chứng có thể không rõ ràng, rầm rộ như ở người trẻ.
4.6.    Hỗ trợ xã hội
Chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi còn cần phải quan tâm đến các vấn đề công ăn việc làm phù hợp, nhà ở và môi trường, xây dựng các chương trình giáo dục, sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình và mạng lưới cộng đồng. Điều kiện sinh sống, hỗ trợ gia đình và xã hội có thể giúp đánh giá được các nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt đối với người bệnh được xác định là có nguy cơ té ngã. Ngoài ra, bác sĩ gia đình cần đánh giá xã hội của người cao tuổi về tình hình tài chính và mối quan tâm của người chăm sóc người cao tuổi. Việc lập kế hoạch hỗ trợ là một thành tố chính trong việc đánh giá hỗ trợ xã hội, làm rõ vai trò của người bệnh và thiết lập mục tiêu chăm sóc cho trường hợp “mất chức năng xã hội” có thể xảy ra trong tương lai.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cần phải được tạo điều kiện để có thể tham gia hoà nhập với cộng đồng, cần được tôn trọng và tạo điều kiện để có những đóng góp phù hợp cho xã hội. Làm tốt công tác an ninh xã hội và phấn đấu để người cao tuổi có thể được chăm sóc tại nhà là một trong những mục tiêu phấn đấu của hệ thống y tế và cần được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, gia đình và cộng đồng.
 

  • Mục tiêu
  • Đặt vấn đề
  • vai trò của bác sĩ gia đình trong cssk người cao tuổi
  • Đặc điểm sinh lý, bệnh lý của người cao tuổi
  • Làm việc với người bệnh cao tuổi
  • chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người cao tuổi
  • Kết luận
  • Tài liệu tham khảo
  • Câu hỏi ôn tập
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Quản lý người bệnh điều trị thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã

    28/2018/TT-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tài liệu tham khảo

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Đánh giá đau bìu cấp tính ở người lớn

    uptodate.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Block nhánh Phải + phân nhánh trái trước (ECG Ví dụ 3)
    Bệnh hô hấp
    114
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space