Tình huống ví dụ
Thông tin
Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, BMI = 22,5 kg/m2, đến khám vì trễ kinh 2 tuần, thử Quickstick tại nhà cho kết quả dương tính. Bệnh nhân cho biết đã sinh 1 bé gái cách đây 3 năm và được chẩn đoán đái tháo đường khi mang thai. Sau khi sinh bé bệnh nhân có tái khám về tình trạng bệnh đái tháo đường và được bác sĩ cho biết là Chị không còn bị đái tháo đường nữa. Hiện tại bệnh nhân không thấy triệu chứng gì bất thường. Bệnh nhân đến khám vì lo lắng vấn đề đái tháo đường giống lần mang thai đầu tiên. Khám lâm sàng hiện tại chưa ghi nhận bất thường.
Câu hỏi gợi ý tình huống:
· Chẩn đoán có thể nhất trong trường hợp này là gì?
· Việc xử trí trong tình huống này bao gồm những gì?
Tóm tắt - phân tích tình huống
Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, PARA 1001 (sinh mổ), BMI = 22,5 kg/m2, trễ kinh 2 tuần, Quickstick (+). Tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
· Chẩn đoán có thể nhất trong trường hợp: theo dõi thai 6 tuần (theo kinh cuối)/ tâm lý lo lắng về bệnh đái tháo đường ảnh hưởng lên thai nhi.
· Việc xử trí trong tình huống:
- Tư vấn cho bệnh nhân về khả năng mang thai lần 2, cần làm thêm siêu âm bụng để chắc chắn thai nằm trong tử cung, loại trừ khả năng thai ngoài tử cung.
- Tư vấn về nguy cơ đái tháo đường ở lần mang thai này, giải tỏa tâm lý quá lo lắng về bệnh đái tháo đường thai kỳ, hiện nay có thể kiểm soát tốt đường huyết nếu bệnh nhân hợp tác cùng bác sĩ trong quá trình theo dõi. Đề nghị bệnh nhân thử đường huyết đói vào sáng ngày hôm sau, khi có kết quả sẽ tư vấn tiếp.
- Tư vấn về các xét nghiệm cần làm thêm tại thời điểm hiện tại: giang mai, viêm gan B, C, HIV, công thức máu.
- Tư vấn về dinh dưỡng và các thuốc cần bổ sung (acid folic 400 µg/ ngày).
|